'Khủng hoảng thừa' ôtô nhập khẩu

Admin
Đưa về quá nhiều hàng trong tháng 3 và 4 để tránh thuế, xe nhập khẩu đang trong giai đoạn thừa với những lô hàng gửi đầy trong bãi.

Giọng lo lắng, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu lớn tại TP HCM nói không ngớt về những khó khăn. Trong tháng 3 và tháng 4, công ty ông đã làm mọi cách đưa xe về tránh thuế, với số lượng lên vài trăm chiếc. Xe về nhiều, showroom không đủ chỗ nên ông phải huy động hết các địa điểm có thể nhằm chứa số hàng tồn kho nhiều nhất trong lịch sử công ty.

"Thuế suất 83% đã khiến doanh nghiệp tuy chưa chết nhưng ngắc ngoải, nếu thuế tiếp tục lên cao nữa cộng với các thông tin về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT thì coi như là tờ giấy khai tử cho một loạt doanh nghiệp vốn ít, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường", ông nói.

Những chiếc Hyundai nhập khẩu trước đại lý trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Quân.
Những chiếc Hyundai nhập khẩu trước đại lý trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội ngày 12/5.

Hiện doanh nghiệp còn khoảng 50 xe nhập về đúng thời điểm áp thuế 83% đang nằm trong kho chờ tiêu thụ. Số khác được hưởng thuế cũ thì bán túc tắc theo kiểu mỗi ngày một chiếc. Xe cộ rơi vào cảnh giống như bất động sản, bị người tiêu dùng quay lưng.

Gần như tất cả các doanh nghiệp đang gặp phải vấn đề về hàng tồn kho. Chủ một đại lý ở Đà Nẵng thừa nhận giờ đây khách hàng đang có quá nhiều lựa chọn mua xe nguyên chiếc. "Công ty nào cũng nhập về nhiều nên cạnh tranh nhau gay gắt. Khách hàng là người được lợi nhất", anh cho biết.

Số lượng xe hơi nhập khẩu trong 4 tháng 2008 lên tới kỷ lục 15.000 chiếc, cao hơn mức 13.000 xe của cả năm 2007. Vì cố gắng tránh thuế mới 70% (có hiệu lực 2/4) mà các nhà nhập khẩu đã "đồng lòng" đưa doanh số tháng 3 lên 6.000 chiếc. Tốc độ này đã khiến Bộ Tài chính lo ngại ảnh hưởng lớn tới nhập siêu, nhưng các doanh nghiệp "nhạy cảm" còn tiếp tục đưa về thêm 3.000 xe nữa trước khi Nhà nước kịp nâng thuế lên 83%. 

Hàng về nhiều mà chưa bán được nên các công ty phải mang đi gửi. Hình ảnh những chiếc xe mang biển tạm hải quan, capo vẫn còn gắn giấy bảo vệ trắng trở nên quen thuộc ở nhiều bãi trông giữ xe trong thành phố. Tại garage trên đường Thụy Khuê, Hà Nội, lần đầu tiên một số lượng lớn hơn chục chiếc xe từ Toyota Camry, Hyundai Santa Fe tới Suzuki Grand Vitara được đưa tới gửi cách đây vài ngày.

Hàng dài Hyundai Elantra nhập trong bãi xe Mỹ Đình.
Hàng dài Hyundai Elantra "mũi giấy trắng" trong bãi xe Mỹ Đình ngày 12/5.

Trước cửa đại lý Hyundai trên đường Phạm Văn Đồng cũng chứa đầy Veracruz và Santa Fe bám bụi. Thời thuế còn 60%, với tốc độ bán hàng gấp đôi dự kiến, rất ít khi đại lý phải xếp xe ra sân.

Trao đổi với VnExpress, ông Hà Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Hyundai Việt Nam cho biết đây là xe mà khách chưa nhận. Trong khi đó, do một số lô hàng cũ vẫn còn nên công ty tiếp tục bán Santa Fe và Veracruz với giá ở mức thuế 70%. "Tuy nhiên, lượng xe không còn nhiều và những khách hàng ký hợp đồng mới sẽ phải chịu giá ở thuế nhập khẩu 83%", ông Tuấn cho biết.

Cũng trên đường Phạm Văn Đồng, một dãy những chiếc Hyundai Santa Fe, Hyundai Getz, hai mẫu được nhập nhiều nhất trong 4 tháng 2008, nằm hứng bụi dưới gầm cầu vượt nối đường Phạm Hùng.

Hình ảnh rõ nhất cho "cuộc khủng hoảng" là hàng chục chiếc Hyundai Elantra nằm nối đuôi nhau trong bãi gửi xe sân vận động Mỹ Đình. Tất cả vẫn còn mang biển tạm, mũi dán giấy bảo vệ trắng xóa.

Tại TP HCM, các showroom ôtô nhập khẩu xếp xe tràn cả ra đường. Theo đánh giá chung, giao dịch của những mẫu hạng sang cao cấp như Mercedes, BMW, Audi hay Lexus không biến động nhiều. Dẫu vậy, do lượng xe về nhiều nên không ít nhà nhập khẩu phải tung chiêu khuyến khích khách hàng.

Xe nhập nằm hứng bụi dưới chân cầu vượt.
Xe nhập nằm hứng bụi dưới chân cầu vượt.

Ngày 7/5, Euro Auto, nhà phân phối BMW tại Việt Nam ra thông báo giữ nguyên giá ở thuế 70% cho những xe đang có trong kho. Đây được coi là giải pháp kích cầu, bởi người tiêu dùng bắt đầu e dè với khoản tiền gia tăng do ảnh hưởng của thuế.

Nếu xe hạng sang bị ảnh hưởng chủ yếu do cung vượt cầu thì những mẫu xe có sản phẩm tương tự sản xuất trong nước, như Toyota Camry bị tác động kép. Không chỉ giải bài toán thừa xe, các nhà nhập khẩu còn lo giá xe không còn lợi thế như trước.

Khi thuế nhập khẩu ở mức 60%, hai mẫu xe này được lợi về giá so Toyota Camry lắp ráp trong nước. Thế nhưng khi điều chỉnh lên 83%, giá mỗi chiếc bị đội lên khoảng 14%. Chẳng hạn một chiếc Honda Accord giá 60.000 USD hồi tháng 2 thì nay tăng thành 69.000 USD. Với số tiền đó, khách hàng có thừa khả năng mua Toyota Camry 3.5Q hoặc Mercedes C-class mới lắp ráp trong nước.

Nếu như tại thời điểm tháng 3 và 4, bình quân mỗi tuần một doanh nghiệp lớn ở TP HCM bán được khoảng 15-30 xe thì hiện tại con số này giảm một nửa, thậm chí có tuần, chỉ bán được 1 đến 2 chiếc.

"Nếu tính theo thuế thì giá mỗi chiếc xe bị đội lên khoảng 3.000-5.000, tuy nhiên chúng tôi chỉ điều chỉnh khoảng 2.000 vậy mà vẫn vắng khách. Nguyên nhân xuất phát từ việc lãi suất ngân hàng cao, hạn chế vay tiêu dùng và người dân không còn mặn mà với ôtô", vị giám đốc phân trần.

Trọng Nghiệp - Hồng Anh

Ảnh: Ngọc Quân

autovina