Ducati 1199 Panigale S: "Tên lửa" xa lộ

Svetlikj
(Autovina) - Trong mơ tôi cũng không dám nghĩ trong bãi để xe nhà mình đang có một chiếc 1199 Panigale S. Thực sự tôi không thể nhớ nổi bằng cách nào đã thuyết phục chủ nhân chiếc xe mô tô giá khoảng 40.000 USD trao chìa khóa xe cho mình trong 1 ngày, hiện giờ mọi thứ trong tôi chỉ là tốc độ, âm thanh và cả những tiếc nuối!

Buổi sáng, những cư dân trong khu tập thể đã bị đánh thức bởi một thứ âm thanh giống như tiếng súng máy M2 Browning. Vài người đã vội vã mở cửa ban công nhìn xuống, chắc họ tưởng nhà mình đang bị nã đạn! Mọi ánh mắt đổ dồn xuống, nơi có gã đàn ông đang mải mê "nẹt pô" một chiếc mô tô thể thao sặc sỡ. Một số người già than phiền về tiếng ồn, tôi chỉ còn biết gãi đầu cười trừ và xin lỗi họ. Hẹn một số người bạn mê xe đi cafe, tôi bắt đầu hành trình 1 ngày của mình với Panigale S.

 “dạo phố” với Ducati 1199 Panigale S

Trên đường phố, tiếng nổ của Panigale S thực sự sẽ thu hút sự chú ý của những người đi đường hơn là kiểu dáng của nó. Đó là thứ âm thanh ồn ào nhưng không “khàn khàn” như một động cơ 4 xi-lanh với một ống xả lớn, nó ồn ào theo cách làm những “fan” của xe mô-tô phân khối lớn như tôi thích thú. Nếu nghe kỹ, bạn có thể thấy được tiếng hoạt động của xích cam, các van và piston nhưng không có tiếng côn. Do Ducati đã sử dụng loại côn ướt mới, tiếng lách tách đặc trưng của côn khô trên thế hệ trước đã không còn nữa.

Thực tế mà nói, đã lâu lắm rồi tôi mới được lái một chiếc xe gây được sự chú ý của nhiều người đi đường như Panigale. Những cô cậu “teen” phải rời mắt ra khỏi màn hình những chiếc điện thoại để ngắm nhìn, những người đàn ông trung niên ngồi trà đá ở vỉa hè biến chiếc xe thành cuộc bàn luận mới của họ và mỗi khi dừng đèn đỏ, thể nào cũng có một vài cậu thanh niên đỗ xe sát vào để có thể nhìn thật rõ từng chi tiết.



Và chiếc Panigale đã thể hiện nhược điểm đầu tiên của mình ở những lúc đèn đỏ. Nhiệt lượng toả ra từ khối động cơ Superquadro lớn hơn nhiều so với bất kỳ chiếc xe nào tôi từng lái trước đây, cộng với những ống xả đặt phía dưới động cơ nhiều lúc khiến chân tôi như bị nướng chín! Thật may mắn, Ducati đã phát hiện ra nhược điểm này và sẽ thay thế những tấm chắn nhiệt loại mới ở ống xả, nếu như xe vẫn còn bảo hành!

Tôi thường không để ý nhiều tới các chế độ lái trên mô-tô bằng ô-tô, tuy nhiên, khi lái Panigale S, tôi buộc phải thay đổi điều đó. Sau một hồi “nghịch”, tôi nhận ra rằng chế độ WET phù hợp nhất khi đi trong thành phố. Nó sẽ giảm độ cứng của hệ thống treo, giảm công suất động cơ xuống còn 120 bhp, bật hệ thống điều khiển lực kéo và làm “mượt” ga hơn.

Ở chế độ RACE và SPORT, thật khó khăn để giữ kiểm soát chiếc xe. Tay ga sẽ trở nên siêu nhạy, đến nỗi chỉ cần nhích nhẹ, Panigale S sẽ “chồm” ngay lên phía trước. Điều khiển nó qua những đoạn tắc đường ở chế độ RACE hay SPORT trên phố Đê La Thành, trong thời tiết nóng bức đầu hè quả là một “cực hình”: Bạn không chỉ cảm thấy khó chịu bởi nhiệt toả ra từ động cơ của xe, mà còn vì sự căng thẳng khi phải luôn phải “ghìm cương”, ngăn không cho nó phi lên đám đông phía trước. Nói ngắn gọn, chế độ WET là sự lựa chọn hoàn hảo để di chuyển trong thành phố, vì với sức mạnh tương đương với 195 con ngựa dũng mãnh, 1199 Panigale S sẽ trở thành “quả bom”, dễ dàng   gây nguy hiểm cho những người xung quanh khi ở hai chế độ còn lại.



