(Autovina) - Trong thế giới ô tô, có khá nhiều chiếc xe đặc biệt; tuy nhiên, chỉ có một vài chiếc trong số đó có thể được diễn tả bằng từ “huyền thoại”. Mercedes AMG Hummer là một trong số đó.
Hot-rod là từ có xuất xứ từ Mỹ, dùng để chỉ những chiếc xe có động cơ mạnh với tốc độ trên đường thẳng khó sánh. Rõ ràng, chiếc AMG Hammer đáp ứng được những tiêu chí nói trên. Tuy nhiên, nó không chỉ là một chiếc Mercedes Hot-rod, nó còn đánh dấu sự bắt đầu của sự hợp tác chính thức giữa AMG và Daimler. Nói cách khác,Hamm er là “tổ tiên” của mọi chiếc Mercedes AMG hiện đại. Nó là một huyền thoại, là thước đo của nhiều chiếc xe tuyệt vời khác.
Mercedes AMG Hammer được sản xuất vào khoảng giữa thập niên 80, khi nền kinh tế chưa bắt đầu suy thoái, khi tiền có thể dễ kiếm được như thể chúng đang bơi đầy trong không khí. Mọi nhà sản xuất xe lúc đó đều không ngần ngại tạo ra những chiếc xe thể thao mạnh mẽ, tốc độ cao như muốn khẳng định thương hiệu của mình.Trong bối cảnh thuận lợi đó, một một công ty “độ” xe đặt tại một thị trấn nhỏ ở Đức đã tạo ra một chiếc xe đặc biệt từ một ý tưởng rất đơn giản: Lấy một chiếc sedan cỡ trung và “nhồi” vào trong khoang động cơ của nó một cỗ máy cực mạnh với dung tích lớn.
Ý tưởng đó là điểm khởi đầu của Mercedes AMG Hammer, cũng đồng thời là điểm khởi đầu của mọi chiếc Mercedes công suất cao ngày nay.
Kẻ thống trị Autobahn:
Có rất nhiều những công ty Đức tập trung vào “độ” những chiếc xe đặc biệt vào năm 1980. Nếu bạn đã từng nhìn thấy một chiếc Porsche 911 với phần mũi dẹt và cánh đuôi to như một chiếc bàn picnic, hay một chiếc Mercedes với những chi tiết mạ vàng, bạn có thể hình dung ra được những chiếc xe chạy trên đường cao tốc Autobahn ở Đức hồi đó.
Tuy nhiên, AMG lại có lối tư duy hoàn toàn khác biệt. Năm 1976, hai cựu kỹ sư của Mercedes là Hans Werner Aufrecht và Erhard Melcher đã thành lập công ty tại thị trấn nhỏ Burgstall an der Murr, gần Stuttgart, Đức. Thế mạnh của AMG là “độ” động cơ, và trên thực tế, họ chuẩn bị những cỗ máy từ Mercedes để dành cho các giải đua. AMG đã đánh dấu tên tuổi của mình với Mercedes-Benz 300 SEL 6.8 – một chiếc S-Class với động cơ V8. Chiếc xe này đã đứng ở vị trí thứ hai trong cuộc đua Spa-Francorchamps kéo dài 24h và đứng đầu trong phân hạng. Nó có biệt danh là “Red Sow” và mới được AMG phục chế lại gần đây.
Giống như những công ty “độ” xe khác, AMG kiếm lời từ những chiếc ghế Recaro, mâm ATS và màu sơn sặc sỡ vào những năm 1970; tuy nhiên những cải tiến động cơ lấy ý tưởng từ xe đua của họ đã ngày càng trở nên phổ biến trong những năm 80. Và chỉ đến khi chiếc BMW M5 đầu tiên xuất hiện vào năm 1984, với động cơ lấy từ siêu xe M1 thì AMG mới quyết định chấp nhận thử thách.
Giống như BMW, AMG cũng bắt đầu với một chiếc sedan cỡ trung, trong trường hợp này là chiếc Mercedes 300E có giá 39,000 đô la Mỹ vào thời điểm đó. Với 17,000 $, họ sẽ lắp động cơ 5.6l V8 với tên mã M117 lấy từ chiếc 560 SEC, thay thế nắp xi-lanh bằng loại xú-páp kép với 4 van mỗi xi lanh, nâng công suất lên từ 177 thành 355 mã lực. Nếu bạn trả thêm 39,350 $, họ sẽ doa nòng xi-lanh, nâng dung tích máy lên 6.0l; lắp hộp số 4 cấp; thay thế vi sai bằng loại Torsen với kích cỡ lớn nhất có thể; thay phần khung phía sau bằng loại siêu cứng chống xoắn, chưa kể đến một gói trang bị cả bên trong nội thất và ngoại thất. Thêm 14,170 đô la Mỹ nữa, AMG sẽ lắp cho chiếc xe hệ thống treo thể thao và mâm hợp kim đi kèm với những chiếc lốp Pirelli P700. Cuối cùng, bạn sẽ phải vét hết mười tám ngàn Mỹ kim trong túi để họ lắp tất cả các bộ phận kể trên vào xe.
