Ngày nay, trên những đoạn đường ngoại thành luôn có những điểm phục vụ cho việc vá lốp xe hoặc bạn chỉ cần hỏi thăm số của vá lốp lưu động là xong. Tuy nhiên, trên thực tế, khi di chuyển vào buổi khuya hoặc đoạn đường vắng thì việc gọi tìm kiếm dịch vụ vá lốp xe hơi đôi khi là điều không thể.
Lốp (vỏ) xe hơi bị hư khi đang lưu thông là chuyện bất khả kháng và có nhiều nguyên nhân khiến lốp xe bị hư.
Chưa kể, khi đang chạy trong cao tốc thì việc nổ lốp là một trong những thứ tai hại và nguy hiểm nhất. Ngoài ra, bạn chỉ có thể gọi cứu hộ với chi phí khá cao có thể từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng.
Vì thế, khi sở hữu xe bạn nên “bỏ túi” cho mình những kinh nghiệm về chăm sóc xe cũng như là tự thay thế lốp dự phòng để giúp mình thoát khỏi những trường hợp ngoài ý muốn.
Đối với dòng xe gầm cao như bán tải, SUV, vị trí đặt bánh dự phòng dưới gầm xe. Bạn cần phải ghi nhớ nơi đặt bộ dụng cụ theo xe, vì nếu không có bộ dụng cụ này thì không thể tháo bánh xe dự phòng xuống. Bên cạnh đó, nếu không có con đội (thiết bị nâng xe) hay và dụng mở bu-lông thì cũng không thể làm được. Các mẫu xe sedan thì bánh dự phòng đặt trong cốp sau, dưới lớp thảm lót.
Những bước thay lốp dự phòng:
Bước 1: Khi xe bị nổ lốp, việc đầu tiên bạn cần làm là bình tĩnh, giảm tốc độ từ từ và đưa xe vào làn đường khẩn cấp, bật đèn ưu tiên và đặt đồ vật hoặc bảng cảnh báo xa khu vực xe đậu ít nhất là 50m đối với đường cao tốc.
Tuyệt đối không được dừng xe ở các khúc cua và đối với nội thành, đậu xe gần lề đường nơi có đủ không gian để bạn thực hiện việc thay lốp dự phòng.
Ở một số dòng xe, bánh sơ cua (lốp dự phòng) nằm dưới thảm lót trong cốp sau. Ở một số dòng xe khác, bánh xe này nằm dưới gầm phía sau xe.
Bước 2: Nên cẩn thận khóa xe phòng trường hợp kẻ xấu có thể lợi dụng lúc bạn đang bận thao tác để lấy cắp đồ trên xe.
Lốp dự phòng chỉ sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp và luôn đặt tại vị trí quy định trên mỗi dòng xe. Không tự ý thay lốp dự phòng khi các lốp chính vẫn còn hoạt động bình thường.
Bước 3: Nới lỏng ốc theo cách nới chéo các ốc đối diện nhau trước, tuần tự theo các cạnh hình ngôi sao. Chú ý, việc này được làm trước khi kích xe lên để khi tháo ốc ra không bị trượt theo bánh. Kích lốp xe ở đúng vị trí theo hướng dẫn thay lốp xe hơi, thường trên kích cũng có dán một sơ đồ chỉ dẫn nhỏ.
Sau đó, xác định vị trí đặt kích nâng và đưa kích nâng vào đúng vị trí theo như hướng dẫn sử dụng con đội bánh xe tách bánh khỏi mặt đất một chút rồi hạ xuống vài chục mm đến khi bánh tỳ nhẹ xuống mặt đường sao cho nó không phải chịu tải lớn nhưng cũng không quay tự do.
Bước 4: Khi đã tháo hết ốc ra khỏi bánh xe, từ từ đưa chân vào kê và nâng nhẹ lên. Điều này giúp việc lấy bánh ra dễ dàng hơn và đưa lốp hư vào kê dưới gầm xe gần vị trí bạn đặt kích nâng. Hành động này giúp thêm phần an toàn và tránh trường hợp bị sập kích nâng.
Tiếp đến, bạn bắt đầu đưa lốp dự phòng và tiến hành siết ốc theo đúng như kiểu chéo nhau khi mở ra. Khi bánh dự phòng đã được gắn chắc chắn, bạn bắt đầu lấy lốp hư đã kê và thả kích nâng xe ra. Lúc này, bánh xe tỳ xuống mặt đường đủ chắc để hãm lốp xoay rồi siết chặt cho đủ lực. Cách nhận biết “đủ lực” là khi bạn nghe thấy tiếng kêu “tạch tạch” trên thân bu-lông.
Bước 5: Nâng kích và xoay thử bánh xe vài vòng để kiểm tra thao tác lắp có gì sai sót không. Nếu bánh xe quay êm là được. Thu hồi dụng cụ và lốp hư cất vào trong xe. Nổ máy cho xe chạy thử và để ý xem xe có phát ra tiếng ồn hay rung lắc lạ hay không. Nếu cảm thấy không an tâm thì sau đó, nên mang xe đến trạm sửa chữa gần nhất để kiểm tra lại.
Thay bánh sơ cua cho xe không phải là chuyện quá khó nếu có đủ bộ “đồ nghề”.
Trên một số dòng xe, lốp dự phòng là loại giống với 4 lốp còn lại. Nhưng ở những dòng xe nhập khẩu lốp dự phòng thường chỉ được thiết kế sử dụng tạm trên quãng đường nhất định. Khi di chuyển ra khỏi khu vực vắng người hoặc đến những điểm vá lốp trên đường và đưa lốp hư cho dịch vụ sửa và thay thế lại.