Đến thăm "nhà container" của đại gia đất Cảng

Hiện tại, trụ sở công ty của anh gồm 5 chiếc container, trong đó, có 3 chiếc 20 feet và 2 chiếc 40 feet. Tầng dưới là các phòng làm việc của nhân viên văn phòng, kế toán, kinh doanh. Phòng công nhân ở gồm riêng một chiếc, được thiết kế giường tầng như ký túc xá sinh viên. Một chiếc container đủ cho 20 công nhân ở.

Anh Phạm Đức Thịnh bên ngôi nhà làm bằng container. 

Đứng ở đường Nguyễn Văn Túy nhìn vào căn nhà, khó có thể nghĩ đây là một “ngôi nhà đồng nát”. Đó là một ngôi nhà 2 tầng, khá khang trang, được sơn màu ghi trẻ trung, mái tôn đỏ rực, kiểu dáng bình thường như những ngôi nhà khác. Tuy nhiên, lại gần, quan sát kỹ các khe vách, những góc khuất, mới nhận ra lớp thép sơn đỏ của những chiếc container vốn chạy trên những xa lộ.

Chiếc cầu thang nhỏ hẹp dẫn lên nóc chiếc container là tầng 2. Căn phòng làm việc của ông giám đốc chuyên kinh doanh đồng nát khá rộng rãi, sang trọng. Trên chiếc màn hình LCD lớn, hiện lên rất nhiều khung hình. Hóa ra, “ngôi nhà đồng nát” này được lắp cả chục chiếc camera. Qua đó, anh biết khách đến gặp mình là ai. Camera cũng thu vào màn hình mấy tác phẩm cây cảnh triệu đô đặt ngay trước nhà.
 
Mặt ngoài của ngôi nhà. 

Anh Thịnh vốn là một bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng nhưng được một thời gian anh chuyển sang kinh doanh mặt hàng phế liệu. Có vốn tích lũy, anh Thịnh mở cửa hàng sắt thép riêng. Năm 2007, anh Thịnh thành lập Công ty TNHH Thứ liệu Hải Phòng, chuyên buôn bán sắt thép đồng nát. Từ bấy, người ta gọi là Thịnh “đồng nát”.

Đất mua rồi, công ty đã thành lập, sắp thép phế liệu chất thành núi, nhưng chỗ làm việc thì chưa có. Đang tính toán xem nên xây dựng nhà tạm, hay dựng căn lều, thì anh phát hiện ra trong núi phế liệu mà anh mua từ một con tàu có chiếc container. Thế là chẳng phải xây nhà hay dựng lều nữa.
 
Trần tầng 1 của ngôi nhà lộ rõ là chiếc container. 
Anh Thịnh lái máy cẩu nhấc chiếc container cũ nát ra khỏi đống phế liệu, đặt và góc lô đất. Dưới sự chỉ đạo của anh, công nhân đã biến chiếc container thành một căn phòng, có cửa ra vào và cửa sổ hẳn hoi.
 
Hàng ngày, ông chủ ngồi trong container làm việc, tiếp đối tác. Chỉ có chiếc container 20 feet, mà đủ chỗ cho một giám đốc, một kế toán, một nhân viên văn phòng. Phía cuối container có một chiếc giường nhỏ để giám đốc ngủ trưa. Nhiều hôm công việc bề bộn, ông giám đốc ngủ luôn trong chiếc container đó. Căn phòng làm việc có cả điều hòa, máy thông gió, nhưng vì nhỏ quá nên không thiết kế được nhà vệ sinh.
 
Một số góc khuất lộ ra lớp sắt và màu sơn đỏ đặc trưng của container.
 
Công việc làm ăn thuận lợi, công ty nhanh chóng lớn mạnh, lượng công nhân ngày một tăng, nhân viên văn phòng cũng tăng, nên chỉ một chiếc container thì không đủ chỗ làm việc. Năm 2008, anh Thịnh quyết định xây dựng trụ sở khang trang.
Căn phòng sang trọng của giám đốc Thịnh "đồng nát". 
Công trình phụ của ngôi nhà container. 


Hôm động thổ, công nhân lái máy cẩu nhấc bổng ngôi nhà ném ra bãi cho công nhân phá dỡ đem nấu. Nhìn “ngôi nhà container” đang bị nhấc đi, lòng anh Thịnh chợt xốn xang. Ngay tức khắc, anh yêu cầu công nhân lái máy cẩu đặt ngôi nhà vào chỗ cũ.
 
Thế rồi, ông “giám đốc đồng nát” này chẳng động thổ xây nhà nữa. Với anh, bỏ ra vài tỉ mua một cây cảnh bé xíu về ngắm dễ dàng như người ta mua bó rau ngoài chợ, nên chi một vài chục tỉ xây trụ sở công ty hoành tráng chẳng có gì khó khăn. Nhưng nghĩ đến chiếc container gắn với mình và với công ty từ những ngày đầu thật lắm kỷ niệm, nhiều ý nghĩa, nên anh không đành lòng bỏ đi. Sẵn máu khác đời, anh đã quyết định dựng một trụ sở toàn bằng container.
 
Phòng làm việc của nhân viên kế toán, văn phòng là chiếc container 20 feet. 

Chục công nhân, không phải công nhân xây dựng, mà toàn công nhân gò hàn, làm việc mấy tháng trời mới xong cái trụ sở kỳ lạ này. Chiếc container đầu tiên vẫn nằm ở chỗ cũ. Máy cẩu nhấc thêm 4 chiếc container nữa xếp chồng lên nhau là thành một ngôi nhà 2 tầng.

Hiện tại, trụ sở công ty của anh gồm 5 chiếc container, trong đó, có 3 chiếc 20 feet và 2 chiếc 40 feet. Tầng dưới là các phòng làm việc của nhân viên văn phòng, kế toán, kinh doanh. Phòng công nhân ở gồm riêng một chiếc, được thiết kế giường tầng như ký túc xá sinh viên. Một chiếc container đủ cho 20 công nhân ở.
 
Tầng 2 là nơi ở và làm việc của ban lãnh đạo. Riêng ông giám đốc Thịnh “đồng nát” sở hữu một căn phòng đẹp nhất, rộng nhất, được ghép bởi 2 chiếc container. Sau khi đặt 2 chiếc container lên nóc những chiếc container bên dưới, anh chỉ đạo công nhân cưa vách, biến 2 chiếc container 40 feet (container 40 feet có độ dài 12,192m, rộng 2,438m, cao 2,591m ) thành một căn hộ chung cư rộng 60 mét vuông. “Căn hộ” gồm có phòng khách, phòng ngủ và nhà vệ sinh hiện đại, với các thiết bị sang trọng.

Ngồi trong “căn hộ” của anh Thịnh, không thể nhận thấy sự khác biệt giữa một ngôi nhà làm bằng container phế liệu và một căn hộ sang trọng. Toàn bộ thành vách bên trong căn phòng đã được ốp một lớp gạch cách âm, chống nóng, giữ nhiệt và một lớp thạch cao. Riêng vỏ bên ngoài anh chỉ sơn màu ghi, còn lại để nguyên hình thái uốn lượn như sóng của vách container.

 

 

Theo VTC

lien