Bài học từ những lễ hội xe cổ

Admin
(Autovina) Ngày nay, các lễ hội xe cổ đã trở nên ngày càng phổ biến và có sức hấp dẫn ngày càng lớn lớn đối với những người yêu xe. Tuy nhiên, việc tổ chức các lễ hội này cho thật thú vị là một việc tương đối khó khăn. Kinh nghiệm và ý nghĩa của Mercedes-Benz từ Ngày hội xe cổ dưới đây là một gợi ý thú vị.

Ngày hội xe cổ được Mercedes-Benz tổ chức hàng năm, bắt đầu từ năm 2000. Đến dự triển lãm mỗi năm là khoảng 200 đến 400 chiếc xe cổ. Để tăng thêm tính chất “cổ” của lễ hội, những người hâm mộ xe chọn địa điểm tụ họp là những thành phố cũng rất “cổ”, chẳng hạn Salzach - Anh, Colmar – Pháp hay Grand Duchy – Luxembourg.

Tâm điểm của các lễ hội này tất nhiên là những màn khoe sắc của những chiếc xe đã lên “ông”, lên “bà”, đa số là những mẫu xe của Mercedes-Benz, chỉ một số ít là xe của các hãng khác. Trong số những chiếc xe này, chiếc mới nhất cũng đã đến hai mươi năm tuổi, chiếc cũ nhất thì đã hơn một trăm.

 

Hai chiếc xế cổ SSK và 710 SS

Các cuộc bình chọn diễn ra rất sôi nổi, các giải thưởng bao gồm giải thưởng cho xe cổ nhất, giải thưởng cho xe độc nhất, không có giải thưởng cho chiếc xe…đẹp nhất. Điều này có lẽ là hợp lý vì khi đã chót yêu cái sự “cổ kính” người ta yêu tính tính giá trị về tinh thần, thời gian… và đã là xe cổ thì sẽ không thể đánh giá về cái đẹp hình thức hơn thua được.

 

Tất cả những xe tham dự đều được kiểm tra và bảo dưỡng kĩ càng

Đáng chú ý nhất vẫn là những mẫu xe từng nổi tiếng một thời của Mercedes, chẳng hạn các mẫu xe đua S, SS, SSK của những năm hai mươi, ba mươi thế kỷ trước, các mẫu 630 24/100/140 mã lực, các mẫu 300 SL, 300 SLE…

 

Một lễ hội xe cổ tổ chức tại Brands Hatch - một thị trấn cổ tại Anh.

Một phần không thể thiếu trong các lễ hội này là hội đua xe. Không quy mô như những cuộc đua chuyên nghiệp nhưng các cuộc đua này diễn ra cũng rất quyết liệt tuy rằng trên các đường đua này, tốc độ trên 100km/h đã được coi là chóng mặt. Tham gia các cuộc đua này có cả những người đã từng tham gia đường đua Le Mans cách đây những bốn, năm mươi năm.

 

Lễ hội xe cổ thường có màn đua của các "ông lão, bà lão"...và không hề có những âm thanh gầm rú của động cơ nhưng vẫn thu hút rất đông khán giả.

Hoạt động được hàng trăm chủ xe tham gia là các chuyến diễu hành đường trường, có thể là xuyên một nước hoặc qua mấy nước tây âu. Những tay chơi xe đa dụng thích off-road tổ chức riêng thành một đoàn đi qua các khu vực miền núi. Tất nhiên đi theo sát các đoàn diễu hành này luôn là một đội cứu hộ hùng mạnh với cả xe tải và xe kéo phòng khi có chiếc xe cổ nào chết máy giữa đường.

 

Giải đua xe cổ DTM danh tiếng.

Thực sự những lễ hội như thế này mục đích chủ yếu không phải vì tính thương mại thuần túy. Mà điều cần hơn cả là qua tinh thần của nó, triết lý về xe hơi trở nên “văn hóa” hơn, khiến người ta yêu xe hơn không vì giá trị tiền bạc mà vì vẻ đẹp, vì những câu chuyện xung quanh cuộc đời những mẫu xe..! Rồi dần dần tình cảm đó biến thành một nét tính cách thật “đẹp” trong suy nghĩ và văn hóa sử dụng xe hơi. Điều này rất quan trọng với tiến trình phát triển một xã hội ô tô lành mạnh. Mà để có một thị trường xe hơi khởi sắc, đòi hỏi mỗi cá nhân mỗi chủ xe hay mỗi nhà sản xuất trước tiên phải có một tình cảm “thuần khiết” với ô tô.

 

Khách tham dự lễ hội xe cổ đi thăm pháo đài Leeds....

..và dùng bữa tại hầm rượu của lâu đài.

Khi xe hơi đã trở thành một biểu hiện của văn hóa, hiển nhiên cách sử dụng cũng như sự mua bán nó cũng sẽ “đẹp” hơn, điều này giúp cả xã hội cùng tạo nên một phong cách hay nói đơn giản là một thị trường xe hơi phát triển theo chiều hướng tích cực hơn. Chính vì vậy nếu xem qua ở các nước tiên tiến, không đâu không có những lễ hội kiểu như vậy. Thậm chí ngay cả từng hãng xe họ cũng cố gắng tạo ra một club hay một phong cách “chơi” xe rất riêng rất có “hồn”, cũng không nhằm mục đích gì khác..! Điều này Việt Nam đang rất cần phải học hỏi nếu muốn có một xã hội xe hơi đúng nghĩa. Khi mà chỉ còn dăm năm nữa chúng ta phải đối mặt với vấn đề bùng nổ về xe hơi (motorization) ! Hãy học ngay từ những lễ hội như vậy…!

 

Lê Dương

autovina