Ngày 28/11, theo nguồn tin của Detroit Free News, ban lãnh đạo General Motors đang xem xét khả năng loại một số thương hiệu ra khỏi hệ thống của mình để có thể chống chọi với khó khăn trong thời gian tới.
Hãng tin Bloomberg còn tiết lộ cả Saturn và Cadillac cũng nằm trong kế hoạch. Như vậy, đây có thể được coi là dấu hiệu cho sự sụp đổ của triết lý "một hãng xe, nhiều thương hiệu" mà General Motors theo đuổi suốt lịch sử. Là nhà sản xuất lớn nhất thế giới nhưng không có một chiếc xe nào gắn mác General Motors.
Chiếc mui trần Solstice của Pontiac. Ảnh: Businessweek. |
GM từ chối bình luận trước những thông tin trên. "Giữa lúc khó khăn, rất nhiều lời đồn thổi xung quanh việc chúng tôi sẽ làm gì hoặc không làm gì. Do đó, tôi không cần phải bình luận", người phát ngôn Tom Wilkinson cho biết.
Hiện tại, nhà sản xuất này chỉ thừa nhận sẽ bán Hummer. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định để đủ tiền mặt cho bộ máy khổng lồ, trong trường hợp xấu nhất là quốc hội không thông qua khoản vay 25 tỷ USD, thì một mình Hummer chẳng thấm vào đâu. Đó là chưa kể tới việc khó có khách hàng nào mạo hiểm tậu một hãng chỉ chuyên sản xuất xe to, tốn xăng và đắt đỏ như Hummer.
Ngoài ra, loại bỏ các công ty con có thể là lời thuyết phục tốt trước quốc hội, dự kiến thông qua khoản vay 25 tỷ cho Detroit vay vào ngày 5/12.
Cải tổ bằng cách gọn nhẹ hóa là cách mà các hãng xe Mỹ thường sử dụng. Năm 2000, General Motors cũng từng khai tử nhãn hiệu lâu đời nhất nước Mỹ Oldsmobile do làm ăn thua lỗ. Ford mới đây đã nhanh tay "tống khứ" nhóm xe hạng sang Anh gồm Aston Martin, Jaguar và Land Rover.
Nếu thành hiện thực, Pontiac sẽ là nhãn hiệu lâu đời thứ hai của Mỹ bị làm khó. Nhà sản xuất này cho ra lò chiếc xe hơi Series 6-27 đầu tiên vào 1926. Trong danh mục sản phẩm của GM, Pontiac tập trung cho các mẫu xe tính năng cao. Thế nhưng doanh số năm nay giảm tới 20,9% so với cùng kỳ 2007.
Khác với Pontiac, Saturn là thương hiệu trẻ măng, thành lập năm 1985 để cạnh tranh với các hãng xe Nhật. Đến 1990, chiếc Saturn đầu tiên ra lò tại nhà máy Spring Hill. Trước cuộc khủng hoảng sâu và rộng, doanh số Saturn giảm 19% trong năm nay.
Cái tên Saab gắn với GM năm 1990 khi tập đoàn này sở hữu 50% cổ phần. Đến 2000, GM nằm quyền kiểm soát hoàn toàn nhãn hiệu Thụy Điển. Trước những thông tin Saab và Volvo (thuộc Ford) có thể bị bán, nhiều chuyên gia đề nghị chính phủ Thụy Điển quốc hữu hóa hai hãng để giữ truyền thống.