Hiện nay, thuế TTĐB đang được căn cứ vào số chỗ ngồi : dưới 5 chỗ chịu thuế suất 50%, từ 6-15 chỗ là 30% và từ 16-24 chỗ là 15%.
Thuế TTĐB với xe từ 5 chỗ trở xuống giảm từ 50% xuống 45%. |
Lý giải việc giữ nguyên quy định đánh thuế theo dung tích xi lanh và mức thuế suất 50% với ôtô có dung tích xi lanh từ 2.000 – 3.000 cm3 và 60% với ôtô có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3, Ủy ban TVQH cho rằng, việc phân biệt xe ô tô có phân khối nhỏ chịu mức thuế suất thấp hơn xe ô tô có phân khối lớn nhằm bảo đảm tính công bằng đối với người tiêu dùng, khuyến khích tiết kiệm nhiên liệu trong tình hình khó khăn về năng lượng như hiện nay. Nếu giữ cách phân loại xe như Luật hiện hành thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng xe phân khối nhỏ chịu mức thuế suất cao còn xe phân khối lớn lại hưởng mức thuế suất thấp. Trong khi đó, trên thực tế, đối tượng sử dụng xe ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống có phân khối nhỏ là bộ phận dân cư có thu nhập thấp hơn đối tượng sử dụng xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có phân khối lớn.
Bên cạnh đó, để định hướng tiêu dùng đối với loại xe phân khối nhỏ, mức thuế suất được giảm từ 50% (mức hiện hành) xuống còn 45% đối với loại xe 5 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh 2000 cm3 trở xuống. Nếu tiếp tục giảm thuế suất thuế TTĐB đối với cả dòng xe phân khối lớn sẽ dẫn đến giảm thu NSNN.
Ngoài ra, việc điều chỉnh thuế suất theo hướng tăng thuế suất đối với dòng xe phân khối lớn cũng không gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) năm 2007 thì loại xe chịu mức thuế suất tăng so với mức hiện hành là loại xe có dung tích trên 2000 cm3 đến 3000 cm3 và loại xe trên 3.000 cm3 nhưng trong đó loại trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 chỉ chiếm khoảng 19% số xe chịu thuế TTĐB; loại trên 3.000 cm3 lại chủ yếu là xe nhập khẩu, xe trong nước sản xuất chiếm chưa đến 1% số xe thuộc diện chịu thuế TTĐB.
Cũng theo quy định của Luật thuế TTĐB sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, xe ôtô chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ có mức thuế suất 30%. Xe ôtô chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ và ôtô vừa chở người, vừa chở hàng dưới 24 chỗ cùng chịu có mức thuế suất là 15%.
Xe ôtô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện thuế suất chỉ bằng 70% mức thuế suất xe cùng loại, thuế suất ôtô chạy bằng năng lượng sinh học chỉ bằng 50% mức thuế suất xe cùng loại.
Mặc dù dự thảo tại phiên khai mạc Quốc hội đề nghị bổ sung quy định:“Đối với mặt hàng ô tô, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho phép trước khi quyết định mức thuế suất cụ thể trong phạm vi tăng hoặc giảm thuế suất tối đa không quá 20% và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất” nhưng đa số ý kiến đề nghị việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB do Quốc hội quyết định nên quy định này đã được bỏ trước khi Luật được biểu quyết thông qua.
Với các mặt hàng khác, thuế suất thuế TTĐB cũng được điều chỉnh, bổ sung: xe máy phân khối lớn (trên 125 cm3) là 20%, tàu bay và du thuyền 30%.
Mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên, thuế suất sẽ giảm từ 50% xuống còn 45% trong 3 năm đầu, cụ thể là: 45% từ 2010 đến 2012; từ 2013 trở đi là 50%; với rượu dưới 20 độ tăng áp dụng mức thuế suất 25%.
Luật cũng không còn phân biệt bia hơi, bia tươi với bia lon, bia chai mà quy định mức thuế suất chung đối với bia là 45% từ 2010 đến hết 2012; từ 2013 trở đi là 50%...