Sáng 4/11, cửa hàng
Honda ủy nhiệm (HEAD) trên phố Huế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đông khách
đến tìm mua xe. Chỉ chưa đầy 10 phút, đại lý này đã tiếp 6 vị khách đến
hỏi xe. Sau khi được cô nhân viên giới thiệu, một vài vị khách thắc mắc
về giá cả, cụ thể là sự chênh lệch giữa giá công bố của nhà sản xuất và
giá bán tại đây. Tuy nhiên, một số khách dường như đã biết đến sự phi
lý này và chấp nhận thực tế.
“Giá bán lẻ đề xuất”
trên website của Honda là: Air Blade F1 giá 31,99 triệu đồng, Air Blade
Repsol giá 32,99 triệu đồng, nhưng đại lý này đẩy giá lên tới 37 triệu
đồng. Xe Lead có “giá bán lẻ đề xuất” 30,99 triệu đồng (màu đen, đỏ,
trắng, bạc) và 31.490.000 đồng (màu vàng) cũng tiến lên con số 35 triệu
đồng… Cô nhân viên này cho biết, khi ghi hoá đơn, số tiền mua xe vẫn
được ghi bằng mức giá bán lẻ "đề xuất".
Thực trạng xe máy “loạn” giá như trên đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Ngay cả mua xe Honda nhập khẩu từ Trung Quốc người tiêu dùng cũng “ngã bổ nhào” khi giá ghi trên hoá đơn chỉ bằng một nửa giá thực tế chiếc xe họ vừa mua. Rõ ràng có sự phi lý đến khó tin như vậy, nhưng khi đi nộp thuế trước bạ thì cơ quan thuế vẫn đánh thuế cho người tiêu dùng bằng giá xe trên thị trường, chứ không hề căn cứ vào giá bán xe ghi trên hoá đơn. Người tiêu dùng thắc mắc và đặt câu hỏi về nguồn gốc của sự “loạn” này thì chẳng ai có câu trả lời thoả đáng, chỉ biết người bán được lợi lớn từ việc ghi hoá đơn "ảo" kiểu trên.
Trước đây, vào tháng
5/2009, Tổng Cục thuế đã có công văn yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương tổ chức thanh tra tại các cửa hàng, đại lý
bán xe máy toàn quốc về thông tin bán xe không đúng giá quy định, ghi
hoá đơn thấp hơn giá bán thực tế. Đồng thời, Tổng Cục thuế cũng yêu cầu
truy thu thuế và xử phạt hành chính nếu phát hiện có sai phạm. Tuy
nhiên, đi ngược lại sự chờ đợi của dư luận, cho đến thời điểm này, kết
quả của đợt thanh tra vẫn chưa được công bố công khai.
Ông Nguyễn Đình Xuân,
Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội cho rằng, đó
không phải là vấn đề chính: “Trong trường hợp này, vấn đề quan trọng
nhất là hành vi trốn thuế, gồm cả thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp
và thuế trước bạ lên đến trên 30% trên số tiền chênh lệch. Họ khai giá
bán thấp xuống để trốn thuế và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với
các hãng xe khác. Hãng có thể đã cho các HEAD hoa hồng thấp rồi ngó lơ
hoặc thông đồng để họ tự nâng giá. Thậm chí họ còn tạo ra sự khan hiếm
giả tạo để đẩy giá xe cao hơn giá công bố. Nếu người tiêu dùng chấp
nhận thì có thể coi đó là giá thị trường, thuận mua vừa bán nhưng phải
ghi hóa đơn đàng hoàng để thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với Nhà nước và
đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi có tranh chấp xảy ra.
Để xảy ra tình trạng
trên trong thời gian dài là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Cơ quan
công an, cơ quan thuế hoàn toàn có thể tiến hành điều tra, truy thu
thuế, xử phạt và áp một mức giá tối thiểu để thu thuế, tương tự như giá
nhập khẩu ôtô cũ. Người tiêu dùng thiệt hại, Nhà nước thất thu thuế,
nhưng việc xử lý lại không được coi trọng. Nếu tất cả các doanh nghiệp
khác cũng làm như thế thì sao? Tôi đã hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính về
trách nhiệm của ngành Thuế, giải pháp khắc phục và đang chờ câu trả
lời…”.
Người tiêu dùng vẫn
đang bị "móc túi" hàng ngày mà bất đắc dĩ chấp nhận. Có một thời gian,
cư dân mạng phát động phong trào tẩy chay các loại xe bị bán nâng giá
với hình thức như trên. Điều đó cho thấy tâm lý bức xúc đã bị đẩy lên
rất cao. Trong thời hội nhập hiện nay, việc cạnh tranh đương nhiên phải
lành mạnh, giữ chữ tín thì mới tồn tại được, còn kiểu bán hàng thiếu
minh bạch như trên chắc chắn sẽ dần bị chính người tiêu dùng loại trừ