Toyota Hilux phiên bản mới 2016 ra mắt thị trường Việt Nam khi phân khúc dòng xe bán tải đang sôi động và có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Toyota Hilux 2016 phiên bản 3.0 G tự động >>> xem Album ảnh Toyota Hilux 2016
Đây cũng là mảnh đất màu mỡ chứng kiến nhiều cuộc cạnh tranh gắt gao giữa các tên tuổi như Ford Ranger, Mazda BT-50, Toyota Hilux, Mitsubishi Triton, tân binh Nissan NP300 Navara và Chevorlet Colorado.
Với mẫu Hilux mới ra mắt chính thức hôm 5/10, Toyota đặt kì vọng sẽ cải thiện vị thế của mình tại thị trường bán tải Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hai đối thủ mạnh là Ford Ranger và Mazda BT-50 đang dẫn đầu thị trường với doanh số vượt trội.
Toyota Hilux phiên bản 2016 thế hệ thứ 8 có lẽ là mẫu xe quan trọng nhất của thương hiệu đến từ Nhật Bản trong cả một thế kỷ qua, vì thế hệ thứ 7 được giới thiệu ra thị trường chính xác cách đây đúng 10 năm. Để phát triển ra mẫu xe mới này, Toyota đã phải mất đến 6 năm nghiên cứu và trải nghiệm thực tế trên các phiên bản cũ để tạo ra một phiên bản mới có khả năng cạnh tranh cao và đáp ứng được các nhu cầu của thị trường ngày càng cao hiện nay. Và sau một thời gian khá dài để chờ đợi, cuối cùng chiếc Hilux phiên bản mới 2016 đã chào đời và được tung ra thị trường.
>>> xem Album ảnh Toyota Hilux 2016
Nhìn lại quá trình lịch sử phát triển, 4 thế hệ đầu tiên của Hilux là những mẫu xe bán tải đơn giản với trang thiết bị nghèo nàn và thô sơ. Thế hệ 5 và 6 được phát triển tập trung vào phục vụ cho các nhu cầu công việc vận chuyển là chính. Thế hệ thứ 7 đã được Toyota nâng cấp lên nhằm thoả mãn được các nhu cầu của người sử dụng như là một chiếc SUV và cuối cùng là mẫu Hilux đời mới nhất, thế hệ thứ 8 hoàn toàn mới với sự thay đổi toàn bộ từ khung gầm cho đến thân vỏ, từ các trang thiết bị an toàn cho đến nội thất, từ hệ giảm xóc cho đến hệ thống phanh…
Chương trình phát triển cho Hilux mới được bắt đầu từ năm 2009, khi mà các đối thủ nặng ký như Ford Ranger hay Mazda BT-50 đã có những bước tiến nhanh và mạnh mẽ làm cho thị phần của Toyota Hilux giảm đi nhanh chóng, nếu không muốn nói là “tụt dốc không phanh”, buộc lòng Toyota phải xem xét lại kế hoạch phát triển dòng bán tải của mình. Và đến năm 2011 Toyota đã tổng hợp được những gì phải thay đổi để khẳng định lại được vị thế của Hilux trên thị trường.
Vậy Hilux mới có những gì mới ?, nói ngắn gọn là rất nhiều.
Cải thiện về ngoại hình : >>> Album Ngoại thất Toyota Hilux 2016
Đầu tiên phải nói, ngoại hình phiên bản thế hệ thứ 8 này của Toyota Hilux có diện mạo hoàn toàn mới so với thế hệ thứ 7 trước đó với nhiều chi tiết mạ Chrome hơn và thêm đèn LED ban ngày cho cụm đèn pha phía trước.
Điểm nổi bật phần đầu xe là cụm đèn trước liền mạnh với lưới tản nhiệt mạ chrome to khoẻ được trải rộng sang hai bên, kết hợp với cản trước lớn và dày. Chiếc xe mà chúng tôi chạy thử là phiên bản Hilux G 3.0 AT (số tự động), ngoài việc được bổ xung thêm đèn chiếu sáng ban ngày bằng LED, đèn “Cốt” bên trong cũng sử dụng LED, còn đèn “Pha” dùng Halogen cùng với hệ thống điều chỉnh góc chiếu và bật tắt tự động.
Phần đuôi xe cũng được thiết kế lại, mạnh mẽ hơn, hài hòa và cân đối hơn. Cụm đèn sau lớn với đường viền bao quanh màu đen, tay nắm các cửa và cả khoang chở hàng được mạ crôm tạo ra độ sắc nét cho chiếc xe. Tay nắm cửa trước còn được tích hợp nút ấn mở khoá điện khá thuận tiện khi người lái với chìa khoá điện thông minh đứng cạnh xe.
