Không giao cắt, không xe máy, tốc độ tối thiểu 50 km, chỉ được dừng xe khi khẩn cấp... tuyến TP HCM - Trung Lương là đường cao tốc dành riêng cho ôtô đầu tiên của Việt Nam được đưa vào khai thác sáng nay.
Nhiều bác tài đi về miền Tây và ngược lại, là những người đầu tiên cảm nhận được việc lái xe "như bay". Chặng đường từ TP HCM đi tỉnh Tiền Giang trở nên gần hơn bao giờ hết. Trước đây khoảng 50.000 phương tiện mỗi ngày qua lại tuyến này buộc phải đi theo quốc lộ 1A. Với tình trạng ùn tắc, khoảng cách 60-70 km từ Sài Gòn đến tỉnh Tiền Giang, ôtô phải chạy mất từ 1,5 đến 2 giờ.
Đường cao tốc TP HCM - Trung Lương với chiều dài khoảng 60 km, nhưng để đi từ đầu đến cuối tuyến, các bác tài chỉ mất khoảng hơn 45 phút đến một giờ, tốc độ tối đa 100 km.
"Tiếc quá, phải chi xe của mình ngon hơn", một tài xế ôtô Jolie thốt lên. Nhiều lái xe khác thì phấn khích khi lần đầu được "chơi" gần như hết ga, bay trên đường mà không gặp trở ngại nào. "Chưa bao giờ chạy đã như hôm nay", một tài xế trên chiếc xe 4 chỗ đời mới hồ hởi nói.
Tuyến đường cao tốc nhìn từ trên cao. Ảnh: Kiên Cường |
"Trước giờ đi xe bị ói hoài nhưng đi đường này quá êm khiến tôi quên hẳn cảm giác đó", chị Hải, người thường xuyên về miền Tây vui mừng cho biết. Sáng nay chị Hải ngồi xe đò để về Tiền Giang, trở thành một trong những người đầu tiên sử dụng tuyến đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Sự kiện thông đường cao tốc cùng thu hút nhiều người dân TP HCM và các tỉnh có tuyến đường đi qua là Long An, Tiền Giang, tụ tập trên các cây cầu vượt để chụp hình, ngắm cảnh. Một số khác rủ nhau lấy xe chạy thử trên đường cao tốc để thử cảm giác.
Tuy nhiên, do chỉ là thông xe tạm, nhiều hạng mục vẫn còn đang triển khai nên không tránh khỏi những "hạt sạn". Ôtô đi ngược chiều hay xe máy vẫn còn lưu thông vào tuyến cao tốc... là hình ảnh chưa đẹp sáng nay.
"Từ 6h sáng chúng tôi đã có mặt ở đây để hướng dẫn. Vì chưa biết nên nhiều xe máy còn chạy vào đường cao tốc, chủ yếu là người dân địa phương", ông Lại Văn Ba, Đội trưởng cảnh sát giao thông An Lạc - TP HCM cho biết.
Theo Trung tâm quản lý đường cao tốc, đến trưa đã có 2 sự cố xảy ra.Một xế hộp 4 chỗ bị bể lốp trên đường cao tốc và được xe cứu hộ kéo về trạm sửa chữa, còn một xe 4 chỗ khác thì dừng hẳn trên đường nhưng chỉ để tham quan, khiến cảnh sát giao thông cũng bở hơi tai để giải tỏa.
"Hiện còn 15 hạng mục của đường cao tốc cần phải hoàn
thiện. Sau một tuần đưa vào khai thác, chúng tôi họp rút kinh nghiệm,
nếu có bất cập sẽ điều chỉnh. Trên đường cứ 2 km có một bảng ghi số
điện thoại khẩn cấp. Chậm nhất 20 phút sau khi có sự cố, lực lượng cứu
hộ sẽ có mặt", ông Nguyễn Huy Thao, Giám đốc Trung tâm quản lý đường
cao tốc khẳng định.
Vẫn có xe máy chạy vào đường cao tốc sau giờ thông xe sáng 3/2. |
Cảnh sát giao thông phải nhắc nhở và hướng dẫn cho người dân hiểu. |
Tuyến cao tốc nối TP HCM với Tiền Giang đã hoàn thiện. |
Xe hơi có thể chạy với vận tốc tối đa lên đến 100 km giờ. |
Tuyến đường nhìn từ trên cao. |
Nút giao dẫn lên đường cao tốc ngang phía trên. |
Xe cứu hộ túc trực. Chỉ 20 phút sau sự cố xe cứu hộ sẽ có mặt tại hiện trường. |
Cách 2km có một biển ghi số điện thoại nóng. |
Đường ôtô cao tốc TP HCM - Trung Lương nối TP HCM với các tỉnh Long An, Tiền Giang, có 4 nút giao để xe ra vào: chợ Đệm, Bến Lức, Tân An, Thân Cửu Nghĩa. Chiều dài tuyến khoảng 60 km. Tổng vốn đầu tư toàn tuyến gần 10.000 tỷ đồng. Các loại máy kéo, môtô hai bánh, môtô ba bánh, xe máy điện, xe thô sơ và người đi bộ, xe chở chất độc hại, dễ cháy nổ, xe bánh xích, xe chở vật liệu rời dễ rơi vãi, không được lưu thông vào đường cao tốc. Tốc độ tối thiểu cho xe lưu thông là từ 50 km đến tối đa 100 km. |
Kiên Cường