Tương lai nào cho thị trường ô tô Việt Nam?

Admin
(Autovina) - Dù gặp nhiều khó khăn trong 15 năm phát triển, VAMA vẫn tiếp tục đạt những con số tăng trưởng hấp dẫn.

Bỏ qua những khó khăn mà trong suốt 15 năm thành lập và phát triển, với rất nhiều lần VAMA đưa ra các tuyên bố về khó khăn và yêu cầu chính phủ trợ giúp, doanh số bán hàng của VAMA vẫn tiếp tục liên tiếp đạt những con số tăng trưởng hấp dẫn.

Tương lai nào cho thị trường ô tô Việt Nam

Lắp ráp CKD, miếng mồi vẫn luôn hấp dẫn.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô  Việt Nam (VAMA), trong tháng 7/2015, hiệp hội đã bán được 20.349 chiếc. Trong đó, phần lớn doanh số tập trung ở dòng xe du lịch đạt 11.647 xe tăng 19,2%; xe thương mại tăng không đáng kể ở mức 0,4% với  7.862 xe và 840 xe chuyên dụng giảm 22,4% so với tháng 6/2015. Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 7/2015 đã tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 45%, xe thương mại tăng 76%, xe chuyên dụng tăng 128% so với cùng kỳ.

Công ty ôtô Trường Hải (Thaco) tiếp tục dẫn đầu về doanh số với 6.827 chiếc, tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng, Thaco bán ra 41.420 chiếc, tăng 96% so với cùng kỳ, trong đó 20,156 là xe du lịch và 21.264 là xe tải và buýt.

Sự bùng nổ liên tục ở mức cao của 2 thương hiệu xe du lịch là Kia và Mazda là nền tảng tạo ra sự thành công của Thaco. Đặc biệt với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương hiệu Mazda với 1.716 chiếc xe Mazda được bán ra chỉ riêng trong tháng 7/2015, tăng 167% so với cùng kỳ năm ngoái và 9.900 xe cộng dồn 7 tháng đầu năm. Sự xuất hiện của Mazda2 hoàn toàn mới đã giúp Mazda có tới 4 mẫu xe đạt doanh số hơn 300 chiếc.

Thương hiệu xe Kia đạt 1.550 chiếc bán ra, tăng 99% so với cùng kỳ, mẫu xe bình dân hạng nhỏ Morning vẫn chiếm doanh số lớn nhất với gần 600 chiếc, kế đến là K3 với 308 chiếc, Rio với 303 chiếc và Kia New Sorento 125 chiếc. Cộng dồn 7 tháng đầu năm, Kia vẫn dẫn đầu với số lượng 10.006 chiếc bán ra trong tổng doanh số các thương biệu xe do Thaco lắp ráp và nhập khẩu.

Tương lai nào cho thị trường ô tô Việt Nam

Đứng thứ hai về tổng doanh số nhưng Toyota vẫn dẫn đầu về doanh số xe du lịch, với 4.551 chiếc bán ra trong tháng 7, tăng 21% so với cùng kỳ. Dẫn đầu thị trường xe du lịch vẫn là mẫu xe bình dân Vios với gần 1.300 chiếc, Innova với gần 1.000 chiếc, tiếp đó là Fortuner 850 chiếc, Corolla Altis 500 chiếc và Camry 490 chiếc.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2015, Toyota bán được 27.581 chiếc, tăng 35% so với cùng kỳ 2014. Quy mô sản xuất vẫn là điểm yếu kìm hãm sự phát triển mạnh hơn của Toyota Việt Nam bởi công suất lắp ráp với quy mô nhà máy có hạn, việc sản xuất những mẫu xe hút khách được thực hiện luân phiên chứ không thể đồng thời, do vậy, khi nhu cầu thị trường tăng vọt, năng lực sản xuất cũng khó theo kịp được. Một trong những điều khiến các khách hàng Toyota thấy bất tiện nhất đó chính là việc phải chờ quá lâu cho một đơn hàng mua một mẫu xe CKD đang hot của Toyota Việt Nam.

