VAMA bị ‘tố’ ngược

Admin
Giải pháp “trói” xe ngoại không những không nhận được sự ủng hộ của dư luận mà Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) còn bị tố ngược “lạm quyền” và đang bán xe hơi cho người tiêu dùng với giá trên trời.

Đại diện một hãng nhập khẩu ôtô có tiếng ở Hà Nội cho rằng xe nội được ưu ái quá nhiều về chính sách song lại không phát huy được vai trò của mình. “Các liên doanh trong nước mới chỉ dừng ở trình độ lắp ráp chứ chưa phải là sản xuất, vậy thì cớ sao không thể xe nhập khẩu chính hãng được cạnh tranh trực tiếp để giá bán trong nước được dễ thở hơn”, vị đại diện này nói.

Ông cho biết dù nhiều loại xe cùng chủng loại, mẫu mã như nhau nhưng giá xe nội không rẻ hơn xe ngoại là bao. Chẳng hạn một chiếc Camry bán tại Việt Nam giá 54.000 USD trong khi tại Mỹ giá bán vào khoảng 20.000 USD. Chiếc Camry nhập về VN, sau khi cộng thêm các loại phí, thuế, giá bán ra thị trường vào khoảng 57.000 USD, đắt hơn xe nội 2.000-3.000 USD.

Giá xe VN được xếp vào hàng đắt của thế giới. Ảnh: Hoàng Hà.

Hiện nay, các hãng xe trong nước chỉ đóng thuế linh kiện vào khoảng 23-25%, trong khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc đóng thuế với mức 83%. Như vậy, xe nội được ưu ái tới gần 60% thuế, nếu tính chi phí cho mỗi chiếc xe thêm 25% thì xe nội có cơ hội giảm giá bán tới 25%. “Được hưởng ưu ái như vậy, nhưng giá xe của VAMA vẫn cao chứng tỏ giá của họ có vấn đề. Xe của liên doanh sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu mà loại đề xuất hạn chế xe nhập khẩu là vô lý”, chủ doanh nghiệp này nhận xét.

Trao đổi với PV, ông Phạm Anh Tuấn, Thư ký VAMA khẳng định kiến nghị của Hiệp hội không nhằm hạn chế xe nhập khẩu mà muốn hạn chế tình trạng gian lận thương mại trong khai báo giá, giúp làm trong sạch thị trường, để các hãng xe được cạnh tranh bình đẳng. Hiện nay, thuế xe nguyên chiếc đã ở mức khá cao 83% nhưng ôtô vẫn về thị trường với số lượng hơn cả thời điểm thuế nhập khẩu ở ngưỡng 60%. Điều này cho thấy tình trạng gian lận thuế qua giá có xu hướng tăng lên.

Lý giải về chuyện người tiêu dùng VN đang phải mua xe sản xuất với giá trên trời, ông Tuấn cho rằng xe trong nước đang phải gánh rất nhiều các loại thuế và chi phí. Do vậy, muốn xe giảm giá thì chính sách thuế phải thay đổi và số lượng xe tiêu thụ trong nước phải tăng lên. Ông Tuấn cho rằng cơ sở để giá xe trong nước phụ thuộc vào các yếu tố, gồm sản lượng tăng, nội địa hóa nhiều và giảm các loại thuế như linh kiện, tiêu thụ đặc biệt và VAT…

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên VAMA đề xuất các giải pháp hạn chế xe nhập khẩu và xin được hưởng các chính sách ưu đãi thuế dù lượng xe bán ra của các liên doanh cứ đều đều tăng trong các tháng và có lúc đã ở ngưỡng cháy hàng. Chẳng hạn trong tháng 8, lượng xe bán ra của các thành viên VAMA đạt 10.555 xe, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó xe con đạt trên 3.000 chiếc tăng gấp đôi so với cùng kỳ, tăng tới 887 chiếc so với tháng 6 và tăng 336 chiếc so với tháng 7.

Thế nhưng, VAMA vẫn không hài lòng với kết quả đạt được. Hiệp hội này vẫn có văn bản đề nghị cơ quan chức năng cho phép tiếp tục kéo dài thời gian giảm, giãn các loại thuế, phí đối với ôtô. Theo VAMA, thị trường ôtô năm 2010 khó có thể dự báo bởi phụ thuộc vào tình hình kinh tế chung, chính sách thuế và yếu tố tâm lý của khách hàng. Cơ quan này còn “dọa” nếu các loại ưu đãi thuế hết hiệu lực vào cuối năm 2009 như kế hoạch đề ra ban đầu thì thị trường 2010 sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá xe đột ngột tăng trở lại.

Giới chuyên gia nhận xét, thời gian qua công nghiệp ôtô luôn nhận được sự ưu ái của các cơ quan chức năng về cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa để có một ngành công nghiệp ôtô thực sự. Tuy nhiên, những gì mà các doanh nghiệp làm được vẫn mới chỉ dừng ở lắp ráp ra chủ yếu còn việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trên các sản phẩm vẫn chỉ thực hiện ở mức khá khiêm tốn.

“Do vậy, đã đến lúc cần phải xem lại chính sách ưu ái đối với xe nội trong bối cảnh giá ôtô trong nước quá cao và người dân còn phải xếp hàng chờ mua xe như thời bao cấp”, một chuyên gia kinh tế nói.

Hồng Anh

autovina