(Autovina) - Nhân kỷ niệm 20 năm chiến thắng của chiếc F1 GTR tại giải Le Mans 24h đầy khắc nghiệt, Autovina xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu lịch sử hào hùng của McLaren và chiếc siêu xe huyền thoại F1.
Không có một người yêu xe nào trên Thế giới từ 20 tuổi trở lên lại không từng có một phần ngưỡng mộ - hay chí ít là biết đến cái tên McLaren F1. Vào thời điểm F1 ra mắt, không còn nghi ngờ gì nữa, nó là chiếc xe tuyệt vời nhất mà Thế giới từng được chứng kiến. Nó nhanh hơn và hiện đại hơn tất cả những mẫu xe đã ra đời trước đó, và lập ra những kỷ lục vẫn chưa bị phá cho đến tận ngày nay. McLaren F1 đã được phát triển để tưởng nhớ tới tay đua Bruce McLaren và những di sản mà ông để lại – và đây là một cái cớ hợp lý để sản xuất ra một chiếc siêu xe hoàn hảo nhất có thể. Mặc dù vậy, khi thiết kế chiếc xe, có lẽ Ron Dennis và Gordon Murray không thể ngờ rằng dự án này sẽ có tầm phát triển và ảnh hưởng to lớn tới nhường nào, cả trên đường phố lẫn đường đua. Năm 1995, những chiếc McLaren F1 GTR đã giành chiến thắng toàn diện ở giải đua Le Mans 24h – một trong những thành tích danh giá nhất mà một chiếc xe có thể có được. Có thể nói không ngoa rằng, McLaren đã thống trị các giải đua vào năm 1995.
Lịch sử hào hùng của McLaren được bắt đầu từ những năm đầu thập niên 1950, khi cậu bé Bruce McLaren 13 tuổi đã thuyết phục người cha của mình không vứt chiếc Austin Ulster đời 1929 mà cậu đang phục chế dang dở đi. Thay vào đó, cậu đã biến nó thành một chiếc xe đua, ngồi sau tay lái và lập nên những kỷ lục chỉ trong 2 năm. Bruce McLaren đã đạt kỷ lục về thời gian hoàn thành cuộc đua leo đồi Muriwai Beach Hill Climb ở phân hạng 750cc khi chỉ mới 15 tuổi. Với những bước “nhảy cóc” liên tục, sự nghiệp đua xe của Bruce McLaren ngày càng rộng mở. Năm 1959, Jack Brabham đã mời Bruce đua cùng với anh dưới màu áo của đội F1 nhà máy Cooper. Bruce đã về nhất ở giải Grand Prix Mỹ 1959 khi chỉ mới 22 tuổi, trở thành người trẻ nhất từng vô địch một Grand Prix – kỷ lục không bị phá cho đến mãi 40 năm sau. Rõ ràng rằng kỹ năng lái của Bruce là một tài năng thiên bẩm, tuy nhiên anh không chỉ biết “vần vô lăng”, mà còn có tố chất của một kỹ sư và nhà thiết kế trong người. Năm 1965, Bruce rời khỏi Cooper và tự lập cho mình một đội đua riêng.
Năm 1968, Bruce giành được chiến thắng thứ 4 trong sự nghiệp thi đấu chính thức của mình, lần này là tại Spa. Đây đồng thời là chiến thắng đầu tiên của đội đua McLaren, tuy nhiên quan trọng hơn, chiến thắng này đã giúp tên tuổi của Bruce mãi mãi khắc ghi vào lịch sử với danh nghĩa là một trong 2 tay đua duy nhất từng giành chiến thắng tại một chặng Grand Prix F1 trên chiếc xe mang tên mình. Những tạo phẩm của Bruce McLaren tiếp tục chiến thắng tại các giải đua sau đó. Vào giữa thập niên 60, McLaren chính thức tham gia vào giải Can-Am. Năm 1967, những chiếc xe của anh thắng 5/6 cuộc đua và năm 1968 là 4/6 cuộc. Tuy nhiên, thành tích rực rỡ nhất của McLaren đã được tại giải Can-Am là vào năm 1969. Ở cả mùa giải với 11 chặng đua, những chiếc xe McLaren về nhất ở từng chặng đua một; trong đó có 2 chặng McLaren chiếm được cả 3 vị trí cao nhất, với sự điều khiển của Bruce cùng với 2 tay đua khác là Denny Hulme và Mark Donohue. “Thừa thắng xông lên”, Bruce cùng với lái phụ Chris Amon đã điều khiển chiếc Ford GT40 MkII tới chiến thắng chung cuộc đầu tiên trong lịch sử giải Le Mans 24h danh giá.