Tương lai nào cho thị trường ô tô Việt Nam

Ford vẫn đứng thứ ba trong thị phần doanh số của VAMA dù đã có sự chững lại khá đột ngột với số lượng xe bán ra tháng 7 vừa qua khá khiêm tốn, đạt 1.405 chiếc, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự chững lại về tăng trưởng doanh số của đại diện hãng xe Mỹ này chủ yếu do số lượng xe bán ra của mẫu xe chủ lực Ranger đã giảm từ 628 xe xuống còn 388 chiếc trong tháng 7 vừa qua, giảm 39% so với tháng trước. Một trong những nguyên nhân gây sự sụt giảm doanh số nghiêm trọng này  xuất phát từ tâm lý ngóng đợi phiên bản Ranger facelift hoàn toàn mới ra mắt giữa tháng 8/2015. Trong khi đó,Transit và EcoSport tiếp tục duy trì sức hút ấn tượng, khi Transit đạt hơn 411 chiếc và EcoSport đạt 361 chiếc. Tính chung 7 tháng, Ford bán ra 10.357 chiếc, tăng 58% so với cùng kỳ.

Tính chung, doanh số bán hàng của VAMA đạt 123.841 xe tăng 59% so với cùng kỳ 2014. Như vậy, đây đã là tháng thứ 28 liên tiếp VAMA đạt doanh số bán xe ra thị trường cao hơn cùng kỳ năm trước. Vậy, liệu các doanh nghiệp thuộc VAMA có thực sự gặp nhiều khó khăn về phát triển và mở rộng thị trường!

Thị phần CBU ngày càng lớn

Thị trường ô tô tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015 cũng tiếp tục chứng kiến sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ tăng trưởng sức mua giữa ôtô lắp ráp trong nước (CKD) với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) của các thành viên VAMA. Trong khi doanh số bán hàng ôtô CKD tháng 7/2015 đạt 15.013 chiếc, tăng nhẹ 4% so với tháng 6 và đạt 91.751 xe bán ra cộng dồn 7 tháng đầu năm tăng 56%, thì lượng xe CBU nhập khẩu đạt 5.336 chiếc, tăng 26% trong tháng 7 và 32.090 xe trong cả 7 tháng với 67% chiếm 25,9% doanh số bán hàng của VAMA.

Tương lai nào cho thị trường ô tô Việt Nam

Thị trường xe nhập khẩu nguyên chiếc cũng phát triển mạnh ở các đơn vị ngoài VAMA và điểm đánh dấu mốc trưởng thành của con đường phát triển này là năm nay, các thành viên ngoài VAMA sẽ tự tổ chức Triển lãm Vietnam International Motor Show (VIMS), giới thiệu các thương hiệu ôtô nhập khẩu, diễn ra vào trung tuần tháng 10/2015 tại Hà Nội. Ban Tổ chức cho biết, VIMS 2015 sẽ có sự góp mặt của 9 thương hiệu xe sang nhập khẩu chính hãng, gồm Audi, BMW, Jaguar, Land Rover, Luxgen, MINI, Porsche, Renault và một hãng xe Trung quốc BAIC. Đây là sự kiện kích cầu tiêu thụ xe rất lớn, phục vụ cho thị trường dịp cuối năm, tạo “cú hích” đột phá cho thị trường tiêu thụ xe ngoại tiếp đà phát triển mạnh mẽ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, tuy số  lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong tháng 7/2015 là 9,5 nghìn chiếc, giảm 1,8%, đặc biệt do đơn giá nhập khẩu bình quân ô tô nguyên chiếc các loại giảm mạnh 30,9% nên trị giá nhập khẩu là 208 triệu USD, giảm 32,1%, nhưng tính chung từ đầu năm đến hết tháng 7/2015, lượng xe ô tô nguyên chiếc cả nước nhập về chạm mốc 64,42 nghìn chiếc, tăng mạnh 104,7%, với trị giá là 1,71 tỷ USD, tăng mạnh 152,3% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó chỉ riêng đối với dòng xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi đã vượt 22.000 chiếc, với kim ngạch khoảng 261 triệu USD, tăng 61% về lượng và tăng 57% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. 

Ngoài các nguồn nhập về truyền thống như Trung Quốc hơn 18 nghìn chiếc, tăng mạnh 204%, Hàn Quốc đạt 14,2 nghìn chiếc, tăng 54,3%; Thái Lan: 12,1 nghìn chiếc, tăng 99,2%, thì Ấn Độ với 8,5 nghìn chiếc, tăng 77,5% so với cùng kỳ năm 2014 đang bắt đầu nổi lên là nguồn cung dồi dào ô tô giá rẻ với các mẫu xe bình dân hút khách.

