Liên doanh ôtô thắng lớn trong 2009

Admin
Kết thúc 2009, Toyota Việt Nam bán ra hơn 30.000 xe, một kỷ lục chưa từng có của liên doanh ôtô Nhật Bản và cũng là điều ít người nghĩ tới.

Tổng lượng xe mà Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) tiêu thụ trong tháng cuối cùng của 2009 là 15.000, nâng thành tích cả năm đạt gần 120.000 chiếc, tăng 7% so với 2008. Tuy mức tăng không thực cao nhưng là bất ngờ bởi cuối năm ngoái, không ai dám dự báo thị trường sẽ như vậy.

Trên thực thế, 3 tháng đầu năm là thời điểm rất khó khăn với các thành viên VAMA. Do tác động của khủng hoảng và thắt chặt cho vay tiêu dùng từ ngân hàng, doanh số xe ở mức thấp và chỉ bằng khoảng 60% so với cùng kỳ 2008. Bên cạnh đó, dòng xe 7 chỗ ăn khách và đóng vai trò chủ lực của nhiều liên doanh như Innova, Captiva, Everest bị dồn vào chân tường khi giá tăng trên 12% do tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt, có hiệu lực từ 1/4/2009.

Biểu đồ doanh số của VAMA năm 2008-2009. Bắt đầu từ tháng 6, doanh số xe của 2009 tăng nhờ chính sách giảm 50% thuế VAT và phí trước bạ có hiệu lực từ tháng 5. Từ đó, lượng xe VAMA tiêu thụ tăng lên kỷ lục 15.000 vào tháng 12/2005. Nguồn số liệu: VAMA.
Biểu đồ doanh số của VAMA năm 2008-2009. Bắt đầu từ tháng 6, doanh số xe của 2009 tăng nhờ chính sách giảm 50% thuế VAT và phí trước bạ có hiệu lực từ tháng 5. Từ đó, lượng xe VAMA tiêu thụ tăng lên kỷ lục 15.000 vào tháng 12/2005. Nguồn số liệu: VAMA.

Hình ảnh tiêu biểu cho giai đoạn ế ẩm đó là cứ mỗi đầu tháng, Vidamco lại ra một thông báo giảm giá các loại xe bán chậm để kích cầu. Toyota Việt Nam khi giới thiệu Fortuner hồi tháng 2 cũng khiêm tốn đưa ra mục tiêu 150 xe mỗi tháng.

Thế nhưng cái phao kích cầu, giảm 50% thuế VAT và phí trước bạ, do chính phủ tung ra hồi tháng 5 đã cứu cả VAMA. Doanh số bắt đầu tăng, mà đặc biệt là dòng xe sedan 5 chỗ, vốn được giảm giá chút ít do thuế tiêu thụ đặc biệt mới. Người tiêu dùng nhận ra đây là cơ hội hiếm có để sở hữu xe nên đổ xô vào loại này.

Toyota là cái tên được nhắm đến đầu tiên, nhờ yếu tố thương hiệu và giá bán lại cao. Vì thế, ngay từ tháng 6, các loại xe như Altis, Vios của nhà sản xuất này bắt đầu không chịu nổi nhu cầu của khách hàng. Lượng tiêu thụ Altis tăng theo cấp số và đến tháng 7, đạt 720 xe, gấp 6 lần doanh số trung bình 3 tháng đầu năm.

Đến hết năm, Altis vươn lên đỉnh cao 6.500 xe, gấp gần 3 lần năm 2008. Vios cũng chẳng kém cạnh với 5.100 chiếc, tăng 65%.

Trái ngược với dòng 5 chỗ, Innova có một năm thất bát khi chỉ dừng lại ở 8.500 chiếc, giảm hơn 40% so với 2008. Điều này là dễ hiểu bởi giá Innova tăng lên khoảng 12%. Nhưng bù lại, hãng xe Nhật có thêm con bài Fortuner với lượng bán tổng cộng 5.900 chiếc. Do đó, lượng xe đa dụng SUV/MPV vẫn cao hơn sedan chút ít.

