Guinness từ chối kỷ lục 490 km/h của Bugatti Chiron

Admin
Guinness chỉ ghi nhận tốc độ của một chiếc xe khi nó chạy 2 vòng ngược chiều nhau trong khi Chiron chỉ thực hiện một vòng thử nghiệm.

Đầu tuần này, Bugatti công bố họ đã vượt qua “cột mốc thần thánh” 300 dặm/giờ (482,8 km/h) trên một chiếc xe thương mại. Đây là lần đầu tiên một nhà sản xuất ôtô làm được điều này trên một chiếc xe được phép đi trên phố.

Bản tinh chỉnh của siêu xe Chiron - với Andy Wallace ngồi sau tay lại - đã đạt tốc độ 304,77 dặm/giờ (490,4 km/h) trong bài đua thử tại Đức hôm 2/8, vượt kỷ lục cũ đến 27 dặm (43 km).

Chưa hoàn thành điều kiện thử nghiệm
Trong khi TUV (Hiệp hội Kiểm tra Kỹ thuật của Đức) đã chấp nhận kỷ lục này, sự chính thống của nó vẫn bị nghi ngờ. Đó là bởi vì sách Kỷ lục Guinness Thế giới từ chối ghi nhận thông số của Bugatti. Tất cả đến từ một chi tiết kỹ thuật.

Stephan Winkelmann, Chủ tịch Bugatti, mô tả cột mốc 300 dặm/giờ là một “mốc son mới trong ngành công nghiệp ôtô”. Tuy nhiên, nó có thể không bao giờ được Guinness ghi nhận.

Bugatti Chiron lập kỷ lục tốc độ nhưng không được Guinness ghi nhận. Ảnh: Bugatti.

Sách Kỷ lục Guinness quy định rõ tốc độ trên mặt đất của chiếc xe chỉ được ghi nhận nếu nó chạy 2 lần trên cùng một cung đường theo 2 hướng ngược nhau trong vòng một giờ. Guinness sau đó sẽ lấy tốc độ cao nhất của 2 lần chạy, chia trung bình làm con số cuối cùng.

Vấn đề của Bugatti là tốc độ 490 km/h trên Chiron chỉ đạt được khi chạy một hướng.

Bugatti cho biết họ không thực hiện cuộc chạy theo hướng ngược lại vì lo ngại an toàn. Hàng tá các phương tiện khác chạy qua lại trên đường đua để theo dõi kỷ lục của Chiron đã khiến đường đua gặp vấn đề.

Họ cho biết, nếu họ chạy ngược lại trong điều kiện mặt đường đua không đủ mịn có thể khiến lốp xe bị quá nhiệt.

Với rất ít các đường chạy đạt yêu cầu thử nghiệm - chẳng hạn phải có điểm cong nghiêng ở cuối đường - thương hiệu siêu xe hàng đầu thế giới nói rằng họ gặp nhiều khó khăn trong việc thử nghiệm.

Andy Wallace là người lái chiếc Bugatti Chiron đạt tốc độ 490 km/h.


Điều này đồng nghĩa Koenigsegg Agera RS vẫn được Guinness ghi nhận là giữ kỷ lục tốc độ 447 km/h, thiết lập năm 2017.

Từ đây, tính xác thực của các kỷ lục tốc độ cũng bị đặt câu hỏi. Theo các chuyên gia, vị trí thực hiện thử nghiệm có thể ảnh hưởng lớn đến tốc độ của chiếc xe.

Chẳng hạn, Koenigsegg Agera RS đạt tốc độ 447 km/h tại Nevada ở độ cao lớn hơn, đồng nghĩa không khí mỏng hơn, tạo ra ít lực cản hơn.

Đường đua thử nghiệm dài 20,9 km của Volkswagen cao 50 m so với mực nước biển. Theo tính toán về mặt lý thuyết, Bugatti Chiron có thể đi nhanh hơn 24,9 km nếu thử nghiệm của họ diễn ra ở Nevada, tương đương tốc độ 514 km/h.

Chiếc Chiron đem thử nghiệm không phải xe thương mại?
Ngoài việc không đạt đủ lần chạy, nhiều người cũng đặt câu hỏi về việc chiếc Chiron đem thử nghiệm có phải bản thương mại không.

Chiếc xe đã tinh chỉnh này vẫn dùng động cơ W16 quad-turbo 8.0 với công suất 1.578 mã lực và hộp số ly hợp kép 7 cấp, dẫn động 4 bánh nhưng tính khí động học của nó đã được cải tiến khá nhiều.

Cabin và cánh gió sau của xe đã bị lược bỏ để giảm bớt trọng lượng xe.

Chẳng hạn, thân xe bằng sợi carbon đã được kéo dài thêm 25 cm, họ cũng dùng công nghệ hỗ trợ kiểm soát độ cao xe bằng laser để cho phép chiếc xe chạy càng thấp so với mặt đường càng tốt.

Hệ thống xả của xe cũng là hàng thửa trong khi cánh gió sau và cabin đã bị loại bỏ.

Tuy nhiên, người ta tin rằng Bugatti sẽ phát hành một phiên bản Chiron đuôi dài với tất cả tinh chỉnh này trong thời gian tới. Model này, tất nhiên, sẽ được bán với số lượng hạn chế, bên cạnh bản tiêu chuẩn. Mức giá của nó chắc cũng sẽ cao hơn nhiều so với 2,5 triệu USD của Chiron tiêu chuẩn.

Nguồn: T.T.T.T