Bạn có thể nghĩ rằng một chiếc superbike của Ý sẽ khó xoay trở trong những con phố hay ngõ nhỏ. Tuy nhiên trên thực tế, nhờ có kích cỡ trung bình, tay lái rộng với góc lái lớn, việc lái Panigale S qua những ngóc ngách của thành phố không khó như bạn tưởng. Thậm chí, tôi còn thấy nó linh hoạt hơn những chiếc xe ga cỡ lớn, chẳng hạn như Honda Forza hay Yamaha Maxam!

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp cuốn hút

Thoát ra khỏi những đám tắc đường và ngồi bên ly cafe với bạn bè, tôi mới có thể thư giãn và chiêm ngưỡng nét đẹp của Panigale S. Theo thời gian, dường như các nhà thiết kế tại Ducati đã làm cho những chiếc superbike đầu bảng của họ trở nên góc cạnh hơn. Khi so sánh thế hệ gần nhất 1098, rõ ràng 1199 trông dữ dằn hơn, “sắc nhọn” hơn nhiều. Phần đầu xe cũng làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận trong giới mê xe phân khối lớn, và giữa những người bạn đang ngồi cùng bàn với tôi. Người này cho rằng phần đầu vuốt nhọn giống như mỏ của một con đại bàng, người khác lại thấy cách tạo hình đối xứng của cụm đèn pha và hai khe hướng gió nhìn trực diện trông giống như chiếc nơ...

Cá nhân tôi nghĩ rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng, vì Panigale S là một sản phẩm của công nghệ cao, của tính chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên, chắc chắn rằng nó đẹp hơn phần đầu của chiếc 999, và nổi bật hơn phần đầu của 1098. Phần yếm xe được thiết kế đơn giản với các mặt cong, đường cắt và ít rãnh xẻ. Nó khiến chiếc Panigale S trông thon gọn và liền mạch hơn. Đuôi xe được vuốt nhọn, kết hợp với những dải đèn hậu LED càng làm dáng của xe “thuôn” hơn. Có lẽ, chi tiết khiến tôi không hài lòng nhất đó là cặp mâm 3 chấu kép trông hơi mỏng manh quá so với mâm 5 cánh kép trên chiếc  Panigale thường.



Nhìn chung, Panigale S vẫn sở hữu một thiết kế đẹp mắt và thu hút ánh nhìn của mọi người. Bằng chứng là chỉ trong 30 phút dựng chiếc xe trên vỉa hè, tôi đã nhẩm đếm được có ít nhất 25 người phải ngoái nhìn , dừng lại một chút để ngắm và lôi điện thoại ra chụp ảnh nó, chưa kể sự quan tâm của những người đang ngồi trong quán cafe!

“Quả tên lửa” trên xa lộ

Sau khi nhận ra rằng chiếc Panigale S “không phù hợp lắm” với nội đô, tôi quyết định đưa chiếc xe ra đường cao tốc, để nó có thể “thoả sức vẫy vùng”, và cũng để có cơ hội trải nghiệm chế độ SPORT hay RACE của xe. Mọi chiếc superbike do Ducati sản xuất đều có hệ thống treo cứng, và chúng càng cứng hơn khi ở hai chế độ trên. Những gờ giảm tốc, hay “gợn” trên mặt đường đại lộ Thăng Long, dù là nhỏ nhất khiến người tôi ê ẩm sau 1 tiếng lái xe.

Cuối cùng, tôi đã lái chiếc Panigale S ở chế độ RACE, nhưng với giảm xóc đặt ở chế độ WET. Mặc dù ở cả hai chế độ SPORT và RACE, động cơ của xe đều có thể đạt được công suất tối đa 195 bhp, nhưng RACE có độ nhạy ga lớn hơn nhiều so với SPORT. Ngoài ra, giảm xóc ở hai chế độ này được cài đặt khá giống nhau, chính vì vậy để có thể “chống lại” những vạch giảm tốc trên đường, chế độ WET vẫn tỏ ra phù hợp nhất.



