Cận cảnh “chiến binh” Humvee của quân đội Mỹ

Svetlauz
Trên chiến trường, những chiếc Humvee rất dễ bị lọt vào "tầm ngắm" của các tay súng trang bị AK-47 hay súng phóng lựu khi tấn công ở cự ly gần.

Đầu thập niên 80, AM General chính thức giới thiệu một sản phẩm mà sau này đã trở thành "thương hiệu" của quân đội Mỹ mang tên Humvee hay HMMWV (xe đa dụng cơ động cao) để thay thế “tiền bối” Jeep già cỗi.
 
Người yêu xe biết đến và ngợi khen chiếc Jeep của thời hiện đại với hệ dẫn động 4 bánh cùng hộp số tự động này là cỗ máy off-road chạy bằng diesel có năng lực chinh phục địa hình tuyệt vời nhất.
 
 
Bạn có thể thấy Humvee xuất hiện ở khắp mọi điểm nóng trên thế giới, từ chiến tranh Panama năm 1989, chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, 2003 và chiến tranh Afganistan.
 
Giống như chiếc Jeep linh hoạt bị thay thế, Humvee được trang bị chuyên dụng cho quân đội với nhiều chức năng khác nhau. Trên chiến trường, Humvee hoạt động để chuyển quân, làm xe chỉ huy, cứu thương hay "hiến mình" thành phương tiện đặt vũ khí hỏa lực mạnh (tên lửa Stinger, súng máy 50 Cal, súng phóng lựu tự động MK-19, tên lửa TOW...).
 
 
Theo thống kê, hiện có gần 20 biến thể Humvee khác nhau.
 
Với bộ giáp tiêu chuẩn, Humvee trở thành phương tiện di chuyển an toàn hơn so với Jeep tiền bối. Tuy nhiên, chiến thuật đánh du kích đã gây ra không ít phiền toái cho Humvee.
 
Kẻ thù đáng sợ nhất của chiếc xe nhà binh Mỹ là những “đồng loại” cảm tử gắn bom. Ngoài ra, Humvee cũng dễ trở thành mục tiêu hấp dẫn của các tay súng trang bị AK-47 hay súng phóng lựu khi tấn công ở cự ly gần.
 
 
 
Quân đội Mỹ đã chuẩn bị chu đáo cho chiến tranh đường phố trong nhiều thập kỷ gần đây, nhưng dường như Humvee vẫn chưa thể che lấp hoàn toàn gót chân Asin của mình.
 
Thực tế, Humvee không được thiết kế để dành cho những cuộc cận chiến. Các chuyên gia vũ khí nhận định, lớp giáp trên mình Humvee chỉ có tác dụng bảo vệ xe khỏi mảnh đạn súng cối, pháo hoặc đạn trực tiếp bắn từ xa của các loại vũ khí cá nhân với cỡ nòng tương tự AK-47.
 
Trước làn đạn của kẻ thù, người lính can trường nhất cũng sẽ nhanh chóng lựa chọn việc di chuyển bằng những khối thép kềnh càng nhưng mang lại an toàn như xe bọc thép hạng nặng Bradley và tăng Abram hơn là một chiếc Humvee.
 
 
Do đó, người Mỹ phải bổ sung thêm bộ giáp thép đặc biệt cho Humvee và chấp nhận việc cỗ máy cơ động cao đối mặt với tình trạng "phát phì" do trọng lượng tăng đến hàng trăm kg, dẫn đến một loạt vấn đề cơ khí.
 
Humvee có trọng lượng từ 2.300 kg đến 2.700 kg tùy "phụ kiện" trang bị. Với động cơ diesel 8 xylanh, 6,2 lít và 150 mã lực, xe đạt tốc độ tối đa khoảng 105 km/h.
 
 
 
Ngoài một số nhược điểm, Humvee hiện vẫn là cái tên được ưu ái đặc biệt nhờ sự linh hoạt, thiết kế “phong trần” và đậm chất lính. Có thể Humvee sẽ bị thay thế bởi các mẫu xe khác với khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh và an toàn hơn, nhưng điều này chắc chắn không diễn ra trong tương lai gần.
 
Humvee chỉ trang bị cho quân đội nên thật khó nếu bạn muốn sở hữu hay chỉ đơn giản để thỏa mãn “nguyện vọng” thử cảm giác lái.
 
 
Tuy nhiên, bạn có thể sẽ bằng lòng ngồi sau vô lăng một chiếc Hummer, phiên bản dân sự của Humvee. Hiện tại, hãng mẹ GM đã ngừng sản xuất Hummer nhưng số lượng Humvee dân sự lưu lạc trên thế giới không hề nhỏ.
 
Nếu chịu khó quan sát, tinh mắt và cộng thêm đôi chút may mắn, bạn sẽ phát hiện Hummer lăn bánh đâu đó ngay trên đường phố Việt Nam.
 
 

Theo ATP
buiyen