Những bí mật ẩn sau thương hiệu Jaguar

Svetlauz
Dù có hàng loạt model cũng như các sản phẩm khác nhau qua từng thời kỳ, Jaguar vẫn giữ triết lý chế tạo những chiếc xe đẹp nhất, nhanh nhất trên cơ sở kết hợp giữa trí thông minh công nghệ với sự sang trọng đương đại.
Năm 1922, tại một thị trấn phía nam bờ biển vùng Blackpool (Anh quốc), một gã trai mê mô-tô chưa đủ 21 tuổi - Bill Lyons - gặp William Walmsley, 29 tuổi, kẻ có sở thích không hề thua kém.
 
Walmsley vừa chế tác xong chiếc sidecar (xe 3 bánh) đặc biệt cho riêng mình và dẫn người bạn mới quen về xem nó. Ngay lập tức, Bill Lyons cảm nhận được tiềm năng thương mại của mẫu xe này. Với sức trẻ, Lyons và Walmsley thành lập Swallow Sidecar Company vào tháng 9/1922 với số vốn 1.000 bảng.
 
Biểu tượng Jaguar lấy từ loài báo đốm Mỹ. Ảnh: Wikipedia
 
Lúc đầu, Swallow Sidecar Company chỉ có hai tầng gác tại Blackpool để làm trụ sở và xưởng. Toàn bộ công việc được thực hiện bằng tay.
 
Sau khi thành lập công ty vài tháng, một tài năng kinh doanh có tên Arthur Whittaker xuất hiện. Arthur Whittaker đã ở lại cùng Jaguar trong 50 năm sau và trở thành một trong những người kinh doanh sành sỏi nhất quốc đảo sương mù.
 
Sáng tạo ra phương pháp dùng nhôm dập để sản xuất vỏ sidecar, Swallow Sidecar nhanh chóng trở nên nổi tiếng khi hàng "đắt như tôm tươi" và năng suất nâng cao đến chóng mặt. Tuy nhiên, tham vọng của Lyons không dừng lại ở đó.
 
Năm 1927, khi Herbert Austin cho ra đời chiếc xe hạng nhỏ Austin Seven giá rẻ, dễ lái và tiện dụng nhưng thiếu cá tính, Lyons có ý tưởng sản xuất một chiếc xe 2 chỗ, gắn thân Swallow Sidecar trên khung gầm của Austin Seven. Ngay lập tức, một đơn đặt hàng 500 chiếc được đặt lên bàn Arthur Whittaker. Đó cũng là điểm khởi đầu cho mối liên minh mới giữa Lyons và Bertie Henly - người điều hành garage Henlys nổi tiếng của nước Anh.
 
Với giá 175 bảng hay 185 bảng cho phiên bản mui cứng, Austin Seven Swallow luôn trong tình trạng “cháy hàng” . Không dừng lại ở đó, Lyons còn tiếp tục cho ra mắt mẫu xe có vỏ Swallow gắn trên khung gầm lớn hơn, mang tên Morris Cowley. Vùng ảnh hưởng của Swallow ngày càng lớn khi Austin Seven Swallow Saloon trình làng năm 1928 và tiếp tục gặt hái thành công.
 
Thiết kế phần mũi XKR luôn cụp xuống kiểu vồ mồi. Ảnh: Seriouswheels
 
Sau một thời gian liên kết sản xuất với các hãng xe khác, đột nhiên Lyons không muốn chế tạo vỏ xe của mình trên khung gầm của mẫu xe khác. Ông muốn nhắm tới những chiếc xe cá tính chứ không đơn thuần chỉ sản xuất xe thể thao. Nếu đi theo kế hoạch của Lyons, Swallow Sidecar sẽ phải tự sản xuất khung gầm trong khi không có kinh nghiệm và nguyên liệu sản xuất.
 
Để giải quyết khó khăn đó, Lyons đã khôn ngoan liên kết với Standard Motor Company và “nhờ” hãng này sản xuất khung gầm theo thiết kế của Swallow Sidecar nhưng lại vừa với động cơ Standard.
 
Năm 1931, chiếc SS được Swallow Sidecar tung ra bằng chiến dịch quảng cáo rầm rộ và thu lời lớn. Tiếp sau SS là SS I và SS II Coupe, tất cả đều có gầm thấp và nắp ca-pô dài.
 
Tới 1934, William Walmsley đã quyết định cắt đứt với Swallow Sidecar. Lyons liền chuyển hướng chú ý sang cải tiến kỹ thuật, đào tạo nhân công, xây dựng cơ sở hạ tầng để sản xuất toàn bộ thiết bị của xe mà không phải “đẻ nhờ” như trước. Đầu tiên, ông tới Harry Weslake, một trung tâm tư vấn gồm nhiều chuyên gia thiết kế lốc máy. Sau đó, Lyons thành lập văn phòng kỹ sư và bổ nhiệm nhân viên trẻ, William Heynes làm trưởng phòng. Heynes là người đóng vai trò quan trọng trong Jaguar suốt 35 năm sau đó.
 
Không còn biểu tượng linh vật, Jaguar thay bằng logo hình mặt báo. Ảnh: Seriouswheels
 
Năm 1935, lần đầu tiên cụm từ "Jaguar" được nhắc tới trên mẫu xe mà William Heynes phát triển. Các kỹ sư cố gắng nâng công suất chiếc động cơ từ 75 lên 105 mã lực trong khi Lyons tập trung thiết kế vỏ xe sao cho thật ấn tượng, khác biệt hoàn toàn so với các mẫu trước đó. Ban đầu, Sawllow Sidecar định đánh số sau chữ SS nhưng văn phòng quảng cáo để nghị thêm từ "Jaguar".
 
Jaguar là tên gọi loài báo đốm nổi tiếng châu Mỹ, biểu tượng của sức mạnh và quyền lực trong văn hóa các nước Nam Mỹ. Người dân ở đây tin rằng, Jaguar là điểm nối giữa sự sống và cái chết. Jaguar sinh ra để bảo vệ các hoàng đế. Dù Lyons không thực sự thích nhưng cuối cùng, cái tên "Jaguar" vẫn được thông qua.
 
Ngay sau khi ra mắt tại khách sạn Mayfair, London, SS Jaguar nhận hàng loạt đơn đặt hàng bởi nó có giá chỉ bằng một phần tư Bentley dù không hề thua kém về chất lượng.
 
Hoạt động kinh doanh của Sawllow Sidecar đang diễn ra suôn sẻ thì chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra. Như tất cả các nhà máy khác của Anh, Sawllow Sidecar được lệnh tập trung cho chiến tranh và quay trở về sản xuất dòng xe sidecar.
 
Khi thế chiến kết thúc, việc đầu tiên mà Lyons quyết định là đổi tên Sawllow Sidecar (thường được viết tắt thành SS trên mũi các mẫu xe) thành Jaguar. Lý do đơn giản bởi từ SS trùng với tên gọi của lực lượng SS của Đức quốc xã trong thế chiến thứ 2.
 
Sau khi đổi tên thành Jaguar, 11 năm sau, Lyons mới chính thức đưa biểu tượng chú báo đốm Bắc Mỹ đang vồ mồi lên chiếc Jaguar Mark VIII 1956. Biểu tượng đó đã đi theo Jaguar 30 năm sau và là hình mẫu để các kỹ sư thiết kế theo đúng vóc dáng mạnh mẽ, tràn trề nhựa sống và hoang dã của loài vật được mệnh danh là chúa tể rừng xanh.


Theo TGOT

buiyen