Bạn đã biết sử dụng điều hòa đúng cách trên ô tô?

(Autovina) - Điều hòa ôtô là một trong những thiết bị quan trọng, giúp chúng ta dễ chịu hơn khi lái xe. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng điều hòa đúng cách

Điều hòa ôtô là một trong những thiết bị quan trọng, giúp chúng ta dễ chịu hơn khi lái xe giữa trời hè nóng bức hay mùa đông lạnh giá. Tuy nhiên, bạn đã biết cách sử dụng điều hòa ôtô đúng cách hay chưa ?

hướng dẫn hoạt động hệ thống điều hòa không khí trên xe ô tô

Có một sự thật là nhiều người chưa nắm rõ cơ chế hoạt động của điều hòa nhiệt độ và sử dụng không đúng cách, dẫn tới điều hòa nhanh bị hỏng, thậm chí tốn nhiên liệu. Đồng ý rằng điều hòa được thiết kế ở vị trí thuận tiện và dễ thao tác, tuy nhiên có một số quy tắc bạn nên nhớ trong quá trình sử dụng hệ thống này. Trước tiên, hãy hiểu rõ hơn cơ chế hoạt động cơ bản của điều hòa không khí nhiệt đô trên ôtô. 

Hệ thống điều hòa không khí trong ô tô là một chu trình khép kín và thường chia làm hai phần chính: phần làm ấm và phần làm lạnh. Tuy chúng hoạt động độc lập với nhau nhưng nối tiếp trên cùng 1 đường dẫn không khí: không khí trong khoang xe qua quạt gió đến giàn lạnh.

Trong trường hợp chỉ đơn giảm làm "ấm" trong xe thì không nhất thiết phải bật AC mà chỉ cần bật quạt gió rồi điều chỉnh nút xoay nhiệt độ khi đó các cửa gió mở, quạt gió thổi hơi nhiệt từ nước làm mát động cơ được thổi vào cabin. Tuy nhiên đi lâu thì vẫn phải bật AC để không khí được tuần hoàn.

nguyên lý hoạt động hệ thống điều hòa không khí trên xe ô tô

Giờ tiếp tục quay lại cơ chế hoạt động của máy điều hòa không khí, khi bắt đầu bật AC, máy nén được nối với động cơ thông qua dây cua-roa hoạt động, hút chất làm lạnh ở thể khí (từ bình chứa gas) rồi nén ở áp suất cao. Khi bị nén, nhiệt độ chất làm lạnh tăng lên và nó được đẩy sang giàn nóng, nằm ở vị trí phía đầu xe, gần lưới tản nhiệt và có quạt riêng. Ở giàn nóng, do được tản nhiệt ở áp suất cao nên chất làm lạnh hóa thành thể lỏng và chuyển sang van giãn nở (hoặc van tiết lưu).

Tiếp theo, tại van tiết lưu, áp suất giảm đột ngột nên chất làm lạnh hóa hơi và chuyển tới giàn lạnh. Ở đây, nó lấy nhiệt từ môi trường xung quanh và khiến nhiệt độ giảm xuống. Hơi lạnh sẽ được quạt gió thổi ra môi trường. Gió thổi ra từ giàn lạnh có thể là gió ngoài (làm lạnh ngoài), gió trong ca-bin hoặc cả hai. Và quy trình này tiếp tục được lặp lại.

Và giờ đây, bạn đã hiểu cơ chế hoạt động của hệ thống điều hòa ôtô, hãy tìm hiểu cách thức sử dụng thiết bị này sao cho hiệu quả. 

Hãy bắt đầu từ những điều cơ bản:

để xe trong bóng râm

 Tận dụng bóng râm làm nơi đỗ xe lý tưởng để giảm bớt việc sử dụng điều hòa trên ôtô

(Ảnh: Globalshade)

Trước tiên, để giảm bớt việc sử dụng điều hòa nhiệt độ, chúng ta nên đỗ xe dưới bóng râm. Việc này có thể làm giảm nhu cầu sử dụng điều hòa và để hệ thống này được nghỉ ngơi sau thời gian dài hoạt động. Bạn có thể đỗ xe khoảng một giờ đồng hồ cạnh một tòa nhà hoặc dưới một tán cây khi đi làm. Nếu bạn tìm thấy vị trí đỗ xe “chói chang” nắng gắt vào buổi sáng sớm thì rất có khả năng nó sẽ râm mát vào buổi chiều. Hãy đánh dấu vị trí này để đỗ xe sau đó. Bóng râm sẽ làm giảm nhiệt độ của xe và hạn chế nhu cầu sử dụng điều hòa của bạn. Nếu bạn buộc phải đỗ xe ở nơi “đường thông hè thoáng”, hãy lắp kính chắn gió có màu để làm giảm hiệu ứng nhà kính bên trong xe (bảo vệ xe bạn khỏi tác động của ánh nắng Mặt Trời).