Dẫn đầu số lượng xe nhập về trong cả 7 tháng đầu năm 2015 là Huyndai với 16.300 chiếc, tiếp sau là Kia với 5000 chiếc, Toyota 4.400 chiếc và Ford 3.500 chiếc.

Vậy, một thị trường nhập khẩu với nguồn hàng nhập về ngày một tăng mạnh mẽ, thêm vào đó, tâm lý sính ngoại, thích hàng nhập khẩu vẫn luôn tồn tại và song hành cùng với mọi quyết định mua sắm của người Việt thì có nhà kinh doanh ô tô nào lại muốn từ bỏ miếng bánh ngọt ngào như vậy để chuyển sang sản xuât, buôn bán phụ tùng, linh kiện lắp ráp ô tô!

Tương lai nào cho thị trường ô tô Việt Nam

Nội địa hoá hay nhập khẩu

15 năm trước, khi VAMA, Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam được thành lập, ngành công nghiệp ô tô  Việt Nam bắt đầu với lắp ráp CKD với một lộ trình nội địa hoá với nhiều mục tiêu chiến lược khá cụ thể được đưa ra. Tuy nhiên, 15 năm sau, chiến lược ấy vẫn chỉ là ước mơ xa với với những mục tiêu hi vọng.

Mặc dù dân số trên 90 triệu dân nhưng qua hơn 15 năm tồn tại và phát triển lắp ráp xe hơi tại Việt Nam, ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), TGĐ Toyota Việt Nam (TMV) vẫn tiếp tục đánh giá  thị trường ô tô Việt Nam vẫn ở mức tiềm năng, sản phẩm nội địa hoá vẫn dừng lại ở bu lông, ốc vít... 

Ngoài việc phần lớn các doanh nghiệp đều đổ lỗi cho dung lượng thị trường Việt Nam vẫn quá khiêm tốn, thu nhập bình quân vẫn ở mức thấp, chính sách hỗ trợ chưa phù hợp... thì một lý do dễ dàng nhìn thấy nữa là sự phát triển manh mún, chụp giật, ôm đồm và thiếu quy hoạch của chính các doanh nghiệp đang kinh doanh trong ngành. Bài toán lợi nhuận luôn là điểm mấu chốt để một doanh nghiệp bắt tay vào lắp ráp hàng loạt các mẫu xe, hạng xe... đủ để góp mặt vào tất cả các dòng xe, hạng xe, chiếm thị phần nhất định trong thị trường. Hãng nào cũng lắp đầy đủ, đa dạng các loại xe 9 chỗ, 7 chỗ, 4 chỗ, bán tải rồi xe tải nhỏ… với số lượng mỗi năm  vài trăm, vài nghìn chiếc để tranh thủ kiếm lời do bảo hộ giá mà hoàn toàn không một doanh nghiệp nào chú trọng đến lắp ráp dòng xe chiến lược để phục vụ nội địa hoá và phát triển bền vững. Cụ thể như Ấn Độ phát triển rất mạnh các dòng xe city car 4-5 chỗ giá rẻ, Thái Lan với các mẫu bán tải pick up trong khi Việt Nam chưa hãng nào dám nhận là mình đang lắp ráp sản phẩm mang tính đặc trưng, chiến lược cho ngành, cho quốc gia.  Với cách làm hiện nay của các doanh nghiệp ô tô trong nước, thật khó để một doanh nghiệp nào đó có khả năng đứng ra sản xuất những linh kiện, thiết bị chuyên biệt phục vụ lắp ráp một vài loại xe đặc trưng với chi phí thấp mà doanh số bán hàng có thể đạt mức cao.

Do đó, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn cứ tiếp tục dừng lại ở hi vọng đến thời kỳ Motolization năm 2022 và từ nay đến lúc nào đó, người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải tiếp tục móc hầu bao để trả cho những chiếc xe dù là nhập khẩu hay lắp ráp trong nước với giá thành cao ngất ngưởng đến cả những khách hàng giàu có tại các quốc gia phát triển cũng phải giật mình.