Chuỗi thành công của Bruce đã kết thúc một cách thảm khốc vào năm 1970, khi anh đang thử nghiệm mẫu xe đua Can-Am mới nhất, McLaren M8D. Khi đang ở tốc độ cao tại đường đua Goodwood, vỏ sau của chiếc M8D đã bị bung ra, gây nên sự rối loạn khí động học và đưa chiếc xe cùng Bruce bay lên bục vẫy cờ, cướp đi sinh mạng của anh. Xét về mọi mặt, đây là một tai nạn đau lòng, nhưng Trái Đất vẫn tiếp tục quay. Những gì mà Bruce để lại vẫn tiếp tục phát triển, và McLaren dần đi lên đỉnh cao, trở thành một trong những tên tuổi nổi tiếng nhất trong lịch sử bộ môn đua xe. Sau cái chết của Bruce, Denny Hulme tiếp tục cầm lái chiếc M8D và giành chiến thắng 9/10 chặng tại giải Can-Am 1970. Những chiếc xe McLaren tiếp tục chiến thắng tại giải Indy 500 vào các năm 1972, 1974 và 1976. Năm 1974, McLaren giành được danh hiệu dành cho nhà sản xuất tại giải F1 và quan trọng, trên một chiếc McLaren, tay đua James Hunt đã vô địch Formula One năm 1976. Những di sản của Bruce McLaren vẫn tiếp tục sống mãi với thời gian. Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều tay đua huyền thoại và kiệt xuất đã từng nằm “dưới trướng” của đội đua McLaren, bao gồm Niki Lauda, Alain Prost, Ayrton Senna, Mika Hakkinen, Kimi Raikkonen và Lewis Hamilton.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1989, McLaren mới bắt đầu rời khỏi đường đua và lần đầu tiên tiến chân vào thị trường xe dân dụng. Vào năm này, chi nhánh McLaren Cars được thành lập, dựa trên những công nghệ và tầm ảnh hưởng mà đội đua công thức 1 McLaren Racing có được. 3 năm sau, McLaren Cars công bố chiếc xe đầu tiên của họ: McLaren F1.
Kỹ sư trưởng đứng đằng sau F1 là Gordon Murray, người đã thiết kế những chiếc xe đua Brabham vô địch công thức 1 vào các năm 1981 và 1983. Mục tiêu của dự án mà ông trình lên Ron Dennis – CEO của tập đoàn McLaren đó là “tạo ra một chiếc xe dân dụng hoàn hảo”, xoay quanh yếu tố chính: tỉ lệ công suất/trọng lượng. Chiếc McLaren F1 được thiết kế bởi Murray có vị trí ghế lái nằm ở chính giữa và sử dụng một khoang bằng sợi carbon nguyên khối làm nền tảng; chính vì vậy, F1 là mẫu xe dân dụng đầu tiên được sản xuất theo phương pháp này. Những bộ phận bằng nhựa gia cường sợi carbon khiến cấu trúc và sức chịu lực của chassis được tăng lên, trong khi nhôm và magie được sử dụng để tạo nên các cấu trúc lắp động cơ và hệ thống treo. McLaren F1 là sự tổng hợp của các thành phần công nghệ cao, composite và hợp kim. Từ sợi carbon làm nền tảng cho chassis, tới khoang động cơ được dát vàng để cách nhiệt cho các bộ phận nhạy cảm, và ngay cả các chi tiết siêu nhẹ làm từ magie, McLaren hoàn toàn không tiếc tay sử dụng các loại vật liệu đắt tiền này nhằm tạo ra một chiếc xe nhẹ nhất, hiệu quả nhất và hiện đại nhất có thể.
