Xu hướng này đã xuất hiện từ tháng 2 và lên cực đại trong tháng 3 khi mà thuế có hiệu lực từ 1/4 làm giá xe 6-9 chỗ tăng 12% đến 23%. Nhờ đó xe đa dụng MPV/SUV đã có mức đột phá mạnh mẽ. Trái ngược, dòng xe 5 chỗ do được giảm thuế nên doanh số chỉ nhỉnh lên chút ít với 1.290 xe bán ra. Các loại xe thương mại cũng được "thơm lây" khi bán được 5.637 chiếc, tăng tới 57% so với tháng 2.
Mẫu xe đáng chú ý nhất trong tháng là Toyota Fortuner với hơn 880 xe, cao nhất trong dòng SUV và ngoài mức dự báo của nhiều người. Fortuner đã được cả "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" khi có mức giá khá hợp lý, ra mắt vào đúng thời điểm cả thị trường đang cố gắng tránh thuế và một chiến dịch marketing khôn khéo.
Everest của Ford có một tháng thành công. Ảnh: T.N. |
Tỷ lệ người mua Fortuner G máy dầu cao hơn chút ít (533 xe so với 347 của Fortuner V) đúng theo cách phân cấp giá của Toyota Việt Nam. Lượng đơn hàng dành cho Fortuner vẫn không ngừng khi thuế tiêu thụ đặc biệt mới đã có hiệu lực. Rõ ràng, Toyota Việt Nam đã rất thành công trong việc nghiên cứu sản phẩm, làm giá và tạo thương hiệu tốt trong mắt phần lớn người tiêu dùng.
Sự ăn khách của Fortuner dĩ nhiên ảnh hưởng tới Innova. Bởi mức giá của Fortuner G và Innova V khá gần nhau (32.600 USD cho Innova và 34.300 USD cho Fortuner, trước ngày 1/4). Hãng xe Nhật đã tính toán tới điều này và kết quả là Innova trong tháng 3 còn giảm nhẹ, từ 1.128 của tháng 2 xuống còn 1.032 chiếc.
Sản phẩm thứ hai được lợi từ trào lưu chạy thuế là Chevrolet Captiva. Đã 8 tháng nay, Captiva mới bật lên khỏi mốc 400, đạt 497 chiếc. Rõ ràng, thuế tăng giống như "phao cứu sinh" cho Captiva bởi trong thời gian vừa qua doanh số chỉ dao động trong khoảng 200 xe. Nhưng để chiếc crossover này sống tốt sau thuế thì Vidamco phải giải bài toán không hề dễ, khi Fortuner đang ngự trị trên thị trường.
Dĩ nhiên Everest của Ford cũng không là ngoại lệ và thành tích của sản phẩm này còn ấn tượng hơn với 609 chiếc, mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Everest cũng sẽ vất vả hơn sau thời gian "lên đỉnh" bởi thị trường chắc chắn giảm sút do giá xe tăng. Trong khi Toyota thì cố gắng duy trì sự ăn khách của Fortuner cũng như Innova.
Vũ điệu thuế còn giúp những tên tuổi không mấy nổi như Mitsubishi Zinger, Mitsubishi Grandis tự lập kỷ lục cho mình. Zinger có 340 xe giao trong tháng 3, cao gấp gần 5 lần so với tháng 2. Grandis thì hơn hai năm nay mới có doanh số 136 xe.
Tỷ lệ tăng thuộc loại "khủng" nhất có lẽ là Kia Carnival với 11 lần. Từ 22 chiếc tháng 2, chiếc đa dụng này tăng lên 246 xe. Một sự nhảy vọt chắc chắn sẽ không thể có "trong điều kiện bình thường".
Trái ngược với dòng đa dụng, xe sedan (5 chỗ) tăng nhẹ bởi chỉ ảnh hưởng chút ít từ sự sôi động của thị trường. Các sản phẩm của Toyota Việt Nam tăng cao nhất, với khoảng 70-80% cho Altis và Vios, đạt lần lượt 187 và 177 xe. Camry 3.5Q do nằm trong diện tăng giá (dung tích xi-lanh trên 3.000 phân khối) nên cũng bật từ 11 xe tháng 2 lên 59 chiếc. Camry 2.4G ổn định trong khoảng 80 chiếc.
Honda Civic vẫn giữ sự ổn định với 258 xe, không biến động nhiều. CR-V thì trở lại mức 62 chiếc sau một tháng xuống còn 40 xe. Mẫu SUV của nhà sản xuất Nhật Bản không tạo ấn tượng trong bảng kết quả bán hàng. Nhưng dù sao, với mức giá cao hơn hẳn các đối thủ cùng mục tiêu tạo thương hiệu, CR-V đã có thể coi là thành công.
Các thành viên còn lại trong phân khúc sedan không có nhiều biến động. Sang tháng 4, với mức giá được giảm đôi chút hy vọng dòng xe này sẽ lấy lại được khí thế trước xe đa dụng MPV/SUV.
Tính tổng thể, Toyota dẫn đầu thị trường với 5.326 xe bán ra nhưng vẫn giảm 5% so với cùng kỳ 2008. Tiếp đến là Vinamotor 3.285 xe, trên Trường Hải (3.111). Vidamco xếp thứ tư (2.213) và thứ năm là Ford (1.700).
Kể từ 1/4, thuế tiêu thụ đặc biệt của loại xe 6-9 chỗ tăng từ 30% lên các mức: 45% (cho xe dưới 2.000 phân khối); 50% cho xe có dung tích động cơ 2.000-3.000 phân khối; 60% cho xe có dung tích động cơ trên 3.000 phân khối.