“Kẻ giấu mặt” thao túng nền công nghiệp ôtô Mỹ

Svetlauz
“Tam Đại gia” GM, Chrysler và Ford từ lâu là những tập đoàn thao túng nền công nghiệp xe hơi Hoa Kỳ. Nhưng điều này đã thực sự thay đổi dưới thời chính quyền Obama.
Nếu như mọi năm, Triển lãm ôtô Detroit thường trình làng bằng màn ra mắt đình đám các mẫu xe mới bao quanh bởi những người mẫu sexy và được tuyên bố khai mạc bởi một trong ba giám đốc điều hành của Tam Đại gia thì năm nay, mọi sự đã thay đổi.
Năm nay, Triển lãm ôtô Quốc tế Bắc Mỹ NAIAS, được tuyên bố khai mạc bởi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Ray LaHood. Và thay vì giới thiệu một mẫu xe mới, ông LaHood đã tuyên dương nỗ lực ban đầu của các nhà sản xuất trong việc đáp ứng tiêu chuẩn tiết kiệm mới và chặt chẽ hơn—35,5 dặm trên gallon cho các thế hệ xe tính đến 2016.
 
Đầu não của công nghiệp ôtô Mỹ (hay còn gọi là Detroit hay Motor City) không còn nằm ở ghế lái nữa mà giờ đây là quan chức chính phủ. Thực vậy, vô số đại diện chính quyền và nghị viện đã vắng mặt trong các triển lãm NAISA trước đây. Nhưng năm nay thì khác hẳn. 2010 là một trong những năm đón đông đảo các vị đại biểu quan trọng nhất. Bên cạnh ông LaHood, còn có Bộ trưởng Lao động Hilda Solis, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, và Ed Montgomery, Giám đốc Hội Cộng đồng và Công nhân ngành ôtô Nhà Trắng. Những nhân vật này có mặt để xem những gì Detroit đã đề xuất—và chứng minh với người dân khoản cứu trợ 81 tỉ $ của chính phủ vào ngành xe hơi là đúng.
 
 
Dấu ấn lớn nhất của cuộc triển lãm năm nay là sự lên ngôi và áp đảo của những chiếc xe “xanh”, thân thiện với môi trường. Đây rõ ràng là một xu hướng đang thắng thế. Nhưng xu hướng này không phải là tự phát mà nó xuất phát từ yêu cầu của chính phủ. Khi đến triển lãm, bạn sẽ thấy khắp nơi xuất hiện clip quảng cáo và poster mang tên "Trải nghiệm môi sinh”, miêu tả những thác nước trùng điệp nằm giữa một rừng cây xanh mướt tràn đầy sức sống. Ngay sau khi mẫu xe hybrid Fusion của Ford được vinh danh là Chiếc xe của Năm do tạp chí Motor Trend, Bill Ford cam kết rằng hãng xe của ông sẽ trở thành nhà sản xuất xe tiết kiệm nhiên liệu dẫn đầu trên mọi thị trường. Trong khi đó, Toyota cũng rầm rộ công bố mẫu hybrid Prius thế hệ kế tiếp, và GM đình đám trình làng series xe chạy điện Volt.
 
JohnWolkonowicz, nhà phân tích ôtô của tổ chức IHS Global Insight nói: “Các nhà chế tạo ô tô trong nước phải quan tâm những gì chính phủ muốn, và chính phủ cũng phải biết rõ họ muốn gì”. Gerald C. Meyers, một giáo sư ĐH Michigan nói thêm: “Điều nay chính là một điểm nhấn nữa của triển lãm”. Ông nói đang có sự ảnh hưởng gián tiếp từ phía chính phủ lẫn quốc hội đối với các nhà thiết kế và kỹ sư ôtô tạo ra những chiếc xe thân thiện với môi trường. Ông nói: "Các giám sát viên đến nói chuyện với các công ty, và công ty đáp lại yêu cầu của họ”. Và có một phe trong Quốc hội tin rằng vì hai trong số ba công ty Tam Đại gia thuộc sở hữu của người đóng thuế nên họ cần phải hành xử sao cho có lợi nhất cho môi trường.
 
John German, Giám đốc Chương trình Hiệp hội Giao thông Sạch Quốc tế, cho rằng, vì xe môi trường sẽ ngày càng đắt hơn, thị trường của chúng ngày càng hẹp lại—ít nhất là 10 năm tới. Việc sản xuất xe điện và xe hybrid rõ ràng chịu tác động ngày một lớn từ chính phủ thay vì nhu cầu của thị trường. Chuyên gia xe hơi Mike Omotoso cho rằng, nếu chi phí sản xuất những loại xe này vẫn cao hơn các đối thủ chạy xăng hay dầu và giá nhiên liệu vẫn duy trì ở mức khá thấp thì sẽ còn rất lâu nữa chúng mới thành công. Ông này dự đoán, trên thực tế, ban đầu, khách hàng lớn nhất sẽ là công chức và công ty nhà nước. Vậy là chính phủ sẽ mua những chiếc xe mà họ gián tiếp hay trực tiếp trả tiền để sản xuất.
 
Sue Cischke, Phó Chủ tích phụ trách mảng phát triển bền vững, môi trường và kỹ thuật an toàn của Ford, nói rằng sẽ mất thời gian cho việc hạ chi phí xe sạch để có giá thành hấp dẫn người tiêu dùng. Nhưng bà nói thêm, giá nhiên liệu rồi sẽ tăng trở lại khiến cho người dân đổ xô mua những chiếc xe “xanh”. Khi điều đó diễn ra, các nhà chế tạo ôtô sẽ sẵn sàng, và chính phủ sẽ cổ vũ cho họ.
 
 
 
Theo LĐ/MSNBC, Time, Newsweek
buiyen