40% giá xăng là tiền thuế và phí

Admin
Tác giả của đề án Thu phí bảo trì đường bộ qua xăng, trả lời phỏng vấn về vấn đề: “Có công bằng với xe máy?”

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam, bộ Giao thông vận tải – tác giả của đề án Thu phí bảo trì đường bộ qua xăng, trả lời phỏng vấn về vấn đề: “Có công bằng với xe máy?”

* Việc thu phí bảo trì đường bộ phải trên nguyên tắc phương tiện nào tác động vào kết cấu cầu đường càng nhiều thì mức phí càng cao. Tuy nhiên, đề án đang nghiêng về cách thu qua xăng dầu, nghĩa là đóng 1.000 đồng/lít xăng, vừa quá cao vừa thiếu công bằng cho các phương tiện sử dụng xăng, trong đó có xe máy, vì xe máy đâu phá đường nhiều, nếu không muốn nói là rất rất nhỏ?
 
Đúng là xe máy có mức độ làm ảnh hưởng, phá hỏng kết cấu đường ít nhưng đây cũng là đối tượng chính tham gia giao thông.
 
Nói ví dụ như các hạng mục sơn kẻ đường, biển báo giao thông, điện đèn chiếu sáng, quản lý... các hạng mục này đều phục vụ cho xe máy.
 
Tất nhiên, xe máy tác động đến kết cấu hạ tầng nhỏ nên mức thu thấp hơn. Nghe 1.000 đồng/lít xăng có vẻ cào bằng nhưng không phải, vì nếu tính trên 100km, xe máy chỉ tốn khoảng ba lít xăng, tức chỉ thu 3.000 đồng, khác với 100km của các phương tiện khác như xe tải họ tiêu thụ nhiều xăng dầu hơn.

* Nhưng hiện nay, theo quy định của bộ Tài chính, trong một lít xăng cũng đã thu 1.000 đồng cho giao thông. Nếu đề xuất thu thêm 1.000 đồng cho quỹ Bảo trì thì cùng một sản phẩm, một mục đích cho giao thông nhưng cơ quan này thu, cơ quan khác cũng thu! Vậy có bỏ khoản thu này không?
 
Đề xuất của chúng tôi là thu cho quỹ Bảo trì, còn cái bộ Tài chính thu là thu chung cho ngân sách. Cái đó thẩm quyền của bộ Tài chính.
 
* Đối với phương tiện chạy dầu diesel, theo đề án, phương tiện sử dụng dầu diesel sẽ phải gắn một loại thiết bị hành trình tính phí ở trục xe, có đồng hồ hiển thị ở ca-bin để đo số kilomet phương tiện tham gia giao thông, tương ứng với chỉ số được ghi trên thẻ phí do người sử dụng phương tiện mua. Cái này mua ở đâu, và có gây phiền hà cho doanh nghiệp khi theo quy định mới họ cũng phải lắp thiết bị giám sát hành trình?
 
Thiết bị hành trình tính phí hiện ở nước ngoài đã sử dụng. Chúng tôi đề xuất mới mang tính định hướng. Khi thực hiện sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn.
 
Nhưng khi thực hiện có thể theo hướng tích hợp với đồng hồ đo côngtơmét hoặc với thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) nên không rối rắm hay phiền hà. Và việc lắp thiết bị này phải trên nguyên tắc lái xe, doanh nghiệp không can thiệp vào được.
Một lít xăng A92 có giá khoảng 16.000 đồng/lít đã phải gánh khoảng 6.200 đồng tiền phí và thuế, gồm: 1.800 đồng thuế nhập khẩu, 1.000 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt, 1.200 đồng thuế giá trị gia tăng, 1.000 đồng trích trả nợ tiền bù giá ngân sách, 1.000 đồng tiền phí giao thông và 200 đồng quỹ Bình ổn xăng dầu. Như vậy, chỉ tiền thuế và phí đã chiếm gần 40% giá của một lít xăng.
 

Trong dự thảo tờ trình của bộ Giao thông vận tải còn có phương án thu phí sử dụng đường theo đầu xe mô tô, xe máy đăng ký mới. Theo số liệu của cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt thì trong năm 2009, cả nước có 3.044.302 mô tô, xe máy được đăng ký mới. Nếu thu theo đầu xe máy thì mỗi năm quỹ này thu được khoảng trên 2.000 tỉ đồng (xem bảng)

 


Theo SGTT
 
admin