Theo tính toán không chính xác của chúng tôi, vào thời đó, chiếc AMG Hammer sẽ “giúp” cho chủ nhân của nó mất đi khoảng 161,422 đô la Mỹ. Phần lớn chúng đều có kiểu thân xe sedan, mặc dù phiên bản mẫu là coupe 2 cửa và một chiếc wagon đã được “độ” theo đơn đặt hàng cảu một khách hàng ở Chicago. Có lẽ là khoảng 30 chiếc AMG Hammer đã được tạo ra, mỗi chiếc đều được đặt riêng theo yêu cầu của từng khách hàng. AMG cũng nói rằng chính họ cũng không chắc về số xe mà họ đã sản xuất ra.
Vẻ đẹp của những năm 80:
Vào năm 1986, bạn có thể mua được hai chiếc Ferrari Testarossa với giá của một chiếc AMG Hammer được “độ” đủ đồ. Mặc dù vậy, bạn sẽ không thể chở 4 người trên hai chiếc Testarossa nhanh bằng Hammer. Ferrari nói rằng vận tốc cực đại của Testarossa là 290 km/h. Bảng thông số kỹ thuật mà AMG cung cấp ghi rằng vận tốc tối đa của AMG Hammer là 306 km/h. Trên thực tế, bảng thông số kỹ thuật đó ghi là “lớn hơn” 306 km/h.
Và chúng tôi không chỉ cầm một tờ giấy với các thông tin về Hammer, chúng tôi còn nắm trong tay chìa khoá của một chiếc. Đó là chiếc Hammer đặc biệt – phiên bản mẫu của chính AMG. Nó là một chiếc sedan với máy V8 6.0l đặt dưới nắp ca-pô, và trông nó vẫn mới tinh như vừa mới ra khỏi xưởng vào năm 1986. 27 năm đã trôi qua, nhiều thứ đã thay đổi nhưng chiếc Hammer trông vẫn thật hấp dẫn, nhờ có những tỉ lệ cổ điển của thế hệ E-Class W124, do Bruno Sacco – Giám đốc thiết kế của Mercedes lúc đó chỉ đạo.
W124 là thế hệ E-Class cổ điển cuối cùng, và bộ bodykit đơn giản của AMG giúp chiếc xe vẫn giữ được vẻ đẹp của mình. Những đường nét bình dị trên thân xe ẩn giấu sức mạnh của một con thú hoang bên trong.
Sức mạnh theo phong cách AMG:
Nhân dịp lễ giới thiệu chiếc C63 AMG mới, AMG đã đem chiếc Hammer đến đường thử Dunsfold Aerodrome tại Surret, Anh. Đấy chính là đường thử mà Top Gear vẫn dùng để thực hiện những vòng Power Lap trong chương trình của họ. Vẻ lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của những đại diện từ AMG. Trời đang mưa và đường thử được phủ bởi một lớp nước; chính vì vậy, đây không phải là điều kiện hoàn hảo để lái thử một chiếc xe với những chiếc lốp rất cũ và động cơ V8 mạnh gần 400 mã lực đặt ở phía trước.
Nội thất của Hammer cũng giống như những chiếc W124 E-Class khác. Nó trông vẫn hiện đại, mặc dù có sự xuất hiện của đầu cát-sét. Nhìn vào đó, ta có thể thấy công nghệ giải trí trên xe hơi đã phát triển đến mức nào trong 27 năm qua. Khay gạt tàn khổng lồ ở giữa bệ trung tâm cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Nếu bạn có đủ tiền mua được chiếc Hammer vào thập niên 80, chắc chắn bạn sẽ hút những điếu xì gà hảo hạng với kích cỡ to bằng ngón tay. Chi tiết duy nhất giúp bạn biết rằng mình đang không ngồi trên một chiếc E-Class “bình thường” đó là đồng hồ báo tốc độ với logo AMG và vạch giới hạn ở 320 km/h.
Khi thời tiết trở nên tốt hơn, chúng tôi mới được bắt đầu tra chìa khoá khởi động chiếc AMG V8. Chiếc xe rung lên nhẹ nhàng hơn chúng tôi tưởng tượng. Với 396 mã lực và mô men xoắn cực đại 565 n/m, cỗ máy V8 của Hammer rất mạnh vào những năm 80. Công suất tối đa đạt được khi vòng tua máy đến khoảng 5,500 rpm. Trong khi đó, mô-men xoắn cực đại lại có thể đạt được chỉ ở 4000 rpm. Đó là một nguồn sức mạnh khác biệt khi so sánh với sự “thô bạo” của động cơ 6.2 V8 siêu mô-men xoắn trên những chiếc AMG hiện đại. Dù sao thì cỗ máy V8 trên Hammer cũng có nguồn gốc từ một chiếc xe sang trọng.
