Trong 18-24 tháng tới, Honda, Toyota, Ford,
General Motors (GM) và Nissan-Renault đều sẽ ra mắt các mẫu xe cỡ nhỏ mới tại
thị trường Ấn Độ, nơi đang trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu xe giá
rẻ và tiết kiệm nhiên liệu.
Với tình hình tiêu thụ ô tô tại các thị trường phương Tây sụt giảm mạnh, năm 2009 chứng kiến các nhà sản xuất ô tô tập trung hơn vào các nước đang phát triển, như Trung Quốc và Ấn Độ, những nước gần như đã “rũ sạch” ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và có mức thu nhập khả dụng đang tăng mạnh.
Năm 2009, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành
thị trường ô tô lớn nhất thế giới, còn Ấn Độ đã trở thành thị trường tiêu thụ ô
tô cỡ nhỏ lớn nhất thế giới, theo ông Dilip Chenoy, giám đốc Hội các nhà sản
xuất ô tô Ấn Độ. Ông cũng cho biết, tại Ấn Độ, cứ mỗi 5 chiếc ô tô
bán ra thì có 4 chiếc là xe cỡ nhỏ - ô tô có dung tích động cơ dưới 1.2L
Suzuki Ấn Độ đang dẫn đầu phân khúc này với thị
phần 46%, tiếp đến là Hyundai với 16,5% và Tata Motors với 14%. Nhưng thứ hạng
này sẽ thay đổi khi các hãng khác nhảy vào thị trường béo bở này.
Ngày 12/12 vừa qua, Volkswagen đã công bố mẫu
xe cỡ nhỏ đầu tiên sản xuất tại Ấn Độ của họ là Polo, sẽ được sản xuất tại
Chakan, cách Mumbai khoảng 175km. Ấn Độ cũng sẽ là thị trường trọng tâm cho mẫu
xe cỡ nhỏ toàn cầu mới của Honda, dự kiến mang tên 2CV, bắt đầu có mặt trên thị
trường vào cuối năm 2011.
Tập đoàn GM đã bắt đầu sản xuất mẫu Chevrolet
Spark ở Ấn Độ từ năm ngoái, và dự kiến tung ra một mẫu xe cỡ nhỏ khác,
Chevrolet Beat, vào năm sau. Trong khi đó, CEO Alan Mulally của Ford đã giới
thiệu một mẫu hatchback 4 cửa sản xuất tại Ấn Độ, Ford Figo, tại New Delhi hồi
tháng 9
Mẫu Micra hatchback của Nissan sẽ ra mắt thị
trường Ấn Độ vào tháng 5 tới. Và Renault, có liên doanh với nhà sản xuất ô tô
Bajaj của Ấn Độ, sẽ cạnh tranh với Tata Nano bằng một mẫu xe giá rẻ dành cho
giao thông đô thị, dự kiến sử dụng một số linh kiện, phụ tùng xe máy để cắt
giảm chi phí.
Về quy mô, Ấn Độ vẫn là thị trường ô tô khá
nhỏ, với mức tiêu thụ chỉ đạt khoảng 1,8 triệu xe/năm, so với con số 6 triệu xe
của Trung Quốc. Nhưng nền kinh tế của đất nước đông dân thứ hai thế giới này
đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 7%/năm, nên hứa hẹn tiêu thụ ô tô sẽ tăng
cao trong tương lai. Hiện mật độ ô tô ở Ấn Độ mới chỉ dừng ở con số 11 xe/1.000
người, theo báo cáo của công ty kiểm toán và tư vấn Deloitte, khá thấp so với
con số 511 xe ở Anh và 22 xe ở Trung Quốc.
Chính phủ Ấn Độ đã và đang khuyến khích các
doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Ấn Độ để tránh thuế suất nhập khẩu lên tới 120%
và giảm thiểu chi phí sản xuất. Volkswagen dự kiến tăng tỷ lệ nội địa hóa của ô
tô lắp ráp tại Ấn Độ từ mức 50% hiện nay lên 80% trong 2 năm tới, theo ông
Joerg Mueller, giám đốc Volkswagen tại Ấn Độ.
Trong xu hướng khách mua ô tô trên toàn thế
giới chuyển hướng từ các loại xe “ăn xăng” sang ô tô cỡ nhỏ hơn, Ấn Độ hứa hẹn
trở thành trung tâm sản xuất ô tô cỡ nhỏ để xuất khẩu, theo ông Shekhar
Vishwanathan, phó giám đốc Toyota tại Ấn Độ.
Xuất khẩu ô tô của Ấn Độ trong năm nay ước đạt
350.000 xe, tăng 30% so với năm 2008. Khi sản lượng ô tô tăng lên, nền kinh tế
Ấn Độ nói cung cũng sẽ tăng trưởng, theo ông Abdul Majeed, chuyên gia phân tích
ngành ô tô của PricewaterhouseCoopers ở Chennai, Ấn Độ.
Hiện tại, ngành ô tô chiếm chưa đến 1% tổng sản
phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ, so với tỷ lệ 3,5% ở Trung Quốc và 4,5% của thế
giới. Tuy nhiên, theo dự báo của các nhà kinh tế, sản xuất ô tô có thể chiếm
10% GDP của Ấn Độ vào năm 2016.
Tuy nhiên, đã có một số ý kiến lo ngại về tác
động đến môi trường khi hàng triệu người có ô tô sẽ gia nhập hệ thống giao
thông vốn đã rất đông đúc của Ấn Độ. Nhưng ông Darius Lam, trợ lý giám đốc của
Autocar Professional, công ty ấn phẩm thương mại ở Mumbai, cho biết thế
hệ mới của các xe sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn khí thải mới nhất của châu Âu,
và cơ sở hạ tầng giao thông của Ấn Độ cũng đang được nâng cấp nhanh chóng để
đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ô to của thị trường.
Trước mắt, có vẻ như không gì ngăn cản được Ấn
Độ trở thành trung tâm mới của ngành công nghiệp ô tô thế giới.