Ngay cả cách bố trí các chi tiết trên McLaren F1 cũng được nghiên cứu kỹ càng để nâng cao tính năng vận hành. Vị trí ghế lái nằm ở chính giữa, chếch xuống dưới một chút là ghế ngồi dành cho hai hành khách đặt đối xứng hai bên khiến cho trọng lượng được phân bổ đều theo chiều dài xe. Từ phía trước ra phía sau, chiếc xe đạt được tỉ lệ phân phối trọng lượng tương ứng 42/58%. Ngay cả bình nhiên liệu nằm sau người lái cũng được đặt ở chính giữa xe, và mức nhiên liệu trong bình cũng chỉ ảnh hưởng đúng 1% tỉ lệ phân phối trọng lượng của xe. Đằng sau bình nhiên liệu là khối động cơ bất tử của F1. Khi dự án F1 vẫn còn đang trong thời kỳ đầu, McLaren đang hợp tác với Honda, và thành công của họ trên đường đua công thức 1 có thể dẫn đến mọt suy luận logic rằng chiếc xe mới của McLaren sẽ được lắp động cơ của Honda. Murray đã tiếp cận các kỹ sư tại Honda với một mục tiêu cực kỳ cụ thể: tạo ra một cỗ máy nạp khí tự nhiên với công suất 550 mã lực, trọng lượng không vượt quá 250 kg và chiều dài thân máy 600 mm. Thật ngạc nhiên, Honda đã từ chối yêu cầu của Murray. Sau đó, Isuzu có chào mời McLaren sử dụng động cơ V12 3.5l, được phát triển cho những mẫu xe công thức 1 tương lai của họ. Tuy nhiên, các kỹ sư thuộc dự án F1 đã khước từ lời đề nghị này, do muốn sử dụng “một động cơ có thiết kế đã được chứng minh tính hiệu quả và mang trong mình nguồn gốc xe đua”.
Một chiếc siêu xe với động cơ Isuzu có thể khiến chúng ta phải đặt dấu hỏi vào năm 2014, nhưng thật may, điều đó đã không xảy ra. Cuối cùng, BMW là hãng đã tạo ra động cơ cho F1 – cỗ máy vẫn thường xuyên được coi là động cơ nạp khí tự nhiên hoàn hảo nhất từng được chế tạo. Được những người yêu xe biết tới với tên mã S70/2, động cơ V12 của F1 do bộ phận M thuộc BMW sản xuất. Có dung tích 6.1l và góc nghiêng chữ V 60 độ, khối máy V12 tạo ra công suất 627 mã lực và mô-men xoắn cực đại 651 Nm. Nếu xét theo tiêu chuẩn của Murray, BMW đã vượt qúa sự mong đợi khi đã tăng công suất lên 14% - 77 mã lực, trong khi chỉ làm cho trọng lượng tăng 6% - 15,875 kg. Động cơ gần như được làm hoàn toàn từ nhôm, có hệ thống bôi trơn dầu khô, điều chỉnh thời gian đóng mở cam bằng thuỷ lực, 2 phun nhiên liệu mỗi xi-lanh, tỉ số nén 11:1 và số vòng tua máy cực đại đạt 7500 rpm. Một số chi tiết động cơ được làm từ magie, bao gồm khoang chứa dầu và vỏ trục cam nhằm giảm trọng lượng một cách tối đa.
Nhờ có BMW, McLaren F1 đã đạt được tỉ lệ công suất/trọng lượng lên tới 550 mã lực/tấn. Để bạn đọc dễ dàng so sánh, chiếc Bugatti Veyron với động cơ 1001 hp cũng chỉ đạt được tỉ lệ công suất/trọng lượng có 523 mã lực/tấn. Không cần phải bàn cãi nhiều, McLaren F1 thực sự nhanh một cách đáng sợ. Nó đạt 100 km/h từ khi đứng yên chỉ trong 3,2 giây, và dừng hoàn toàn từ tốc độ 241 km/h trong đúng 12,8 giây. Di sản của Bruce McLaren đã lập được thêm một kỷ lục nữa: F1 đã trở thành chiếc xe nhanh nhất Thế giới khi đạt tốc độ 386,24 km/h trên đường thử dài hơn 8 km của Volkswagen, hoàn toàn “nghiền nát” kỷ lục được chiếc Jaguar XJ220 lập trước đó với mức chênh lệch lên tới 43,45 km/h. McLaren F1 đã nằm trong trái tim và tâm hồn của những người yêu xe trên toàn Thế giới, và nó vẫn tiếp tục làm điều đó mãi cho tới hơn một thập kỷ sau.
