Công nghiệp ô tô vẫn mù mờ dòng xe chủ lực

Admin
Ngành ô tô Việt Nam có một “thông lệ” đặc biệt, mỗi lần điều chỉnh thuế thì ngay lập tức phát sinh nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nguyên nhân là do sự lấn cấn của các nhà làm chính sách khi vẫn chưa xác định được đâu là dòng xe chủ lực cần ưu đãi của Việt Nam.

Toyota và câu chuyện thuế

Cách đây không lâu, Toyota Việt Nam đã làm “nóng” dư luận khi gửi thư tới Quốc hội nói về câu chuyện trên.

Những năm qua, Toyota đã đầu tư mạnh vào dòng xe Innova 7 chỗ ngồi có dung tích 2.0 và trở thành nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam có tỷ lệ nội địa hoá cao nhất, đạt 37%.

Nếu không chọn dòng xe chiến lược để đầu tư, các DN sẽ khó có định hướng đầu tư. (Ảnh: Phạm Huyền)

Năm 2008, hãng này đã bán được tới 16.000 xe Innova tại Việt Nam, trung bình, mỗi tháng đạt 1.500 xe.

Tuy nhiên, biểu thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới đánh thuế cao vào dòng xe dung tích từ 2.0 đã khiến cho loại xe này tăng thêm trung bình khoảng 3.000 USD/xe. Ngay lập tức doanh số của Toyota ở dòng xe này đã sụt giảm thê thảm và hiện nay, mỗi tháng chỉ bán được 300 xe, tức bằng 1/5 của doanh số trước đây.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng, việc điều chỉnh thuế TTĐB đó rốt cục đã khiến cho những nhà sản xuất nghiêm túc tăng cường nội địa hóa bị thiệt hại lớn. Trong khi đó, nội địa hoá là yêu cầu lớn nhất trong phát triển ngành ô tô Việt Nam”, ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương nhìn nhận.

Với tiêu chí đánh vào dung tích xe, thuế TTĐB cho xe có dung tích xi lanh nhỏ có mức thuế suất thấp, xe có dung tích xi lanh lớn thì chịu thuế suất cao, có thể hiểu ý tứ của Bộ Tài chính là muốn hạn chế những loại xe to, tiêu hao nhiều xăng dầu, dẫn tới ô nhiễm môi trường, gây tắc đường và khuyến khích phát triển dòng xe du lịch dung tích nhỏ, 4-5 chỗ ngồi.

Tuy nhiên, ông Phan Đăng Tuất cho rằng: “Mong muốn này là đúng đắn nhưng chưa đủ. Đáng lẽ, chính sách thuế còn phải căn cứ vào xu hướng thị trường ô tô hiện nay ở Việt Nam”.

Lấn cấn tìm dòng xe chủ lực

Dù đã có 15 năm phát triển nhưng chỉ sau khi “bức thư” của Toyota làm sục sôi dư luận, các nhà làm chính sách ngành ô tô mới giật mình trước câu hỏi “đâu là dòng xe chủ lực của Việt Nam?”

Ngày 11/6, câu chuyện này đã được xới lên tại Hội thảo “Định hướng dòng xe chủ lực của nhóm xe du lịch trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam”, một sự kiện trong khuôn khổ cuộc triển lãm ô tô Vietnam AutoExpo 2009.

Trở lại kiến nghị nên chọn dòng xe 6-9 chỗ ngồi làm chủ lực và đặt ưu đãi về thuế, ông Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp nếu có sản xuất xe 6-9 chỗ, có thể chịu thiệt vì thuế tăng.

Song, chính các doanh nghiệp này cũng có dòng xe 5 chỗ và sẽ được hưởng lợi giảm thuế. Xe có dung tích trên 3.0 chịu thuế cao nhất chỉ chiếm có 3% sản lượng tiêu thụ xe và 0,8% tổng số xe sản xuất trong nước.”

Do vậy, nhìn chung, cách đánh thuế này không ảnh hưởng gì đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp”, ông Thi khẳng định.

Trong khi đó, ông Phan Đăng Tuất cho rằng, dù chưa thể khẳng định đây có phải là dòng xe chủ lực hay không, nhưng phải thừa nhận, dòng xe 6-9 chỗ ngồi đó rất phù hợp với tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam.

Hầu hết khi mua xe ô tô lần đầu tiên, nhiều người đã chọn dòng xe 6-9 chỗ để có thể dùng cho công việc, vừa có thể chở cả gia đình đông người.

Đại diện Bộ Tài chính cũng đồng tình một thực tế: Dòng xe này đang chiếm tỷ trọng lớn trong doanh nghiệp. Một khi dòng xe 6-9 chỗ không còn ưu đãi về thuế, doanh số giảm sút thì doanh nghiệp sẽ buộc phải hoãn kế hoạch đầu tư nội địa hóa.

ông Dương Tú Anh, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) đề xuất, dòng xe chiến lược của Việt Nam nên chọn theo 4 tiêu chí: Năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh quốc gia; khả năng nội địa hóa; sở thích của khách hàng và tiêu chí an toàn về môi trường.

Vị chuyên viên này lưu ý thêm, hiện nay, hầu hết các nước đã phát triển mạnh dòng xe 5 chỗ thì liệu, Việt Nam có nên tập trung dòng xe này nữa hay không? Việc nội địa hóa vẫn cần được ưu tiên, qua đó nâng cao tỷ lệ xe sản xuất trong nước trên thị trường và giúp giảm thâm hụt thương mại.

Bộ Tài chính nên cho giảm trừ thuế TTĐB theo tỷ lệ nội địa hóa. Ví dụ, cứ 1% tỷ lệ nội địa hóa thì doanh nghiệp có thể được giảm trừ 1% thuế tiêu thụ đặc biệt. Như vậy, chính sách thuế sẽ khuyến khích được doanh nghiệp tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, hạn chế xe phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện” ông Phan Đăng Tuất (Bộ Công Thương).

autovina