CSGT mở 3 đợt xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Igorpok
(Autovina)-Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Hội nghị thông tin về Kế hoạch tuyên truyền và xử lý vi phạm nồng độ cồn.

(Autovina)-Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Hội nghị thông tin về Kế hoạch tuyên truyền và xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Theo kế hoạch của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), năm 2018 Cục chỉ đạo cảnh sát giao thông toàn quốc mở ba đợt cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Đợt một từ ngày 16/4 đến 15/5; đợt hai từ 16/8 đến 15/9 và đợt ba từ ngày 16/12/2018 đến 15/2/2019. Thời gian tập trung kiểm soát, xử lý từ 12h30-14h và từ 18-21h. Đối với các tuyến liên xã, liên huyện, thời gian tập trung kiểm soát, xử lý từ 10-13h và 17-19h; trong đó tập trung kiểm soát đối tượng là người điều khiển phương tiện ôtô chở khách, ôtô tải chở hàng hóa, xe con; xe môtô, xe gắn máy; đối tượng nam độ tuổi thanh thiếu niên từ 15-25 tuổi. Cảnh sát giao thông sẽ khảo sát địa bàn, tuyến đường và khu vực có nhiều quán ăn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí..., nắm quy luật về thời gian, tuyến có nhiều lái xe sử dụng bia, rượu. Khi xử lý vi phạm nồng độ cồn, Cục lưu lý lực lượng thực thi nhiệm vụ cần lựa chọn vị trí tuyến đường thuận lợi, đảm bảo điều kiện về mặt bằng, không gây ùn tắc.

 ảnh minh họa

Theo Lãnh đạo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đánh giá, hàng năm, chi phí cho việc khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia là rất lớn, vì vậy Chính phủ xác định tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu nhằm giảm tai nạn, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Trong năm 2017, các cơ quan chức năng đã xử lý 159.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông (chiếm 3,9% tổng vi phạm về trật tự an toàn giao thông). Trong đó có đến hơn 90% số vụ được khảo sát, người vi phạm là tài xế điều khiển xe mô tô.