Trong 12 năm liền, McLaren F1 vẫn giữ nguyên danh hiệu Xe nhanh nhất Thế giới, cho đến khi bị Bugatti Veyron với 4 tăng áp vượt mặt. Trên thực tế, 20 năm sau, F1 vẫn là chiếc xe sử dụng động cơ nạp khí tự nhiên nhanh nhất Thế giới. Sức mạnh, công nghệ hiện đại và lịch sử hào hùng của McLaren đã khiến một số người nghĩ tới việc đưa chiếc xe vào tham gia tại các giải đua GT. Bản thân Ron Dennis và Gordon Murray chưa bao giờ có kế hoạch đem chiếc xe đi đua, họ chỉ đơn giản muốn tạo ra một mẫu xe hoàn hảo nhất có thể. Tuy nhiên, áp lực liên tục dồn lên McLaren – nhiều đội đua muốn sử dụng những chiếc F1 để thi đấu. Đội đua của Thomas Bscher và Ray Bellm đã nhìn thấy tiềm năng của F1, và biết rõ rằng nó sẽ trở nên “vô đối” tại giải BFR Global GT Series nếu tham gia thi đấu. Cuối cùng, Murray và Dennis cũng đã bị thuyết phục. Năm 1995, chiếc McLaren F1 với số chassis #19 đã bị đem ra khỏi dây chuyền sản xuất và được sửa đổi thành một mẫu xe đua chuyên nghiệp. Đó là sự ra đời của chiếc F1 GTR đầu tiên.
Có tổng cộng 3 phiên bản khác nhau của F1 GTR, dành cho 3 mùa giải 1995, 1996 và 1997. Sự khác biệt giữa chúng là khá nhỏ, và chúng cũng mang đầy đủ những tinh hoa được đúc rút sau nhiều năm “lăn lộn” tại các đường đua của McLaren. Kiểu dáng khí động học được thay đổi đôi chút, với sự bổ sung các khe hút khí và cánh đuôi. Nội thất bị lột hết những chi tiết tiện nghi, chỉ còn trơ lại lớp vỏ carbon. Khối động cơ BMW bị giảm công suất xuống còn 600 mã lực, nhưng F1 GTR vẫn nhanh hơn các đối thủ nhờ có trọng lượng nhẹ. Phanh đĩa thép được thay bằng sứ-carbon; ngoài những sửa đổi trên, chiếc xe hoàn toàn giống như phiên bản dân dụng. 9 chiếc đã được sản xuất vào năm 1995 – năm đầu tiên tham gia Le Mans và đã giành được chiến thắng chung cuộc, vượt qua cả những mẫu xe đua được thiết kế và chế tạo đặc biệt. F1 GTR thực sự là một trong những ước mơ đã trở thành hiện thực của Bruce McLaren.
Năm 1996, có thêm 9 chiếc GTR nữa được sản xuất và nâng cấp theo nhiều cách khác nhau nhằm giữ được tính cạnh tranh với các đối thủ. Những cải tiến bao gồm thân xe được sửa đổi và hộp số mới. Cuối cùng, GTR của năm 1996 vẫn nhẹ hơn tới 38 kg so với chiếc xe của năm trước. Dù cho phiên bản năm 1997 vẫn tiếp tục được cải tiến, nhưng bản năm 1996 vẫn là chiếc GTR nhanh nhất.
Tổng cộng đã có 28 chiếc GTR, sửa đổi từ 106 chiếc F1 được sản xuất trong khoảng từ 1992 tới 1998. Mỗi chiếc GTR đều mang trong mình cả một lịch sử - một số thành công, số khác đã thất bại. Sau năm 1998, một số đã được chuyển ngược lại thành xe dân dụng, trong khi vài chiếc vẫn được giữ nguyên bản, chẳng hạn như chiếc GTR #17R. Chiếc xe này đã đứng thứ 8 chung cuộc tại giải Le Mans 24h năm 1996, và được lái bởi những “tượng đài” trong Thế giới đua xe: Nelson Piquet, Johnny Cecotto và Danny Sullivan. Bản thân McLaren F1 nói chung và GTR nói riêng cũng đã trở thành bất tử. Tên tuổi của chúng chắc chắn sẽ còn được nhắc tới trong nhiều năm nữa, như một thành tựu về khoa học kỹ thuật của loài người.