Sáng 17/10, một phụ nữ đã ngủ gật khi lái chiếc SUV
trên đường liên bang 25, gần Denver bang Colorado Mỹ. Vào lúc cảnh sát
yêu cầu dừng xe, cô đã đi được gần 50 km trong tình trạng lơ mơ. Trên
quãng đường đó, chiếc SUV gây nguy hiểm cho nhiều môtô như đổi làn đột
ngột và khiến chiếc xe tải 18 bánh phải tránh gấp.
Người phụ nữ cho biết cô chỉ ngủ 2 tiếng vào tối trước, đang bị cúm và đang trên đường đến nhà bác sĩ thì sự việc xảy ra.
Đây không phải là trường hợp hiếm bởi ngủ gật là
trạng thái mà rất nhiều tài xế phải đối phó, đặc biệt khi mệt mỏi hoặc
lái xe đường dài. Để giúp người lái không rơi vào hoàn cảnh này, Saab
và Volvo đã lên kế hoạch giới thiệu hệ thống an toàn mới, có chức năng
cảnh báo tài xế khi phát hiện anh ta ngủ gật. Thậm chí anh ta không cần
phải cố gắng nhận ra là mình có ngủ gật hay không. Thiết bị của các
hãng này sẽ thông báo hộ.
Hiện tại, Saab vẫn đang phát triển công nghệ trong
khi Volvo hy vọng có thể trang bị Driver Alert dưới dáng thiết bị tùy
chọn cho các mẫu xe vào đầu năm sau.
Theo thống kê của Cơ quan an toàn giao thông mỹ
NHTSA, sự lơ là của tài xế, bao gồm cả trạng thái ngủ lơ mơ, chiếm tới
25-35% tỷ lệ tai nạn xe hơi. Còn một nghiên cứu giữa NHTSA và học viện
Virginia Tech Transportation năm 2006 cho thấy ngủ gật là nhân tố dẫn
tới 22-24% số tai nạn và gần dẫn đến tai nạn.
Hệ thống chống ngủ gật của Saab có tên gọi Driver
Attention Warning, sử dụng hai camera hồng ngoại loại nhỏ. Một chiếc
được đặt trên cửa phía lái và một ở giữa bảng điều khiển trung tâm.
Chúng chịu trách nhiệm ghi và phân tích chuyển động của mắt tài xế.
Nếu các camera phát hiện thấy anh ta nhắm mắt trong
khoảng thời gian lâu hơn bình thường, hệ thống sẽ rung chuông báo thức
và một câu hỏi "Bạn mệt à?" xuất hiện trên thanh điều khiển.
Nếu tài xế tiếp tục nhắm mắt, hệ thống sẽ phát lời
nhắc nhở "Bạn đang mệt". Đến cấp thứ ba, một lời quở trách vang lên
"Bạn đang quá mệt! Hãy dừng xe sớm nhất có thể để đảm bảo an toàn".
Tại mọi thời điểm, các camera liên tục theo dõi tài
xế quay đầu về hướng nào để nhận ra sự tập trung của anh ta. Nếu ngoài
vùng an toàn ưu tiên (phía trước), ghế sẽ rung lên.
Hệ thống Driver Attention Warning của Saab đang được
thử nghiệm tại Viện nghiên cứu Giao thông Thụy Điển. "Thực tế là nhiều
tài xế không dừng và ra khỏi xe khi anh ta cảm thấy buồn ngủ. Chúng tôi
đang cố gắng trang bị để họ có thể tự giúp chính mình", Arne Nåbo,
Trưởng nhóm nghiên cứu Human Vehicle Integration của Saab cho biết.
Có thể sẽ mất nhiều năm nữa để Driver Attention
Warning xuất hiện trên các mẫu xe thương mại bởi một trong những tính
năng cần được cải thiện nữa là làm sao để các camera vẫn hoạt động tốt
khi tài xế đeo kính. Một thấu kính làm các camera trở nên bối rối.
"Khi hoàn thiện, công nghệ này sẽ được trang bị trên
tất cả các mẫu xe Saab", người phát ngôn của hãng này, Christer Nilsson
cho biết.
Volvo sử dụng phương pháp khác với Saab nhưng thu về
kết quả tương tự là cảnh báo tái xế và giảm thiểu mức độ nguy hiểm. Có
tên gọi Driver Alert, công nghệ của Volvo đo khoảng cách giữa xe và mặt
đường để từ đó có thể nhận ra tài xế đang đưa xe vào trạng thái mất
điều khiển. Khi tình huống trở nên nguy hiểm mà anh ta không chú ý,
tiếng báo hiệu vang lên và dòng chữ "Cảnh báo nguy hiểm, cần nghỉ ngơi"
xuất hiện cùng một cách cafe đang bốc khói.
Volvo từng tính đến việc quét mắt tài xế để cảnh báo
nhưng vấn đề là mỗi người có kích thước khác nhau dẫn đến kết quả có
thể sai. Vì vậy, hãng xe thuộc Ford này đã sử dụng phương pháp khác, có
độ ổn định cao hơn.
Ngoài Driver Alert, Volvo còn đang phát triển hệ
thống cảnh báo trệch làn đường. Tuy nhiên, vấn đề là hiệu quả của nó
phụ thuộc quá nhiều vào chất lượng mặt đường. Sắp tới hai công nghệ này
sẽ có trên các mẫu S80, V70 và XC70 dưới dạng thiết bị tùy chọn.
Một hệ thống tương tự Driver Attention Warning của
Saab đã được thương mại hóa trên những mẫu xe hạng sang của Lexus.
Lexus sử dụng các camera hồng ngoại để phát hiện tài xế đưa mặt về
hướng nào trong gói công nghệ tránh va chạm Pre-Collision chứ không
phải là thiết bị độc lập.
Mặc dù công nghệ đánh thức không mới nhưng để xử lý
tốt ở hầu hết các tình huống vẫn là bài toán nan giải với các hãng xe.
Dù thành công, Volvo và Saab sẽ không làm phiền người lái bằng cách đưa
công nghệ này vào danh mục thiết bị tùy chọn, nhằm đảm bảo chỉ ai có
nhu cầu mới sử dụng.
Trọng Nghiệp