Với mức giá
khoảng 200 - 230 ngàn USD cho một chiếc đời 2006, cùng những tính năng vận hành
có thứ hạng trong hàng ngũ siêu xe hiện có tại Việt
Một thiết
kế không lẫn đâu được cùng gam màu vàng cam nổi bật, Lamborghini Gallardo luôn
hút hồn bất cứ ai nhìn thấy trên phố Việt Nam ngay cả với những người chẳng bao
giờ quan tâm ô tô - xe máy.
Lamborghini
Gallardo chính thức được giới thiệu từ năm 2003, nhưng thực tế, thiết kế này
lại được biết đến từ năm 1998, khi mà nhà thiết kế Luc Donckerwolke chính thức nhúng tay vào tại trung tâm thiết kế
của Lamborghini. Cũng như những dòng xe khác Lamborghini, ngoài yếu tố thẩm mỹ,
chiếc xe còn phải đảm bảo được hàng loạt các vấn đề về khí động học khi xe chạy
với vận tốc trên 300 km/h và những thiết kế hốc hút gió, thoát gió khi động cơ
phải vận hành liên tục ở những điều kiện khắc nghiệt. Bởi vậy nhìn tổng thể bên
ngoài xe, Gallardo không quá nhiều chi tiết, hầu hết là những mặt phẳng ghép
vào với nhau hợp lý và tinh tế, điểm nhấn quan trọng nằm ở những đường gân góc
cạnh, cho một cảm giác cứng cáp và chắc chắn.
Nếu lần đầu
được bước chân vào siêu xe chắc chắn bạn sẽ gặp không ít khó khăn, đôi khi phải
xoay sở cả chục giây mới có thể ngồi được vào khoang lái, còn với những cô nàng
“chân dài” thì có thể sẽ là một thách thức lớn, bởi chiều cao xe chỉ vẻn vẹn 1.165
mm. Với Gallardo, Lamborghini đưa vào 2 dòng khác sau là Coupe và Spyder, tuy
có cùng kích cỡ nhưng chắc chắn với thiết kế mở mui, Gallardo Spyder chắc chắn
sẽ cho những cảm giác thoải mái và dễ chịu hơn. Nhưng do mức giá dòng Spyder
chênh quá nhiều so với dòng Coupe, bởi vậy lựa chọn chiếc Gallardo Coupe vẫn
được ưu tiên hàng đầu.
Một điểm
nhấn quan trọng của Gallardo model 2006 so với model trước đó là phần mui che
động cơ phía sau được làm trong suốt thay vì làm cánh gió như trước, và đây
cũng là đặc điểm dễ nhận diện nhất. Nhưng một cách tốt nhất kiểm tra model
Gallardo vẫn là nhìn vào số khung xe, bởi với công nghệ “thay hình đổi dạng”
hiện đại bây giờ thì cũng thật khó mà khẳng định, đặc biệt là với những dòng
siêu xe, chênh lệch về giá giữa các đời có thể chênh nhau cả vài chục nghìn
USD.
Ở mức giá
trên 200.000 USD, chắc hẳn không ít người tưởng tượng trang bị trên xe sẽ xếp
vào loại hiện đại bậc nhất, nhưng quan điểm đó hoàn toàn sai. Ngoài một thiết
kế lạ mắt từ cách bố trí các hệ thống điều khiển, đến nút gạt thì mọi tiện nghi
trên xe cũng chỉ như những mẫu xe thông dụng, điển hình gồm có: hệ thống sưởi
ghế, 2 ghế đều điều khiển 4 hướng, hệ thống điều hòa tự động 2 vùng khí hậu,
dàn CD 6 đĩa tích hợp FM, MP3, cùng 4 loa quanh xe… Có lẽ những tiện nghi đó có
cao cấp hay bình thường thì cũng chẳng bao giờ ảnh hưởng đến quyết định của ai
đó có mua Gallardo hay không, mà thực sự cũng chẳng ai quan tâm đến. Điều mà
mọi người thường hay nhắc đến khi nói về Gallardo là tốc độ, là động cơ, là
thiết kế…
Và đây chính là điều chúng ta quan tâm…
Lamborghini
Gallardo coupe sử dụng động cơ V10 DOHC dung tích 5.0 lít, độ nghiêng 2 hàng
xy-lanh 90 độ. Cùng với hệ thống tăng áp điều khiển cánh, động cơ đạt công suất
cực đại 500 mã lực tại tốc độ động cơ 7.800 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 510
Nm tại 4.500 vòng/phút. Một ưu điểm lớn của động cơ là mô-men xoắn đạt 80% giá
trị cực đại ngay từ vòng quay động cơ 1.500 vòng/phút. Ưu điểm này sẽ giúp cho
chiếc xe có được khả năng linh hoạt tốt tại nhiều dải tốc độ khác nhau.
Để truyền toàn bộ sức mạnh từ động cơ xuống các bánh xe, Gallardo sử dụng hộp số tự động 6 cấp và hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian. Hộp số tự động 6 cấp được chia làm 3 chế độ chạy khác nhau và được kích hoạt qua các nút bấm tại vị trí giữa 2 hàng ghế. Chiếc xe sử dụng hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian với phân bổ lực cho cầu trước 30% và cầu sau 70%.
