4 mẫu xe được dân Việt mê nhưng bị chê trong năm 2020
Admin
08:24 30/12/2020
“Tân binh” Kia Seltos, bán tải Ford Ranger, sedan hạng B Hyundai Accent và Subaru Forester là 4 mẫu xe bị khách hàng phản ánh về chất lượng nhiều nhất trong năm 2020.
“Tân binh” Kia Seltos vừa mở bán đã bị “tố” hàng loạt vấn đề
Ngày 22/7, mẫu SUV đô thị Kia Seltos chính thức gia nhập thị trường Việt Nam và nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng trong nước.
Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, mẫu xe này đã bị người tiêu dùng phàn nàn về nhiều vấn đề trên xe như hệ thống giải trí rẻ tiền, sơn phủ gầm thiếu thẩm mỹ, lỗi nóng hộp số hay rột nước mưa vào bên trong.
Cụ thể, tháng 10/2020 một số người dùng phản ánh Kia Seltos phiên bản 1.4 Turbo khi đang vận hành bỗng xuất hiện cảnh báo hiện tượng quá nhiệt hộp số. Điều đáng nói là không chỉ riêng tại Việt Nam, một số thị trường khác trên thế giới như Mỹ cũng gặp phải hiện tượng này.
Đến tháng 11/2020, “tân binh” Seltos tiếp tục bị người dùng phản ánh về hiện tượng xe bị dột, rò rỉ nước vào cabin khi di chuyển thời gian dài dưới trời mưa. Thậm chí, một số người dùng cho biết bị nước đọng và lọt qua cả 4 cánh cửa.
Theo một số chủ xe, khi phản ánh tình trạng này với đại lý phân phối, các dại lý cũng đã có động thái hỗ trợ khách hàng xử lý, khắc phục. Tuy nhiên, đến thời điểm này phía Thaco Trường Hải vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức nào về vụ việc này.
“Vua bán tải” Ford Ranger bị thấm, rỉ dầu
Một mẫu xe khác cũng nhận về không ít điều tiếng trong năm 2020 đó là “vua bán tải” Ford Ranger bị khách hàng phản ánh về hiện tượng rò rỉ dầu ở động cơ.
Cụ thể, vụ việc bắt đầu từ cuối tháng 2/2020 khi hàng trăm người dùng xe Ford liên tục phản ánh động cơ diesel 2.0L Bi-Turbo trang bị trên các mẫu Ranger Raptor, Ranger có hiện tượng ngấm, rò rỉ dầu.
Trước phản ánh gay gắt từ phía người dùng, Ford Việt Nam đã chính thức lên tiếng và cho biết hiện tượng rò rỉ dầu trên không gây rủi ro an toàn, bao gồm cả nguy cơ cháy cũng như không gây nguy cơ hỏng động cơ hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ.
Phía nhà phân phối Ford Việt Nam sau đó đã xác định được nguyên nhân và đưa ra giải pháp sửa chữa hiện tượng rò rỉ dầu tại nắp che dây đai cam và tại ống két làm mát khí nạp, đồng thời gia hạn chính sách bảo hành với các xe Ford bị ảnh hưởng.
Subaru Forester “nổi cá vàng” liên tục báo lỗi động cơ
Tháng 7/2020, nhiều khách hàng trong nước sử dụng mẫu xe Subaru Forester đã phản ánh về hiện tượng xe “nổi cá vàng” – đèn báo lỗi động cơ liên tục bật sáng. Nhiều khách hàng dùng xe Subaru Forester gặp phải sự cố này tỏ ra hoang mang lo lắng, thậm chí một số chủ xe ở xa đại lý còn không dám sử dụng xe sau khi đèn báo lỗi động cơ bật sáng.
Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng liên quan đến vụ việc này, Công ty TNHH Hình tượng Ô tô Việt Nam (Motor Image Việt Nam) - nhà nhập khẩu, phân phối xe Subaru tại Việt Nam đã báo cáo vụ việc với Tập đoàn Subaru Nhật Bản để điều tra làm rõ.
Ngày 23/7, nhà phân phối của hãng xe Nhật xác định nguyên nhân dẫn đến việc đèn báo lỗi động cơ trên Forester liên tục bật sáng do kim phun nhiên liệu bị nghẹt. Ngay sau đó, hãng đã đưa ra một số giải pháp để xử lý tình trạng trên.
Hyundai Accent bị tố lỗi ở trục lái
Mẫu xe ăn khách nhất của TC Motor là Hyundai Accent cũng không nằm khỏi danh sách những mẫu xe bị khách hàng phàn nàn nhiều nhất trong năm 2020.
Cụ thể, tháng 11/2020, khá đông khách hàng đang sử dụng mẫu xe Accent 2019 đã phản ánh về việc xe phát ra tiếng kêu lọc cọc ở trục lái, gây cảm giác rất khó chịu.
Điều đáng nói là khi khách hàng mang xe tới đại lý để yêu cầu bảo hành nhưng một số đại lý không chấp nhận bảo hành do chủ xe không bảo dưỡng định kỳ tại các trung tâm ủy quyền của Hyundai.
Trước cách giải quyết vô trách nhiệm của đại lý, một số chủ xe sử dụng Hyundai Accent đã rủ nhau dán decal lên thân xe như một cách để phản đối và “tìm công bằng” cho người dùng.
Trước động thái này, TC Motor – đơn vị lắp ráp phân phối ô tô Hyundai tại Việt Nam đã lên tiếng thừa nhận có hiện tượng kêu nhỏ ở hệ thống lái trên một vài xe Accent của khách hàng. Nguyên nhân được hãng kết luận là do âm thanh phát ra từ cơ cấu trục vít, bánh răng trong cụm hệ thống lái.