Những lưu ý quan trọng cho bà bầu khi lái xe

(Autovina) - Lái xe vốn là việc không khó nhưng nếu đang mang thai, phụ nữ cần lưu ý những vấn đề sau để đảm bảo an toàn

Với những bà bầu đang mang thai phải sử dụng xe hơi thường xuyên để đi làm hoặc di chuyển cần lưu ý 1 số vấn đề sau, để việc lái xe được an toàn cũng như hạn chế những rủi ro ảnh hưởng đến thai nhi khi phải tự mình cầm vô lăng.

lưu ý khi phụ nữ mang thai lái xe

Theo ước tính của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tại Mỹ (CDC), mỗi năm có khoảng 32.800 phụ nữ mang thai có liên quan tới các vụ tai nạn hoặc đụng xe trên đường. Hãng chuyên sản xuất đai và ghế an toàn SafetyBeltSafe (Mỹ) cho biết, những tai nạn đáng tiếc này là nguyên nhân chính khiến nhiều phụ nữ mang thai tử vong hoặc chấn thương nghiêm trọng trong suốt thai kỳ.

Bởi vậy, không bao giờ là thừa để bạn học cách tự bảo vệ tính mạng bản thân và cho cả thiên thần bé nhỏ trong bụng, đặc biệt nếu phải lái xe. Hãy gọi ngay bác sỹ nếu bạn chẳng may gặp tai nạn – dù chỉ là một xây xước nhỏ không đáng kể. Đồng thời đọc kỹ 5 lời khuyên bổ ích dưới đây dành cho các mẹ bầu lái xe.

Thắt đai an toàn đúng cách:

lưu ý khi phụ nữ mang thai lái xe

Cục An toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA) khuyến cáo phụ nữ mang thai hãy thắt đai an toàn chéo qua vai, chạm xương đòn (vị trí giữa cổ và bờ vai của bạn), dải còn lại của đai thắt trễ dưới bụng thấp nhất có thể, tuyệt đối không để đai đè lên hoặc thắt ngang bụng bầu. Hãy bảo đảm đai an toàn được cài chắc chắn và luôn giữ dải đai trên vai chéo qua phần cổ của bạn, không đặt nó sau cánh tay hoặc sau lưng. 

Và tất nhiên, nếu có thể, hãy “tình nguyện” ngồi ở ghế hành khách:

Nếu có thể, đừng ngại ngần ngồi ở vị trí ghế phụ. Bạn sẽ thấy điều này là một đặc quyền vô giá ở những tháng cuối thai kỳ, khi bụng bầu của bạn lớn hơn rất nhiều và gần như chạm vào vô lăng. Tai nạn là điều rất có thể xảy ra nếu bạn ngồi quá gần vô lăng ở giai đoạn nhạy cảm này.

Giữ khoảng cách với vô lăng càng xa càng tốt:

Nếu bất đắc dĩ phải trở thành lái xe, hãy kéo ghế lùi ra sau để giữ khoảng cách an toàn với vô lăng. Các chuyên gia cho rằng khoảng cách an toàn tối thiểu từ ghế lái xe tới vô lăng là 25,4 cm. Đừng ngồi quá cao, hãy để vô lăng hướng về xương ức thay vì bụng bầu của bạn.

Đừng ngả người về phía trước:

Các phụ nữ mang thai hãy ngồi dựa lưng vào ghế và luôn giữ chắc đai an toàn. Điều này giúp hạn chế tối đa chuyển động phía trước của bạn nếu một vụ tai nạn xảy ra, đồng thời, bảo đảm túi khí trên xe hoạt động đúng cách.

Cài đai an toàn chéo qua vai:

lưu ý khi phụ nữ mang thai lái xe

Bất kể bạn ngồi ở vị trí lái hay ghế phụ, luôn nhớ cài đai an toàn ở cả hai vị trí: ngang hông và chéo qua vai. Như đã nói ở trên, cài đai an toàn đầy đủ và đúng cách là thao tác bắt buộc với mỗi lái xe, đặc biệt khi bạn đang mang bầu. Đừng chỉ cài mỗi đai ngang hông. Nếu bạn không phải cầm lái và ngồi ghế sau, vị trí chính giữa (hoặc ghế ngồi ở giữa trên các xe van) được trang bị sẵn đai an toàn thắt ngang hông và chéo vai là vị trí an toàn nhất dành cho các bà bầu.

Xử lý tình huống ra sao khi gặp tai nạn ?

Các mẹ bầu phải nhanh chóng gọi cho bác  sỹ khi va chạm xảy ra, dù chỉ là va chạm nhỏ. Các bác sỹ sẽ đo và kiểm tra nhịp tim của em bé để chắc chắn va chạm không ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và con. Bạn không nên chủ quan trước mỗi tình huống xảy ra. Theo báo cáo của CDC, các phụ nữ gặp va chạm song không có báo cáo thương tích thường đối mặt với nguy cơ sinh non do lớp nhau của họ bị bong sớm, và họ thường không ý thức được điều này.

Có nên tin tưởng tuyệt đối vào túi khí ôtô ?

lưu ý khi phụ nữ mang thai lái xe

Các chuyên gia khẳng định là CÓ.

Theo ghi nhận của NHTSA, túi khí và đai an toàn là “bùa hộ mệnh” của mỗi phụ nữ mang thai khi lái xe, với điều kiện họ thắt đai an toàn đúng cách và ngồi cách xa vô lăng (để tránh trường hợp túi khí bung đột ngột do va chạm). Trường Đại học Sản phụ khoa Mỹ cũng tán thành quan điểm này bởi không thể phủ nhận lợi ích của túi khí trong việc phòng ngừa rủi ro cho bà bầu và thai nhi. 

Hiện chưa có thông tin nào cho thấy túi khí sườn xe có thể gây nguy hiểm cho hành khách trên xe. Thực tế cho thấy, nguy hiểm lớn nhất bạn gặp phải là va chạm vào xe khác, hay cây cối trên đường. Song để bảo đảm an toàn tuyệt đối, đừng tựa vào ngăn để túi khí cạnh hông xe, tránh trường hợp gặp nạn do túi khí đột ngột bung. 

Theo babycenter