Phương pháp cổ điển:

Nếu bạn buộc phải sử dụng điều hòa nhiệt độ, trước hết hãy làm thông gió cabin xe trước khi khởi động hệ thống điều hòa. Bạn có thể mở hết các cửa sổ xe trong khi lái. Có một mẹo nhỏ là lái xe với tốc độ khoảng 10-15 km/h và cua xe một góc vuông 900, quán tính sẽ giúp đẩy hết không khí nóng qua một bên và mang lại gió mát cho bạn.

Đừng thay đổi nhiệt độ đột ngột ngay lúc đầu !

Ngay cả khi bạn đang ngột ngạt oi bức hay lạnh cóng chân tay, đừng vội bật điều hòa ở nhiệt độ quá thấp hay quá cao ngay lúc đầu, cơ thể bạn cần một khoảng thời gian nhất định để thích nghi với sự chênh lệch giữa nhiệt độ trong và ngoài xe. Ngoài ra còn nguyên nhân sau:

  • Nhiều người có thói quen khi vừa vào xe đã bật điều hòa (nút A/C) để mau làm lạnh cho xe, như vậy khi xe đang khởi động ở vòng quay thấp đã phải chịu tải lớn sẽ dễ làm hư hại đến bình điện. Tốt nhất khi khởi động bạn không nên bật điều hòa hay các thiết bị đèn điện khác.
  • Trong lúc chờ đợi bạn có thể hạ kính xuống và bật quạt tốc độ 1 để hơi nóng trong xe thoát ra. Khi máy chạy đều bạn có thể bật A/C, đóng cửa kính và sau đó tăng dần mức quạt phù hợp để tạo độ lạnh đến khi vừa ý.

Ưu tiên sử dụng lấy gió trong:

sử dụng chế độ tuần hoàn

Hãy luôn luôn sử dụng chế độ tuần hoàn khi bật điều hòa nhiệt độ ôtô (Ảnh: Honda-tech)

Khi bạn cảm nhận được hơi mát phả vào người từ hệ thống điều hòa, hãy BẬT chế độ tuần hoàn (lấy gió trong). Điều đó giúp ngăn tình trạng điều hòa hút không khí từ bên ngoài mà sẽ chỉ sử dụng không khí bên trong xe. Và bởi không khí trong cabin xe đang bắt đầu được làm mát, hệ thống sẽ hoạt động ít công suất hơn để duy trì và làm giảm hơi mát thay vì tiếp tục làm mát không khí được hút từ bên ngoài. Đặc biệt nên chuyển sang chế độ lấy gió trong khi đi trời lạnh và mưa to vì lấy không khí ẩm lúc này có thể gây nước ẩm đóng giọt trong cabin.

Phải làm gì khi xe chuẩn bị tắt máy ?

Khi chuẩn bị tắt máy, bạn tắt A/C trước và đợi khoảng 20 giây, sau đó tắt quạt (quạt lúc này để chế độ chạy thấp nhất). Không nên tắt đột ngột cùng lúc động cơ và điều hòa. Điều này giúp việc cơ thể bạn thích nghi dần với sự thay đổi nhiệt độ trong và ngoài xe. Ngoài ra để quạt gió chạy sẽ giúp làm khô giàn lạnh tránh tình trạng rêu mốc hay các vi khuẩn sinh sôi giúp không khí đưa vào xe trong lành hơn.

– Khi đi xe qua vùng ngập nước cao, an toàn nhất là nên tắt điều hòa bao gồm cả quạt gió (tránh ngộp, trong thời gian này bạn có thể mở một phần cửa kính) nhằm tránh hiện tượng rác bẩn theo nước có thể làm kẹt cánh quạt.
– Nếu cánh quạt bị kẹt, sẽ xảy hiện tượng đứt cầu chì quạt gió, động cơ xe sẽ không được làm mát – gặp trường hợp này phải tắt máy xe và thay cầu chì.

Bảo dưỡng điều hòa thường xuyên

bảo dưỡng điều hòa

Giống như điều hòa trong nhà, hệ thống điều hòa trên xe cũng bị bụi bẩn bám vào lưới lọc và quạt gió từ đó gây tắc nghẽn khiến hơi lạnh không vào được cabin xe. 
 
Do đó, sau vài tháng sử dụng (khoảng thời gian này tùy thuộc vào mức độ cũng như điều kiện bạn sử dụng xe), bạn cần vệ sinh lưới lọc và thay thế nếu cần. Bạn có thể tự mình làm sạch hoặc đưa xe ra các gara, đại lý để vệ sinh lưới lọc. Theo tiêu chuẩn bảo dưỡng định kỳ của một số hãng xe, lọc gió điều hòa sẽ thay thế sau 20.000 km. Nếu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhiều bụi bẩn, nóng ẩm thì thay thế lọc gió điều hòa sớm hơn.
 
Bên cạnh việc làm sạch lưới lọc, bạn cũng nên kiểm tra dây cao áp, dây thấp và bảo dưỡng dàn nóng/lạnh của hệ thống điều hòa đồng thời bổ sung môi chất làm lạnh nếu bị hao hụt.