Ở số 4, với tốc độ vòng tua máy khoảng 4000 rpm, chiếc Panigale S tỏ ra khá ổn định và chỉ nhích nhẹ tay ga, khối máy Superquadro sẽ quay nhanh hơn 1500 vòng, nâng tốc độ lên 24 km/h nữa. Với 6000 vòng/phút, chiếc xe phát ra thứ âm thanh như một chiếc máy bay ném bom đang bay ở tầm thấp. Những con đường ở trong tầm mắt bị vượt qua một cách nhanh chóng. Đó sẽ là một cảm giác thật “phiêu”, nếu như tôi không phải liên tục liếc nhìn bảng đồng hồ tốc độ và bị làm phiền bởi những vạch giảm tốc. Nếu chỉ mải “phiêu” với chiếc xe mà không để ý đến những con số nhảy liên tục trên bảng đồng hồ, có lẽ tôi đã phải gặp các anh cảnh sát giao thông không chỉ một lần trong suốt chuyến đi...

Chọn một khu vực với mặt đường đủ bằng phẳng và cách xa khu vực có dân cư sinh sống, tôi quyết định thử “liều” với Panigale S, “kéo” chiếc xe lên tốc độ cao. Khởi đầu từ số 1, chiếc xe bắn đi như một quả tên lửa rời khỏi bệ phóng. Chỉ khoảng 3 giây sau, nó đã đạt tới 100 km/h. Tôi lên dần đến số 5. Những con số chỉ tốc độ vẫn đang liên tục thay đổi... 170, 180 rồi đến 190 km/h... Động cơ vẫn chỉ ở khoảng hơn 7500 rpm. Tiếp tục lên ga, vòng tua máy lên đến 9000 rpm, đồng hồ tốc độ chỉ 220 km/h. Cảnh vật hai bên đường nhoè lại, chỉ còn khoảng không trước mắt... Thật đáng tiếc khi con đường mà tôi thử nhiệm chiếc xe không đủ dài để tôi có thể đưa nó lên số 6, khiến cỗ máy Superquadro phải quay đến hơn 10.000 vòng/phút...

Cỗ máy “khát” xăng

1199 Panigale S là một chiếc xe tuyệt vời, trừ khi chúng ta xét đến mức tiêu thụ nhiên liệu của nó. Đừng hy vọng vào việc “tiết kiệm nhiên liệu”, nó là một con “quái vật” khát xăng thực sự! Mặc dù có bình xăng lên tới 17 lít, nhưng kể cả trong lần nỗ lực nhất, tôi cũng chỉ có thể đi được 150 km trước khi đèn báo hết nhiên liệu bắt đầu được bật. Tôi tự hỏi rằng không hiểu chủ của chiếc xe phải ghé trạm xăng mấy lần trong một tuần!?



Ducati đang cố gắng để “rũ bỏ” định kiến rằng những chiếc xe của hãng cần phải bảo dưỡng thường xuyên. Nhờ sự áp dụng những công nghệ tiên tiến, Panigale S chỉ cần được bảo dưỡng sau 12.000 km, trong khi con số này ở Yamaha R1 và Honda CBR 1000RR lần lượt là 9.500 và 6.500 km. Thời kỳ những chiếc Ducati thường gắn liền với hình ảnh thiếu tin cậy đã trôi vào dĩ vãng. Trên thực tế, ngoài hơi nóng do động cơ và ống xả toả ra, cùng với “cơn khát xăng” của mình, Panigale S không gây ra thêm bất kỳ khó khăn gì cho tôi.

Sau một ngày “phiêu du” với 1199 Panigale S, cuối cùng cũng đã đến lúc tôi phải chào tạm biệt nó. Đưa chiếc xe trở về với người chủ của mình, trong lòng tôi lẫn lộn nhiều suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Những giây phút được đắm chìm trong tốc độ, những cú xóc dội từ mặt đường, hay thậm chí là cái hơi nóng do động cơ của xe toả ra sẽ trở thành những kỷ niệm đáng nhớ. Mặc dù rất thích chiếc xe nhưng giả sử nếu một ngày đẹp trời nào đó, một người tặng cho tôi chìa khoá của một chiếc Panigale S với một yêu cầu duy nhất: chỉ được lái chiếc xe loanh quanh trong thành phố, tôi cũng sẽ vui lòng từ chối lời đề nghị đó.

1199 Panigale S là một chiếc superbike được thiết kế với mục đích phá vỡ những giới hạn đã được những chiếc xe khác tạo ra trước đó trên đường đua; chính vì vậy, vị trí của nó không phải là ở trong những con phố chật hẹp. Ở Việt Nam, bên cạnh điều kiện tài chính, có lẽ bạn phải có niềm đam mê mô tô cực lớn mới có thể cùng “sống chung” với nó hàng ngày được!

>> Xem thêm ảnh chi tiết Ducati 1199 Panigale S tại Việt Nam <<

Quang Huy

ảnh : Hoàng Trần

cuongvc