General Motors có thể phá sản trong trật tự

Admin
Ngày 18/12, lần đầu tiên Nhà Trắng đưa ra giải pháp cứu General Motors cùng Chrysler bằng lời đề nghị cả hai cách chọn con đường phá sản nhẹ nhàng.
>>Thượng viện Mỹ từ chối cứu ngành công nghiệp ôtô

Phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Dana Perino cho biết tổng thống Bush cùng Bộ trưởng tài chính Henry M. Paulson đã bàn về những giải pháp cho cuộc khủng hoảng công nghiệp ôtô Mỹ.

"Một trong những lựa chọn là đề nghị hai hai tập đoàn hạ cánh một cách nhẹ nhàng. Giờ đây chúng tôi chỉ có thể nói vậy và xin lưu ý đó chỉ là một trong nhiều lựa chọn", Perino nói.

Một quan chức cấp cao phân tích đề nghị General Motors và Chrysler phá sản chỉ là lựa chọn cuối cùng, trong trường hợp những cuộc thương thảo khác không đi đến thống nhất.

Chiếc xe mang thương hiệ GMC của General Motors. Ảnh:Reuters.
Chiếc xe mang thương hiệ GMC của General Motors. Ảnh: Reuters.

Trong tình thế bắt buộc, hai công ty này sẽ tái cấu trúc toàn bộ (một hình thức cắt giảm chi phí tối đa) nhưng không nằm dưới sự giám sát của tòa. Bộ Tài chính sẽ rót một quỹ cứu trợ để cho các công ty này vay.

Dù chưa có quyết định nào nhưng động thái của Nhà Trắng đã tác động đến thị trường chứng khoán. Trong phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu GM giảm 13%.

Tổng thống Bush thì cho rằng ông không muốn công nghiệp ôtô sụp đổ trong "hỗn loạn". Thế nhưng, vị tổng thống sắp mãn nhiệm này "lo ngại những đồng tiền được đặt sai chỗ". Điều đó có nghĩa ngay cả chính phủ cũng chưa chắc chắn các nhà sản xuất ôtô có trở nên khỏe mạnh hay không.

"Trong hoàn cảnh bình thường, phá sản là cách tốt nhất để tránh nợ, giúp công ty tái cấu trúc. Thế nhưng, đây là trường hợp bất thường. Và đó là vấn đề", Bush nói.

Nhiều luật sư và chuyên gia cho rằng GM và Chrysler có thể nộp đơn phá sản theo điều 11 luật phá sản Mỹ nhưng nằm dưới sự điều hành của chính phủ thay vì tòa án. Tiếp đến là thương thuyết với các chủ nợ lớn trước khi đàm phán với người lao động. Các khoản nợ được giám sát bởi chính phủ thay vì tòa án.

Khi phá sản, các hãng xe có thể phá hợp đồng, bao gồm cả hợp đồng với đại lý, nhà cung cấp và nghiệp đoàn. Ngoài ra, hợp đồng với công nhân ngoài nước Mỹ cũng sẽ được ký lại.

Song song với hai từ "phá sản" vài ngày gần đây, truyền thông Mỹ liên tục đề cập đến chuyện General Motors và Chrysler nối lại những cuộc đàm phán về khả năng sáp nhập để cùng vượt qua khủng hoảng. Cùng lúc đó, cả hai ra sức cắt giảm nhân công, đóng cửa nhà máy. GM thì cho 20 nhà máy tạm thời nghỉ việc. Chrysler cho toàn bộ 30 nhà máy trên toàn nước Mỹ nghỉ 1 tháng.

Tất cả đang cố gắng duy trì sự sống trước khi tìm được các giải pháp khác.

autovina