Cứu hộ giao thông: Đôi điều bạn nên biết

Svetlikj
 Chiếc xe của bạn đang chạy “ngon” bỗng dưng dở chứng giữa đường. Xử lý thế nào đây, gọi người quen hay garage? Khi không còn lựa chọn nào khác, bạn đành nhờ tới cứu hộ.

 Nhưng gọi cứu hộ nào, họ sẽ xử lý chiếc xe của mình ra sao, liệu có yên tâm phó mặc cho đội cứu hộ hay không… ,bài viết này sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của bạn.

 

Hai năm trở lại đây, chưa bao giờ mật độ lưu hành xe ôtô lại dày đặc đến như vậy. Lưu lượng xe càng nhiều thì hỏng hóc, tai nạn cũng theo xu hướng đó mà tăng lên. Nguyên nhân chủ quan có và khách quan cũng có. Vì vậy, lúc này công tác cứu hộ giao thông trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. 

 

Hiện nay, tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã có trên dưới 40 doanh nghiệp phục vụ trong lĩnh vực cứu hộ, có thể kể đến: Cứu hộ 116, cứu hộ ABC, cứu hộ Ford Hà Nội… Nhận thấy tiềm năng của công tác này, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư trang bị nhiều xe cứu hộ đặc chủng hơn để đáp ứng nhu cầu cứu hộ những chiếc xe có trọng tải lớn.

 

Bên cạnh các trang thiết bị hiện đại thì yếu tố con người cũng vô cùng quan trọng. Nó đòi hỏi nhân viên phải có kinh nghiệm và trình độ để xử lý mọi tình huống, tránh gây thêm thiệt hại về người và của. Do đó, trong bài viết này, Autonet muốn chia sẻ với bạn đọc một vài kinh nghiệm nếu chiếc xe của bạn xảy ra trục trặc phải nhờ tới sự can thiệp của cứu hộ giao thông. 

 

Cũng giống như ôtô, xe cứu hộ cũng được phân ra làm 3 hạng: Nhẹ (<5 tấn), trung (<10 tấn) và nặng (>10 tấn). Đồng thời, phụ thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ, người ta cũng chia ra thành 3 loại như sau: Xe kéo nâng, xe có sàn chở và xe có cần cẩu.

 

Với ôtô số sàn (số tay), cấu tạo khá đơn giản nên chỉ cần xe cứu hộ kéo nâng là đủ. Thống kê cho thấy, có khoảng 95% xe cứu hộ trên thị trường thuộc loại này. Nhưng với xe số tự động (AT), nếu công tác cứu hộ không tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất in trong hướng dẫn sử dụng hoặc dán ngay trên kính xe thì sẽ có thể dẫn đến hư hỏng trong hộp số, mà trường hợp nghiêm trọng có thể làm cháy hoặc phá hủy hộp số AT. 

 

Do vậy, cách tốt nhất để cứu các dòng xe này là sử dụng xe cứu hộ có sàn, hoặc kéo bằng cầu không chủ động. Dùng bánh phụ nhỏ (Dolly) chỉ là giải pháp kéo tạm trên đường ngắn và bằng phẳng. Những nhân viên cứu hộ có kinh nghiệm sẽ không kéo cầu chủ động chạy nhanh quá 50km/h và không xa quá 50km để tránh làm hỏng hộp số.

 

Đối với dòng xe cao cấp như Lexus, Mercedes-Benz, BMW, Porsche, Audi…hay các mẫu xe 2 cầu như Nissan Rogue, Infiniti FX, Mercedes ML 4Matic… thì nhất thiết bạn phải lựa chọn xe cứu hộ có sàn vì các hệ thống được trang bị trên xe rất hiện đại và phức tạp. 

 

Cho dù xe đã tắt máy, nhưng trên thực tế, nếu sử dụng cách thức cứu hộ bằng kéo nâng, máy tính trên xe vẫn “âm thầm” làm việc và nó không hiểu là xe đang bị kéo nên các trang bị bên trong xe vẫn có thể bị kích hoạt giống như khi chiếc xe đang hoạt động. Vì thế, những ảnh hưởng này sẽ có tác động xấu đến tình trạng vận hành của xe. 

 

Trên thực tế, đã có rất nhiều chiếc xe hiện đại có hệ truyền động đặc biệt bị cứu hộ kéo làm hỏng xe mà khó biết nguyên nhân từ đâu như Ford Escape, Nissan Murrano… Và đáng buồn là việc khắc phục các hư hỏng không dễ nhìn thấy này tốn kém đến vài chục triệu đồng.

 

Xe cứu hộ sàn cũng được dùng cho các loại xe gầm thấp, xe có bộ giảm xóc khí nén, cho các tuyến đường xa, địa hình xấu mặc dù giá dịch vụ có hơi cao hơn loại xe kéo nâng một chút (10%). Trong trường hợp xe bị sa lầy, hay bị kẹt trong các hố, mương thì bạn hãy cho trung tâm cứu hộ biết tình trạng cụ thể, yêu cầu điều động xe cứu hộ có cần cẩu và sử dụng các dây cứu hộ bằng vải được coi là phương án an toàn nhất.

 


Cứu hộ siêu trọng 40 tấn

Ngoài các xe cứu hộ nêu trên, trên thị trường đã xuất hiện những loại xe cứu hộ siêu trọng với trọng tải hàng chục tấn, có thể nhanh chóng dọn dẹp các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do những chiếc xe tải nặng hay những “hung thần xa lộ” đầu kéo gây ra. Có hai chiếc cứu hộ loại này thuộc công ty Cứu hộ 116 tại Hà Nội để phục vụ giao thông khu vực Miền Bắc.

 

Hiện nay, quy mô hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh cứu hộ tại địa bàn Hà Nội nói riêng và trên toàn quốc nói chung chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa có một hiệp hội chung để đưa các doanh nghiệp đi vào hoạt động theo quy củ. Do vậy, các quy chuẩn về chi phí cũng chưa thực sự thống nhất. 

 

 

Năm 2008 mới chỉ đánh dấu sự ra đời của một diễn đàn nghề cứu hộ giao thông trên internet có địa chỉ là diendan.volang.net, là nơi một số doanh nghiệp cứu hộ trao đổi các sự vụ giao thông hàng ngày, chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ cứu hộ quốc tế. Họ đã xây dựng được một bảng giá dịch vụ cứu hộ giao thông tương đối chi tiết cho khu vực miền Bắc.

 

Thiết nghĩ, việc xây dựng quy chuẩn cũng như tính chuyên nghiệp rất cần cho công tác cứu hộ giao thông dẫu trước mắt còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng căn cứ vào sự phát triển nhanh chóng của mật độ giao thông hiện nay, công việc này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều tiềm năng lớn trong tương lai. Còn với bạn đọc, chúng tôi hi vọng bài viết này sẽ cung cấp những hiểu biết tuy chưa được đầy đủ nhưng cũng khá cần thiết khi “vi vu” trên đường.

 

Hồng Ân

(Sưu tầm)

cuongvc