Thật nực cười nếu chúng ta nói AMG Hammer là chậm, nhưng trên thực tế, tốc độ của nó không thể hiện qua thời gian tăng tốc từ 0-100 km/h. Vào thời đó, nó đứng ngang với những siêu xe đầu bảng như Ferrari Testarossa hay Lamborghini Countach khi xét về khoảng thời gian tăng tốc từ 100-200 km/h. Khi ở trên đường thử, chiếc Hammer đã chứng tỏ với chúng tôi điều đó. Một khi chiếc xe đã lăn bánh, động cơ V8 sẽ dần tạo ra sức mạnh để liên tục đưa nó tiến về phía trước. Đây là điều bình thường đối với một chiếc siêu sedan hiện đại, nhưng bạn hãy thử tưởng tượng bây giờ là năm 1986, khi mà đạt được công suất như vậy với một động cơ V8 vẫn còn là một điều khó tin, chưa kể đến việc sức mạnh đó đang ẩn chứa trong một chiếc xe bốn cửa.
Hộp số chỉ có 4 cấp, mặc dù chiếc Hammer chuyển qua từng cấp số nhanh như khi nó đi hết đường đua vậy. Cabin được cách âm khá tốt; âm thanh chủ đạo mà bạn có thể nghe được chỉ là tiếng gió rít ngoài cửa sổ ở tốc độ cao. Hệ thống treo với giảm xóc điều khiển điện tử khá cứng, mặc dù nó đem lại sự thoải mái cho những người ngồi trong xe hơn những chiếc sedan công suất cao với những chiếc lốp siêu mỏng ngày nay. Vô-lăng của xe cũng giống như những chiếc W124 E-Class khác, khá nặng do sử dụng trợ lực lái cơ khí bằng vòng bi. Có lẽ các kỹ sư của Mercedes vào thời kỳ đó không muốn khách hàng của họ cảm thấy không yên tâm khi di chuyển ở tốc độ cao trên Autobahn. Hệ thống phanh đã thể hiện rõ tuổi của Hammer, khi chúng rung lên ở một số góc cua tốc độ cao.
Mặc dù muốn được đi cùng Hammer lâu hơn nữa để trải nghiệm đầy đủ tính hiệu quả của một chiếc AMG cổ điển và thử độ bám của những chiếc lốp cũ lâu hơn nữa; tuy nhiên thời gian có hạn và điều kiện thời tiết ngày càng xấu đi đã ngăn không cho chúng tôi làm việc đó.
“Kẻ kiến tạo” nên Mercedes Hot-Rod:
Khi chiếc AMG Hammer đầu tiên rời khỏi showroom của công ty, nó đã gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, chỉ đến khi bắt đầu lăn bánh trên đất Mỹ, nó mới trở thành một hiện tượng. Những chiếc xe “độ” của châu Âu đã vắng mặt trong một thời gian dài tại đây trong một thập kỷ do các tiêu chuẩn về khí thải, và sự xuất hiện của Hammer giống như một cơn mưa rào sau đợt nắng hạn. Khi Hans Werner Aufrecht ký hợp đồng phân phối với Andy Cohen đến từ Beverly Hills Motoring Accessories, ông không nghĩ rằng chiếc xe mà công ty ông tạo ra sẽ sớm xuất hiện trên trang bìa của mọi tạp chí xe ở Mỹ.
Mercedes nghĩ rằng việc sản xuất một chiếc xe như AMG Hammer là một ý tưởng thay; chính vì vậy, vào năm 1992, hãng đã tung ra chiếc 500E. Giống như Hammer, chiếc xe này kết hợp E-Class với V8, với cỗ máy DOHC 32 van 5 lít từ Mercedes-Benz 500SL. Trên thực tế, Porsche chuẩn bị và lắp đặt động cơ, và mỗi chiếc xe mất 18 ngày để chuyển từ nhà máy của Mercedes tới cơ sở tại Zuffenhausen của Porsche, sau đó lại chuyển ngược lại để hoàn tất các công đoạn cuối cùng. 10,359 chiếc 500E, chiếc xe đầu tiên được gọi là “Porsche 4 cửa” đã được sản xuất trong ba năm.
Mặc dù có số lượng sản xuất cực nhỏ, tuy nhiên AMG Hammer vẫn đem lại lợi nhuận lớn trong công ty. Vào năm 1990, AMG và Mercedes đã đồng ký ký bản thoả thuận phân phối những chiếc AMG qua những đại lý của Mercedes. Quan trọng hơn, AMG đã được giao nhiệm vụ tạo ra những chỉ tạo ra những chiếc xe đặc biệt mang logo Mercedes. Chiếc xe đầu tiên ra đời sau bản thoả thuận này đó là E60 AMG, phiên bản thể thao của 500E, được bán với số lượng nhỏ; sau đó là chiếc C36 AMG vào năm 1993. Hiện giờ, AMG đã trở thành một phần của Mercedes-Benz.
Ngày nay, mọi hãng sản xuất xe hơi Đức đều có ít nhất một chiếc siêu sedan, và chúng ta đã quá quen thuộc với những chiếc xe bốn cửa có khả năng đạt tốc độ tối đa hơn 321 km/h. Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm, chúng vẫn đang theo đuổi những chuẩn mực mà AMG Hammer đã lập nên. Nó là chiếc xe đã bắt đầu tất cả.