4 nguyên nhân khiến Việt Nam ngày càng nhiều xe 'điên'

Admin
Vô tổ chức khi tham gia giao thông, có bằng lái quá dễ dàng, văn hoá nhậu nhẹt và việc coi thường tính mạng khiến tai nạn gia tăng.

Sáng ngày 23/4 mở mắt ra, tôi đọc được một loạt tin về tai nạn giao thông đêm qua. Thực ra, tôi cũng chẳng ngạc nhiên lắm, quá quen rồi. Ở Việt Nam, tai nạn giao thông trở thành một căn bênh mãn tính, trầm kha. Năm này qua năm khác vẫn tăng đều đều chứ không có giảm. Một ngày mà không có vụ tai nạn, va quệt nào thì mới là chuyện lạ. Thế nhưng tại sao lại như vậy nhỉ, tôi xin mạn phép dùng chút kinh nghiệm khi tham gia giao thông ở Việt Nam cả chục năm qua để giải thích tại sao tai nạn giao thông lại nhiều đến như vậy, có điều gì sai sót các bạn cùng bàn luận ở đây nhé.

Thứ nhất, thói quen tham gia giao thông vô tổ chức, "điền vào chỗ trống", "điếc không sợ súng", người ta phải tránh mình. Đúng như vậy, nhiều nơi đô thị hóa quá nhanh, mở mắt ra hôm sau đường làng đã hóa thành phố thị, hoặc là người dân từ quê đổ lên những thành phố lớn để làm ăn rất nhiều.

Khi người dân chưa kịp thích nghi với văn minh giao thông (thậm chí không thèm thích nghi). Đường to, nhiều phương tiện lớn di chuyển, có phân chia làn đầy đủ nhưng họ vẫn giữ thói quen lưu thông trong làng xã sân si, tiện thì đi ngược chiều, thích thì rẽ, thích làn nào thì đi làn đó, thích thì tạt, thích thì đèo ba đèo bốn người, thậm chí là thích thì dừng giữa đường làm việc riêng.

Khoảng cách an toàn giữa các phương tiện là một điều "xa xỉ" trong giao thông ở Việt Nam, những người tham gia giao thông có thể tìm đủ mọi cách để luồn lách, chèn vào giữa chỗ những phương tiện to hơn, các làn xe cơ giới để di chuyển, di chuyển kiểu bất chấp, miễn sao là có thể về đến nơi họ muốn nhanh nhất có thể, họ qua đường, cắt ngang làn ôtô mà không hề mảy may sợ hãi, với cái tư tưởng trong đầu là nó sẽ phải tránh mình.

Mình xin nhấn mạnh rằng, nếu tuân thủ đúng làn đường, phần đường cho các phương tiện giao thông, thì thương vong và tai nạn giao thông sẽ giảm đi được rất nhiều. Nếu chẳng may, một chiếc xe "điên" ở trong làn ôtô chắc chắn sẽ gây ít thương vong hơn một chiếc xe "điên" ở trong làn xe máy. Ô tô to xác sẽ bảo vệ người ngồi trong tốt hơn và góp phần làm giảm lực đâm của xe "điên", khiến cho tai nạn trở nên ít nghiêm trọng hơn. Nếu chẳng may một chiếc xe mất phanh, nó có thể đâm vào đít chiếc xe khác và dừng lại, chứ không phải là cuốn theo rất nhiều xe máy ở dưới gầm xe của nó, trừ khi những chiếc xe máy cố tình đi vào làn ôtô và ngược lại.

Xảy ra vấn đề này, có thể có nhiều lý do như ý thức người dân, do quy hoạch đường sá... tùy từng nơi, tôi không quy trách nhiệm cho ai hết chỉ nêu ra nguyên nhân và thực trạng mà thôi.

Thứ hai, việc thi và lấy bằng lái ngày nay quá dễ dàng. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền không lớn, bạn có thể "rung đùi" chơi và vẫn có bằng lái lưu thông như thường mà không cần phải học và biết một chút gì cơ bản về luật giao thông, các tình huống khẩn cấp khi tham gia giao thông. Nếu thi tay lái kém thì khi xử lý tình huống thực tế càng kém hơn nhiều.

Thứ ba, văn hóa "nhậu nhẹt", bia rượu đã ăn sâu vào máu người dân Việt Nam.

Người Việt có thể nhậu bất cứ ở đâu, bất cứ thời điểm nào trong ngày. Luôn luôn có thể bắt gặp những người có hơi men khi tham gia giao thông trên đường, đó là còn chưa kể chất kích thích hay ma túy. Đây là nguyên nhân của phần lớn những vụ xe "điên", đạp nhầm chân ga trên đường, hoặc xảy ra va chạm giao thông xong giải quyết xích mích bằng bạo lực.

Thứ tư, chống đối, màu mè, coi thường mạng sống của mình và người khác. Nếu người dân tham gia giao thông chịu đầu tư cho mình những chiếc mũ bảo hiểm cả đầu hoặc ba phần tư có chất lượng tốt, thì chắc chắn thương vong do tai nạn giao thông sẽ giảm đi rất nhiều.
Nhưng không, họ thà mua những cái ốp điện thoại đắt tiền cho chiếc điện thoại của mình, nhưng họ chỉ mua những chiếc mũ bảo hiểm rẻ tiền để bảo vệ cái đầu của họ. Họ thà quấn quanh mình mình những bộ đồ chống nắng kín mít, thùng thình, vướng víu để bảo vệ nhan sắc, ngoại hình còn hơn là bảo vệ sự linh hoạt và vững chắc tay lái khi tham gia giao thông. Họ thà tháo chiếc gương của mình ra để nhìn đỡ "quê", đỡ vướng víu khi dắt xe gửi xe còn hơn là để lại để làm một cảnh báo tốt cho mình phía sau.

Rồi thì khi đi ôtô, được bao nhiêu người chịu thắt dây an toàn. Họ biện minh là lười, là quãng đường ngắn không cần thiết phải đeo, rồi thì họ bảo tay lái họ cứng... Tất cả chỉ là ngụy biện. Thậm chí nhiều xe khách đường dài còn không hề có dây bảo hiểm cho hành khách do cắt giảm tối đa chi phí, hoặc dây để làm cảnh, không sử dụng được. Để rồi khi chẳng may khi xảy ra tai nạn, cơ thể của hành khách sẽ bị chấn động mạnh do bị va đập bởi quán tính của xe. Nếu có dây an toàn, rất nhiều khả năng may mắn sẽ mỉm cười khi hành khách không bị va đập vào những phần khác của xe và những người khác, thậm chí chỉ bì trầy da, thương nhẹ mà thôi.

Tai nạn giao thông như một căn bệnh ngoài da vậy, nếu không chữa, hoặc chữa một cách hời hợt, không có liệu pháp, không có kiên trì, thì rồi một lúc nào đó, ở đâu đó trên cơ thể, sẽ lại bùng phát như một căn bệnh mãn tính gây khó chịu cho tất cả chúng ta mà thôi.

Độc giả Nguyễn Hải