Tuần này, giá xăng sẽ tăng 500 đồng/lít ?

Admin
Trước kiến nghị của doanh nghiệp đầu mối, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo liên Bộ Tài chính - Công Thương giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, đảm bảo điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Điều này làm cơ sở cho việc tăng giá bán lẻ xăng 500 đồng/lít ngay trong tuần này - điều vốn đã bị liên bộ Tài chính - Công Thương từ chối hồi tuần trước.
>>Thủ tướng chỉ đạo điều hành giá xăng theo thị trường

Kinh doanh xăng đang lỗ

Mặc dù giá dầu thô thế giới liên tục giảm trong thời gian qua, hiện chỉ còn trên dưới 37 USD/thùng, nhưng giá xăng dầu thành phẩm lại diễn biến lại tăng, với mức gần 60 USD/thùng. Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng rơi vào tình trạng thua lỗ.

ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết chi phí đầu vào của một lít xăng tại thời điểm này gồm 25% thuế nhập khẩu; 10% thuế tiêu thụ đặc biệt; 10% VAT; phí xăng dầu 1.000 đồng/lít; trả nợ ngân sách tạm bù lỗ 1.000 đồng/lít; trích lập quỹ bình ổn giá 500 đồng/lít. Ngoài ra còn có các chi phí khác như 500 đồng/lít chi phí kinh doanh; 150 đồng lợi nhuận định mức; khoảng 500 đồng chi hoa hồng cho đại lý phân phối. Với diễn biến giá thế giới hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, doanh nghiệp đầu mối lỗ trên 500 đồng/lít.

Ảnh minh họa

 Giá bán lẻ xăng có thể được điều chỉnh tăng ngay trong tuần này

“20 ngày cuối tháng 1/2009, giá xăng sản phẩm tại thị trường Singapore đã tăng tới 8 USD/thùng. Cộng với đó, tỷ giá tăng bình quân 400 đồng/USD so với tháng 12/2008 đã đội chi phí nhập khẩu xăng, dầu tăng lên”, ông Dũng phân tích.

Đồng quan điểm trên, ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Sài Gòn (Saigon Petro) cho biết, hiện kinh doanh xăng của doanh nghiệp này đang lỗ tới trên 1.500 đồng/lít.

Cũng trên cơ sở kinh doanh xăng thua lỗ, Petrolimex đã có công văn gửi lên Tổ giám sát liên Bộ Tài chính-Công thương về giá xăng dầu, đề xuất tăng 500 đồng/lít xăng và giảm 300 đồng/lít dầu. Trong khi đó, Saigon Petro đã đề xuất với Tổ giám sát liên bộ tăng 1.000 đồng/lít xăng.

 

Tuy nhiên, những đề xuất này đã không được chấp thuận mà thay vào đó là yêu cầu giảm 500 đồng/lít dầu, thực hiện ngay từ 22 giờ tối ngày 9/2. Mặc dù vẫn chấp thuận quyết định của Tổ giám sát liên Bộ nhưng các doanh nghiệp đầu mối như Petrolimex, Saigon Petro... đã có văn bản kiến nghị lên Tổ giám sát liên Bộ Tài chính-Công thương và Chính phủ trình bày về thực trạng kinh doanh xăng dầu. “Chúng tôi đã giảm giá dầu theo yêu cầu của Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính nhưng rất mong yêu cầu này sẽ được xem xét lại trên cơ sở kinh doanh thực tế của doanh nghiệp”- ông Sang nhấn mạnh.

Sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường

Ngày 16/2, văn phòng Chính phủ đã có công văn số 877/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về hoạt động kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương kịp thời xử lý các vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đồng thời có giải pháp chỉ đạo, điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới, bảo đảm chủ trương của Chính phủ về điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Việc kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, bám sát giá thế giới đồng nghĩa với việc giá thế giới tăng thì giá trong nước tăng và ngược lại. Trong khi đó, Việt Nam là nước nhập khẩu 100% xăng dầu thành phẩm nên  hiện giá thế giới đang tăng, giá trong nước sẽ buộc phải xét xét điều chỉnh tăng theo.

Trước đó, trao đổi với báo giới, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) kiêm Tổ trưởng Tổ giám sát liên Bộ Tài chính - Công Thương về giá xăng dầu - ông Nguyễn Tiến Thỏa- cũng thừa nhận hiện doanh nghiệp đầu mối đang lỗ khoảng 500 đồng một lít xăng. Tuy nhiên, ông Thoả nhấn mạnh tới việc cân nhắc tới các yếu tố điều chỉnh thuế và giá bán lẻ trên cơ sở hài hoà lợi ích giữa ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời việc điều chỉnh sẽ được thực hiện khi diễn biến giá thế giới đã trở thành xu thế.

autovina