Đặc biệt Toyota Hilux là chiếc bán tải có khoảng gầm sáng lớn nhất (286 mm) trong phân khúc bán tải hiện có tại Việt Nam, giúp cho Hilux có thể dễ dàng vượt qua mọi địa hình phức tạp và đường ngập nước như trong điều kiện giao thông Việt Nam hiện nay. Tuy vậy mức lội nước của Toyota Hilux cũng ở mức 700 mm, kém Ford Ranger và Mazda BT-50 100 mm. Hơn nữa, về kích thước, Toyotas Hilux có chiều dải tổng thể và chiều cơ sở (khoảng cách giữa 2 trục bánh xe) cũng nhỏ hơn 2 đối thủ nặng ký trên nên Hilux có được bán kính vòng quay nhỏ hơn, thuận tiện cho việc vận hành trong những nơi đường sá nhỏ và chật hẹp.
Nâng cấp về nội thất : >>> Album Nội thất Toyota Hilux 2016
Cùng với những thay đổi diện mạo bên ngoài, nội thất bên trong của Hilux 2016 cũng thay đổi hoàn toàn với phong cách như một chiếc SUV. Bạn có thể cảm nhận được ngay sự tinh tế và sắc nét của bảng taplo được mở rộng sang hai bên với điểm nhấn là các tấm ốp trang trí mạ bạc có kích thước lớn tạo ra những điểm sáng cho không gian tối màu của Hilux. Vô-lăng trên Hilux 2016 cũng có thiết kế hoàn toàn mới với kiểu dáng 3 chấu được bọc da, có khả năng điều chỉnh 4 hướng và tích hợp các nút điều chỉnh hệ thống âm thanh, điện thoại rảnh tay, màn hình hiển thị đa thông tin. Tuy nhiên cũng như BT-50, phiên bản cao cấp nhất 3.0 G của Toyota Hilux được trang bị màn hình 4.2 inch là trang bị tiêu chuẩn, còn màn 7 inch như phiên bản Hilux châu Âu hay như của Colorado và Ford Ranger là lựa chọn (option) thêm.
Với phiên bản 3.0 G tự động mà chúng tôi thử nghiệm thì ghế lái được chỉnh điện 8 hướng, còn đối với phiên bản số tay 3.0 G MT và bản 2.5 E là chỉnh cơ 6 hướng, điều chỉnh được gia tăng, hỗ trợ tối đa cho người lái và hành khách ngồi trước. Hành khách ngồi sau cũng sẽ trải nghiệm sự thoải mái và tiện dụng hơn bởi khoảng để chân lớn, cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau và tựa tay tích hợp giá để cốc, chiều dài đệm ngồi được gia tăng, và cửa sổ chỉnh điện một chạm.
Hiện Toyota Hilux 2016 vào Việt Nam không có camera cảm biến lùi, đó sẽ là một điểm kém lợi thế hơn so với các đối thủ như Ford Ranger hay Chevrolet Colorado…
Về động cơ và vận hành
Hilux mới cũng được trang bị động cơ và hộp số mới: động cơ dầu 4 xy-lanh, trong khi BT-50 hay Ford Ranger lại dùng động cơ 5 xy-lanh thẳng hàng. Điều này cũng có nghĩa là Hilux sẽ có công suất và mô men xoắn nhỏ hơn chút ít so với cùng đối thủ. Với bộ hộp số mới 6 số tự động Hilux chỉ sản sinh ra 161 mã lực và mô men xoắn là 360 Nm, với bản số sàn thì công suất vẫn vậy nhưng mô-men xoắn có giảm chút ít.
Thực ra khi lái thử chiếc xe, động cơ mới của Hilux đã làm chúng tôi khá ngạc nhiên về độ êm và cảm giác mạnh mẽ hơn nhiều so với động cơ mà Hilux đã sử dụng cho các phiên bản trước, nhất là độ ồn, độ rung và những chi tiết thô khác trong khoang lái của Hilux trước đây đã được cải thiện tuyệt vời. Tiếng ồn vọng lên từ mặt đường cũng được xử lý tốt duy chỉ có tiếng gió ở tốc độ cao trên đường cao tốc là vẫn còn hơi rõ.
Hộp số 6 số tự động hoạt động trên đường khá êm ái và hiệu quả và việc chuyển về số thấp khi phanh cũng êm ái và rõ. Phiên bản Hilux G 3.0 tự động còn có thể sử dụng chế độ lái Sport “S” thể thao. Gạt cần số từ vị trí “D” sang “S” bạn có thể thấy rõ độ “vọt” của xe khi đạp mạnh chân ga. Lúc này việc lên hay xuống số là được thực hiện bằng tay như số sàn.
Tuy công suất và mô men xoắn nhỏ hơn các đối thủ cùng phân khúc, nhưng Hilux cũng đủ mạnh để vượt qua những dốc khá cao và trơn trượt. Xoay núm công tắc điện chuyển chế độ lái một cầu sang 2 cầu chậm (4 L), chúng tôi lái thử chiếc Hilux G 3.0 tự động leo lên một đoạn dốc trơn trượt, nhờ tính năng hỗ trợ khởi động giữa dốc, chiếc xe có thể dừng lại giữa dốc khoảng 2-3 giây để sau đó tiếp tục leo lên dốc. Với đoạn dốc như vậy thậm chí không cần chuyển sang chế độ 2 cầu mà xe vẫn có thể vượt qua một cách nhẹ nhàng.
