Đưa tay xoa cái đầu trọc, anh Lương Đăng Khoa, tài xế xe tải chạy đường dài Bắc - Nam cho Công ty TNHH Sagawa Express VN (Từ Liêm - Hà Nội), ngại ngùng: “Chạy xe suốt ngày, nhiều khi không có chỗ tắm nên tôi cạo đầu cho tiện”.
Ca-bin “3 trong 1”
Vừa trò chuyện với chúng tôi, anh Khoa vừa tranh thủ phơi vài bộ đồ trên kính chiếu hậu ở ca-bin xe rồi giải thích: “Ăn ngủ, phơi phóng đều tại ca-bin. Cánh tài xế tụi tôi hay nói đùa rằng cái ca-bin này có tác dụng 3 trong 1: Sáng phơi quần áo, trưa ăn cơm, tối để ngủ. Nhỏ hẹp vậy nhưng nó lại tiện lợi vô cùng đối với dân đi suốt trên đường như tụi tôi”.
Anh Khoa cho biết đối với dân tài xế xe tải, chuyện thiếu chỗ tắm giặt, đi vệ sinh không đáng sợ bằng việc thiếu ngủ. “Hôm nào tôi ngủ được nhiều nhất cũng chỉ có 4 giờ, mà nào có yên lành gì! Trong ca-bin chật chội, cả lái chính lẫn lái phụ cứ người này co, người kia duỗi mới nằm được. Nhiều khi chở hàng gấp, vừa chợp mắt thì lái phụ cho xe chạy trúng ổ gà, bụng, lưng xóc tưng cả lên, đau quá tỉnh ngủ luôn” - anh Khoa thổ lộ.
Do ngủ mỗi ngày chỉ 3-4 giờ nên nhiều tài xế xe tải đường dài bạ đâu ngủ đó,
tranh thủ mắc võng bên vệ đường để nghỉ ngơi. Ảnh: N.My
Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu vì mất ngủ, anh Đỉnh, tài xế chạy cho một công ty hải sản ở quận Bình Tân – TPHCM, ngán ngẩm kể về hành trình thường nhật của mình: “Thèm ngủ quá, đụng đâu là gục đó. Tháng này, hàng về liên tục, 6 giờ tôi phải đánh xe từ Bình Tân ra Vũng Tàu.
Lấy hàng xong, về đến chợ Bình Điền đã là 20-21 giờ, rồi giao hàng đến 1-2 giờ sáng hôm sau mới xong. Về đến nhà, gà đã gáy, chợp mắt chút thì trời sáng, phải đi tiếp”. Nhìn Đỉnh, chúng tôi không biết anh đã mất ngủ bao nhiêu ngày, chỉ thấy chàng thanh niên mới 23 tuổi đời này trông tựa người đã ngoài 30.
Hầu hết những công ty vận tải hàng hóa đều nhắc nhở tài xế không được ngủ trên xe, dù là giờ nghỉ vì vừa phản cảm vừa không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đi một vòng qua một số bãi đỗ xe gần khu vực ngã ba Cát Lái – TPHCM, chúng tôi thấy hầu hết tài xế đều ngủ trên xe.
Anh Trí, một tài xế lấy hàng tại cảng Cát Lái, tâm sự: “Khổ nhất là những lúc kẹt xe, thời gian nghỉ ngơi của chúng tôi càng eo hẹp. Có khi kẹt xe hàng giờ ở khu vực ngã ba Cát Lái, Liên tỉnh lộ 25B..., nhiều tài xế tranh thủ ngủ ngay trên ca-bin. Có người ngủ say quá, CSGT phải đến đánh thức mới dậy nổi!”.
Ôm vô-lăng tưởng... vợ!
Tìm hiểu đời sống của tài xế xe tải đường dài, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nghe nhiều anh tâm sự: “Nhiều lúc hàng về nhiều phải chạy suốt cả tháng không gặp vợ con, nhớ kinh khủng. Có khi tôi ôm vô lăng ngủ, chiêm bao mơ thấy vợ, tỉnh giấc cứ tưởng bà xã ở cạnh bên”. Nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con cứ khắc khoải theo từng chuyến xe. Tài xế nào cũng mong mau hết hàng để trở về mái ấm.
Để người vợ trẻ và hai đứa con thơ ở Hà Tây, anh Lương Đăng Khoa vào nghề tài xế 4 năm nay nhưng mức lương cơ bản chỉ 1,4 triệu đồng/tháng. Nhắc đến hai con nhỏ, mắt anh Khoa đỏ lên. Anh bộc bạch: “Những lúc rảnh, tôi tạt qua nhà rồi lại đi ngay, đứa con gái 4 tuổi cứ đứng ngơ ngác trước đầu xe nhìn bố. Thấy con mà xót quá! Xe chạy đi, tôi biết thế nào con bé cũng òa khóc, phải mất cả ngày nó mới vui vẻ trở lại”. Khoa cho biết ngày nào anh cũng tranh thủ gọi điện thoại về cho vợ con: “Biết ở nhà chẳng có việc gì nhưng gọi để nghe giọng người thân cho đỡ nhớ”.
Với anh Đinh Hiếu Vũ, tài xế chạy đường dài Bắc- Nam cho Công ty Vận tải Hải Sơn (Châu Thành - Bến Tre), còn cám cảnh hơn. Cưới vợ chưa đầy 4 tháng nhưng một tháng Vũ chỉ ở nhà vài ba bữa, còn lại sống trên ca-bin.
Anh phân trần: “Tài xế xe tải mà, có hàng là phải chạy, đâu nghỉ được. Trầy trật mãi mới cưới được cô vợ chịu lấy chồng làm nghề tài xế mà mới về sống chung tôi đã bỏ cô ấy ở nhà một mình. Vợ chồng không biết tuần trăng mật là gì...”.
Thu nhập thấp, rủi ro cao
Ngoài việc sợ xảy ra tai nạn giao thông, tài xế xe tải còn luôn ngay ngáy lo mất hàng hoặc làm hư hỏng hàng của chủ. Anh Lương Đăng Khoa kể: “Mới đây, tôi và một tài xế chở lô hàng xe máy ra Hà Nội. Dù đã chạy cẩn thận nhưng ra đến nơi, chủ hàng kiểm tra thì có 3 chiếc xe bị trầy, chúng tôi phải đền mất 300.000 đồng”. Xe tải chở hàng ban đêm, đến nhiều đoạn đường xấu phải chạy chậm là cơ hội để bọn trộm leo lên lấy hàng. Ngoài ra, cánh tài xế xe tải chạy đường dài còn thường bị kẻ xấu lừa gạt bằng chiêu cò hàng. |