Xứng tầm hơn
với sức mạnh động cơ, Lamborgini Gallardo sử dụng bộ lốp của Pirelli Pzero, với
kích cỡ lốp trước 235/35 ZR19, lốp sau 295/30 ZR19 cùng cặp la-zăng 19 inch hầm
hố. Ẩn sau dàn la-zăng thoáng đãng chính là bộ phanh đĩa “khủng” của Brembo, để
đảm bảo độ an toàn tối đa khi phanh, đĩa trước có đường kính lên tới 365 mm
cùng 8 piston trợ lực phanh, phía sau đĩa phanh đường kính 335 mm và 4 piston
trợ lực. Ngoài ra, Gallardo cũng có đầy đủ những hệ thống an toàn tiêu chuẩn
như chống bó cứng phanh ABS, cân bằng điện tử ESP và túi khí an toàn cho 2 ghế
ngồi.
Bất tận sau vô lăng siêu xe Lamborghini Gallardo…
Bước vào
khoang lái, chúng tôi mất khoảng vài phút để định vị tất cả những vị trí điều
khiển cơ bản của Lamborghini Gallardo. Vặn chìa khóa khởi động xe, “chú bò” bắt
đầu gầm gừ như một con thú dũng mãnh đang trực vọt lên vồ mồi. Nhấp nhẹ chân ga
cho vòng quay động cơ lên xuống khoảng 4.000 - 6.000 vòng/phút, âm thanh phát
ra từ cặp pô kép thật cuốn hút, nếu chỉ cách chiếc xe vài mét, chắc hẳn không
ít người phải “inh tai nhức óc”.
Chọn một
đoạn đường rộng rãi, vắng vẻ, chúng tôi thử nghiệm khả năng gia tốc của siêu
xe. Đầu tiên chúng tôi chạy ở chế độ thông thường, kéo cần gạt (+) trên vô
lăng, hộp số tự động kích hoạt chế độ tự động thông thường. Đạp hết chân ga,
lúc này vòng quay động cơ vọt lên khoảng 6.000 vòng/phút, lốp sau trượt mạnh
trên mặt đường. Do gia tốc xe quá lớn nên lúc này, lái xe sẽ bị đẩy bật lại
phía sau và dính chặt vào ghế lái, nếu không quen có thể bạn sẽ bị bung tay
khỏi vô lăng. Thử nghiệm vài lần, Gallardo cho kết quả trung bình khoảng 4,3
giây có quá trình tăng tốc 0-100 km/h. Con số này lớn hơn 0,2 giây so với con
số mà Lamborghini đưa ra, nhưng với điều kiện mặt đường tại đây chưa thực sự
tiêu chuẩn thì cũng là hợp lý.
Điều khiển
Gallardo qua một số đường phố Hà Nội, siêu xe thực sự như một con thú bị nhốt
trong cũi, chỉ biết gầm gừ bất lực. Có lẽ Gallardo không được thiết kế để chạy
tại tốc độ 30-40 km/h, lúc này xe luôn phải dậm dựt tại vị trí số 1, nếu không
quen thì thật khó có thể điều khiển Gallardo êm ái được, đôi khi chỉ cần bất
ngờ đạp nhầm chân phanh thành chân ga, hậu quả có thể khiến bạn ân hận cả đời.
Một nhược điểm
nữa khi chiếc xe phải rẽ ngang rẽ dọc trong phố, chính là cột chữ A hơi lớn
cùng vị trí ngồi quá thấp khiến lái xe khó quan sát được 2 bên cũng như phía
trước xe.
Chạy xe tại
tốc độ 80-100 km/h, vô lăng Gallardo hơi nặng nhưng chính xác. Với bộ lốp mập
mạp cùng chiều cao gầm nhỏ, chúng tôi tự tin ôm cua tại tốc độ 100 km/h. Lúc
này chúng tôi mới thực sự cảm nhận được sự khác biệt giữa siêu xe với những mẫu
xe thể thao thông thường, xe bám đường và không bị văng mạnh. Ngắt hệ thống cân
bằng điện tử ESP cùng thực hiện cú trả lái nhanh, nhờ phân bổ mô-men 70% cho
cầu sau, Gallardo tạo được một cú trượt ngang, hay một pha drift đầy màu sắc
của âm thanh.
Với một
người đam mê xe cộ, ai mà chẳng có một quãng thời gian làm FAN của Lamborghini. Nhưng từ đam mê, đến sở hữu và
“thuần phục” còn là cả một quá trình dài. Đôi khi có tiền cũng không dám chơi
siêu xe? Ngoài những khó khăn khi điều khiển, sử dụng, thì bạn sẽ phải đối mặt
với hàng ngàn con mắt luôn đổ xô về phía mình mỗi khi xuất hiện trên phố!
Bảng thông số kỹ thuật:
Dài - Rộng - Cao (mm): 4.300 - 1.900 - 1.165
Chiều dài cơ sở (mm): 2.560
Khối lượng tịnh (kg): 1.569
Động cơ: V10 5.0L
Công suất cực đại (hp): 500 ở 7.800 vòng/phút
Mô-men xoắn cực đại (Nm): 510 ở 4.500 vòng/phút
Thời gian tăng tóc 0-100 km/h: 4,1 giây
Tốc độ cực đại (km/h): 310