Bus miễn phí: những điều còn tồn tại!

Xe bus miễn phí phục vụ Đại lễ đã đi vào hoạt động từ ngày 28/9, nhưng dường như nó chưa được sử dụng một cách hiệu quả.
 
 
Xe bus hoạt động, người dân ngơ ngác
 
 
 
 
Đây là những tuến xe bus phục vụ miễn phí nhân dân ngoại ô Hà Nội vào trung tâm thành phố dự Đại lễ trong thời gian các phương tiện không được phép vào thành phố.

Nhưng thực tế, trong ngày đầu tiên thực hiện mới chỉ có 4 tuyến buýt miễn phí được đưa vào hoạt động theo phương án tổ chức tiếp chuyển hành khách tại các điểm đỗ xe vào trung tâm, không có tuyến số 5: bãi đỗ xe Hải Bối - công viên Thủ Lệ.

Theo một lái xe buýt miễn phí tuyến bến xe Kim Mã - bãi đỗ xe Mỹ Đình: “Chắc phải chờ đến những ngày cấm xe thì khách sẽ đông.”

Phần lớn hành khách lên xe buýt miễn phí đều không biết lộ trình tuyến. Họ lên chỉ vì tò mò: “Thấy ghi là xe buýt miễn phí, điểm đến là bến xe Kim Mã thì mình lên, thông tin về các tuyến xe miễn phí và lộ trình tuyến mình không hề biết.”

Trong buổi họp báo diễn ra sáng 28/9, Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở đã yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng tổ chức lắp đặt biển chỉ dẫn vị trí bãi đỗ xe miễn phí, thông tin về tuyến xe buýt miễn phí như tên tuyến, lộ trình, giờ phục vụ, tần suất và điểm đón trả khách trên dọc tuyến... để cho người dân được biết.

Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ phát hành 10.000 tờ rơi thông tin về các tuyến xe buýt miễn phí tới nhân dân. Và như vậy tình trạng xe thừa, người thiếu sẽ được khắc phục.
 
Xe miễn phí chỉ chạy từ 6 đến 20 giờ
 
 

Theo Sở Giao thông Vận tải, số lượng xe hoạt động tại các bến này sẽ là 120 xe, thời gian hoạt động từ 6 giờ đến 20 giờ hàng ngày. Mỗi tuyến buýt sẽ chạy cách nhau khoảng 10, 15, 20 phút mỗi lượt. Các xe sẽ thay luân phiên vận chuyển khách từ 8 điểm trông giữ xe miễn phí ở Công viên Yên Sở, Kim Ngưu, Hải Bối, Hồng Hà, gầm cầu Vĩnh Tuy, Gia Thụy, Dịch Vọng và điểm đỗ xe Mỹ Đình.

Các biển chỉ dẫn thông tin về tuyến xe buýt miễn phí như tên tuyến, lộ trình, giờ phục vụ, tần xuất và một số điểm đón trả khách trên dọc tuyến... đã được lắp đặt tại các điểm trông xe miễn phí.

Tại điểm đỗ Gia Thụy (Long Biên), trong các ngày thường sẽ có 8 tuyến buýt đi qua với tần suất gần 1200 lượt một ngày. Riêng ngày 10/10 có 5 tuyến buýt đi qua với tần suất gần 900 lượt.

Điểm đỗ xe gầm cầu Vĩnh Tuy, ngày thường có 4 tuyến, với tần suất 654 lượt một ngày. Ngày 10/10 sẽ tăng cường thêm 1 tuyến với tần suất hơn 800 lượt.

Điểm đỗ xe Mỹ Đình, trong các ngày diễn ra các hoạt động của lễ hội mỗi ngày sẽ có 3 tuyến hoạt động. Điểm đỗ xe Kim Ngưu, ngày thường có 4 chuyến với 770 lượt chạy xe. Ngày 10/10, cắt giảm một tuyến. Điểm đỗ Hải Bối mỗi ngày sẽ có 5 tuyến chạy qua với tần suất 766 lượt xe.

Điểm đỗ Yên Sở, ngày thường có 1 tuyến buýt kế cận, ngày 10/10 sẽ tăng thêm một tuyến. Đường Hồng Hà, ngày thường có 11 tuyến với gần 2000 lượt chạy xe. Điểm đỗ xe Dịch Vọng, ngày thường có 2 tuyến, vào ngày 10/10 sẽ cắt giảm còn một tuyến.

Đại diện Tổng công ty xe buýt Hà Nội cũng cho biết, nhiều tuyến đường bị cấm để tổ chức các hoạt động của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội nên phải lên kế hoạch điều chỉnh lộ trình hoạt động của hàng loạt tuyến buýt.

Trong dịp này, hai tuyến buýt mẫu có nhiều khác biệt so với buýt thông thường cũng được đưa vào hoạt động.

Các tuyến xe buýt mẫu Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đưa vào hoạt động từ ngày 25/9 là tuyến 02: Bác Cổ-Bến xe Yên Nghĩa và tuyến 03: Bến xe Gia Lâm-Bến xe Giáp Bát.

Tại các điểm đầu và điểm cuối của hai tuyến buýt mẫu sẽ có đèn led thông tin cụ thể giờ xe, lộ trình, tần suất chuyến rõ ràng.

Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, việc bố trí xe buýt miễn phí chạy từ 6 giờ đến 20 giờ hàng ngày là chưa hợp lý vì các chương trình văn hóa nghệ thuật lớn của Đại lễ thường bắt đầu từ 20 giờ hàng ngày. Và sau mỗi chương trình kết thúc thì việc về nhà bằng gì là mối quan tâm lớn nhất của người dân,
 
*Xem thêm về lịch trình cụ thể các tuyến xe bus
Theo HaNoimoi online
lien