Với Toyota Hilux 2016 mới, cảm giác tay lái cũng tốt hơn. Mặc dù Toyota không dùng trợ lực điện cho vô lăng mà vẫn dùng trợ lực bằng thuỷ lực nhưng hệ thống lái đã nhẹ đi nhiều so với ở dòng Hilux cũ, giúp cho việc điều khiển chiếc xe được dễ dàng hơn kể cả khi vào cua ở tốc độ cao.
Và đương nhiên phần lớn người tiêu dùng mua xe bán tải là để phục vụ công việc nên việc thử nghiệm chiếc xe trên các loại đường địa hình offroad mới thấy hết được khả năng tuyệt vời của Hilux.
Khi bò lên dốc và xuống dốc, Hilux mới linh hoạt hơn Hilux cũ nhờ có góc thoát trước lớn hơn (31 độ so với 30 độ) và góc thoát sau cũng lớn hơn ( 26 độ so với 23 độ), cùng với khoảng sáng gầm xe cao 286 mm làm cho Hilux vượt qua những đoạn dốc cao, hào sâu khá dễ dàng.
Tăng cường những trang bị an toàn
Không phải ngẫu nhiên mà Hilux 2015 được đánh giá cao về độ an toàn và đã được điểm 5 sao trong chương trình thử va chạm của Latin NCAP, điều mà phiên bản thế hệ trước chưa đạt được. Chương trình này được áp dụng cho tất cả từ đọng cơ đến thân vỏ của xe.
Các phiên bản Hilux được trang bị (tiêu chuẩn) nhiều túi khí giúp giảm thiểu tối đa chấn thương cho người lái và hành khách trong trường hợp không may xảy ra va chạm. Cụ thể Hilux 2.5E & 3.0G MT được trang bị 3 túi khí (2 túi khí phía trước; 1 túi khí đầu gối cho người lái) trong khi đó Hilux 3.0G AT có 2 túi khí phía trước; 1 túi khí đầu gối cho người lái; 2 túi khí bên phía trước; 2 túi khí rèm.
Cả ba phiên bản Hilux 2015 đều được trang bị đầy đủ phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD và hỗ trợ phanh khẩn cấp EBA. Trong khi đó, bản 3.0 G AT có thêm hệ thống cân bằng điện tử tích hợp khả năng điều khiển ổn định khi kéo moóc (VSC & TSC), mặc dù tính năng này tại Việt Nam ít khi sử dụng.
Phiên bản 3.0G AT còn được trang bị Hệ thống kiểm soát lực kéo chủ động A - TRC kiểm soát lực kéo ở tất cả các bánh xe trong mọi tình huống, hệ thống khởi hành ngang dốc (HAC) và hệ thống cảnh báo phanh gấp (EBS).
Kết luận
Toyota Hilux 2016 thực sự đã “lột xác” thành một mẫu xe hoàn toàn mới về diện mạo, nội thất bên trong cho đến các tính năng và công nghệ. Cảm giác lái êm ái cùng với tính năng vận hành mạnh mẽ không thua kém gì các đối thủ có công suất động cơ lớn hơn, cho thấy sự quyết tâm của Toyota mong muốn giành lại vị thế cho Hilux trên thị trường hiện tại.
Nhưng cũng có thể nói Toyota đã khai thác Hilux thế hệ thứ 7 quá triệt để trong một thời gian dài tối đa có thể đối với một đời xe (10 năm) để tạo ra một phiên bản hoàn toàn mới, điều mà tuổi đời bình thường của một mẫu xe hiện nay kéo dài chỉ khoảng từ 5-7 năm.
Đó có thể là lý do dẫn đến mức độ chênh lệch quá lớn về doanh số Tháng 9/2015 như hiện nay của Hilux (56 xe) so với các đối thủ Ford Ranger (822 xe) và Mazda BT-50 (389 xe) khi mà trong một thời gian ngắn vừa qua cả hai thương hiệu này luôn liên tục thay đổi và nâng cấp mới hoặc có những chính sách bán hàng mới.
Dù sao, với những thay đổi có tính toàn diện trên của Hilux, kì vọng thực hiện được kế hoạch bán hàng 300 xe/tháng cho mẫu Hilux mới của Toyota là hoàn toàn có cơ sở.
>>> Xem thêm ảnh Toyota Hilux 2016: Album ảnh Toyota Hilux 2016
>>> Xem thêm ảnh Ngoại thất Toyota Hilux 2016: Album Ngoại thất Toyota Hilux 2016
>>> Xem thêm ảnh Nội thất Toyota Hilux 2016 : Album Nội thất Toyota Hilux 2016