Đề xuất thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới đây của Bộ Tài chính đang đẩy thị trường ô tô Việt Nam vào những tình thế khó xử về giá bán lẻ.
Trước khi Bộ Tài chính công khai bản dự thảo nghị định mới để lấy ý kiến hoàn thiện, không ít người tiêu dùng vẫn đang rất lạc quan về viễn cảnh giá bán lẻ ô tô đồng loạt giảm mạnh sau hơn 2 năm nữa.
Kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở. Theo nội dung Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (CBU) từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm về mức 0% vào năm 2018.
Với chính sách thuế hiện hành, thuế nhập khẩu chính là yếu tố thứ 2 cấu thành giá xe trên thị trường sau giá C.I.F. Do đó, nếu thuế suất thuế nhập khẩu không còn (ở mức 0%) sẽ giúp cho số tiền của một loạt các loại thuế, lệ phí và chi phí khác phía sau tại nhà nhập khẩu hay nhà phân phối giảm xuống và ở mức rất thấp. Và đương nhiên, giá bán lẻ ô tô trên thị trường sẽ giảm mạnh.
Trên thực tế, thuế nhập khẩu chỉ giảm với xe CBU từ khu vực Đông Nam Á. Song với lợi thế lớn như vậy, các doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải tính toán kỹ lưỡng, cụ thể là để điều chỉnh giá bán cho các loại xe có xuất xứ khác nhằm tạo sức cạnh tranh hoặc ít nhất là tồn tại trước sức ép của xe CBU Đông Nam Á.
Tuy nhiên, những sự chuẩn bị của doanh nghiệp đã gần như không còn cần thiết với kế hoạch thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính. Đổi lại, doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải có những tính toán khác để đối phó tình thế mới.
Nếu chính sách mới được ban hành, có thể tạm coi các loại xe lắp ráp trong nước (CKD) là vô can hoặc chỉ ảnh hưởng nhẹ khi nhiều khả năng tổng sức mua trên thị trường bị suy giảm. Nhưng với xe CBU thì hoàn toàn khác.
Trước hết là xe nhập khẩu từ các nước khu vực Đông Nam Á. Không những không thể hạ thấp nhờ lộ trình giảm thuế mà ngay từ năm 2016, giá bán lẻ của các loại xe này còn bị tăng sớm mà theo nhiều nhận định, là nhằm bù đắp nguồn thu ngân sách bị thâm hụt do thuế giảm.
Hiểu cơ bản, khi thuế nhập khẩu giảm mạnh và tiến về mốc 0%, nguồn thu ngân sách sẽ được bù đắp trở lại nhờ việc thuế tiêu thụ đặc biệt được tính trên cả các loại chi phí sau này của doanh nghiệp, bao gồm cả lợi nhuận, thay vì chỉ tính trên giá C.I.F và thuế nhập khẩu như hiện hành.
Như vậy, ít nhất là trong khoảng 2 năm từ 2016 đến hết 2017, giá xe CBU nhập khẩu từ Đông Nam Á gần như chắc chắn sẽ tăng so với thời điểm này. Theo lộ trình giảm thuế quy định tại Thông tư 165/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 14/11/2014 nhằm thực hiện hiệp định ATIGA, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô CBU từ Đông Nam Á sẽ giảm xuống mức 40% vào năm 2016, giảm tiếp còn 30% vào năm 2017 và sang năm 2018 mới chính thức về mốc 0%.
Nan giải nhất chính là xe CBU nhập khẩu từ các thị truờng ngoài khu vực Đông Nam Á. Các loại xe này không những không được hưởng chính sách giảm thuế mà còn phải chịu thêm số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp đáng kể khi thay đổi cách tính mới.
Có thể hình dung, trong khi giá xe CKD hầu như không thay đổi, giá xe CBU từ Đông Nam Á tăng lên từ 2016 rồi giảm dần theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu thì xe CBU nhập khẩu từ ngoài khu vực Đông Nam Á lập tức tăng mạnh và tiếp tục duy trì ở mức cao. Đây là một bất lợi không hề nhỏ đối với nhóm doanh nghiệp này.
Lưu ý rằng, đây cũng chính là nhóm mà đa số xe nhập khẩu thuộc phân hạng xe sang, xe cao cấp nên tỷ lệ tăng giá thậm chí còn bị chênh lên tiếp do các mức thuế và phí áp với xe có dung tích xi-lanh lớn thường cao hơn các loại xe khác.
Trong bối cảnh mà các thành phần tham gia cùng một thị trường phải chịu (hoặc được hưởng) những chính sách có sự tác động khác nhau thì việc giải bài toàn cạnh tranh của các doanh nghiệp với thị trường và giữa các doanh nghiệp với nhau là rất khó khăn.
Còn với người tiêu dùng, tình thế trước mắt chính là giấc mộng giảm giá xe xem như bắt đầu tiêu tan.
(theo VnEconomy)