Tổng cộng, Toyota chạm đích 30.000 xe, tăng 23% và là mức cao nhất kể từ khi có mặt tại Việt Nam.

Toyota Altis, mẫu xe
Toyota Altis, mẫu xe "đại thành công" năm 2009. Ảnh: T.N.

Cùng chung vui với Toyota có Vidamco. Đang từ thế phải hạ giá từng ngày, liên doanh ôtô Hàn Quốc bỗng đổi ngôi thành "thượng đế" trong tương quan với khách hàng. Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt mới cùng hỗ trợ của chính phủ giúp hồi sinh chiếc Lacetti cũ kỹ, tưởng chừng sẽ phải nhanh chóng chuyển sang thế hệ mới. Chiếc sedan này kết thúc 2009 bằng 3.300 xe. Trong khi cả năm 2008 chỉ có 1.500 chiếc được tiêu thụ.

Cơ cấu doanh số của Vidamco cũng biến đổi mạnh như Toyota. Dòng sedan thì tăng gấp đôi lên 11.000 chiếc, trong khi đa dụng SUV/MPV như Vivant, Captiva giảm một nửa, xuống 2.400. Nhưng tính chung hãng này vẫn tăng 27%, lên 14.000 xe.

Ford Việt Nam cũng có một năm thành công và được đánh giá là "cao tay" hơn các đồng nghiệp. Bởi giữa lúc khủng hoảng, nhà sản xuất này đã đi những nước cờ táo bạo. Tháng 7/2009, Everest được làm mới cả giá lẫn thiết kế ngoại thất. Quan trọng hơn, liên doanh Mỹ chuyển hết sang động cơ dầu, bỏ các phiên bản máy xăng. Kết quả, Everest duy trì doanh số 3.600 chiếc như 2008, không bị giảm nhiều như Captiva hay Innova.

Sau Everest, mẫu sedan Focus có vóc dáng và giá mới nên có doanh số vượt trên 1.000 xe, gấp đôi 2008. Biến Focus từ một sản phẩm yếu kém thành lựa chọn tốt của khách hàng có thể coi là thành công đáng kể của Ford. Nhà sản xuất Mỹ đã "sửa sai" bằng thiết kế hài hòa và tung ra khoảng giá hấp dẫn hơn, nhằm tiếp cận với nhiều khách hàng.

Trong các "gương mặt sáng", không thể không kể tới Mercedes Việt Nam. Liên doanh hạng sang Đức đang có một thời kỳ mỹ mãn nhất trong lịch sử khi doanh số cứ tăng đều. Với 3.400 xe bán ra thì 2009 cũng là năm tốt nhất của Mercedes. Hàng loạt sản phẩm C-class mới, GLK, E-class mới được lắp ráp ở Việt Nam vào loại nhanh nhất thế giới. Vì thế, khách hàng thêm lựa chọn và dành nhiều cảm hứng hơn với hãng xe hạng sang này.

Trong các liên doanh "cộm cán", chỉ có một mình Honda bị giảm doanh số. Với 4.200 chiếc giao tới tay khách hàng, Honda Việt Nam giảm tới 29% nếu đặt cạnh 2008, dù có thêm chiếc thể thao đa dụng CR-V.

Mẫu sedan Civic đã mất hết ưu thế khi chỉ dừng ở con số 3.100 xe, thấp hơn năm trước 47%. So với đối thủ Altis, Civic xuống thứ yếu do ra đời đã lâu (2006) và chưa có cải tiến nhiều trong những năm qua.

Tính tổng thể, Toyota dẫn đầu thị trường, tiếp đến là Trường Hải với 21.000 chiếc. Nhà sản xuất xe thương mại Vinamotors đứng thứ ba (15.000 chiếc). Vidamco đứng thứ tư (14.000) và Vinaxuki thứ năm (8.600).

Trọng Nghiệp

autovina