Đó là những đường đua chứng kiến vô số màn đua xe khốc liệt và cả những cái chết thương tâm của vận động viên và khán giả cổ vũ. Tuy nhiên, sức hấp dẫn vẫn khiến không ít người tìm đến để hòa mình vào không khí đặc biệt nơi đây.
1. Isle of Man / Snaefell Mountain:
Danh hiệu đường đua chết chóc nhất chắc chắn thuộc về Snaefell Mountain Course của giải đua Isle of Man, giải đua môtô lâu đời nhất kể từ năm 1911 tới nay. Giải đua này đã cướp đi sinh mạng của 240 tay đua tham gia thi đấu và diễn tập. Và thêm 14 người nữa đã tử vong trong các vụ tai nạn không chính thức cũng như khán giả tham dự giải đua. Bạn sẽ cảm nhận mức độ tử thần của Isle of Man khi chứng kiến các tay đua "rồ ga" với tốc độ lên tới hơn 300 km/h. Isle of Man là giải đua có chiều dài 60 km với tường đá, đồi dốc và mức độ nguy hiểm số 1 so với các giải đua khác trên thế giới. Kỷ lục hiện nay của giải đua này được lập vào năm 2013 với tốc độ đua xe trung bình lên đến 131 mph (211 km/h).
Có nhiều nguyên nhân lý giải tại sao Isle of Man lại là địa điểm tàn khốc nhất đối với mỗi tay đua. Nguyên nhân thứ nhất là bởi người ta sử dụng một số đoạn đường công cộng trong giải đua này. Điều kiện mặt đường, độ rộng vòng đua và rìa đường hai bên vốn không phải được xây để phục vụ việc thi đấu. Nguyên nhân thứ hai, trong những năm trước đây, người ta không cấm đường để phục vụ các buổi diễn tập. Việc trà trộn các phương tiện công cộng và xe đua tốc độ cao cùng lúc đã kéo theo hàng loạt vụ tai nạn thương tâm và nạn nhân đầu tiên của Isle of Man cũng nằm trong số đó. Bên cạnh đó, với tổng chiều dài trên 37 dặm (gần 60 km), Isle of Man là giải đua có chiều dài gấp 3 lần một giải đua khác hiện nay là Nürburgring Nordschleife, nhưng lại có tương đối ít góc cua và thay đổi độ cao trên 396 m so với chiều dài quãng đường, khiến nhiều tay lái buộc phải hi sinh trong khi đang thi đấu.
2. Nürburgring:
Tay đua từng 3 lần đoạt giải vô địch Công thức 1 Jackie Stewart gọi Nürburgring là cung đường nguy hiểm nhất trên thế giới. Với 68 tay đua bỏ mạng trong khi thi đấu và diễn tập, chúng ta có thể tán thành quan điểm này của Stewart. Theo một báo cáo không chinh thức, mỗi năm nơi đây chứng kiến từ 3 - 12 tay đua tử nạn khi cố gắng chinh phục hành trình gian nan này,
Bản thân đường đua này cũng trải qua nhiều lần cải tạo và thay đổi hàng năm. Hầu hết những điều chỉnh này là để rút ngắn chiều dài chặng đua và nâng cao mức độ an toàn, đặc biệt sau các vụ tai nạn xe đua bốc cháy những năm 70, một trong số đó đã được dựng thành bộ phim về đề tài tốc độ "Rush" (2013). Từ đó đến nay, đoạn đường nguy hiểm nhất trong suốt hành trình là North Loop, thường được biết tới với cái tên Nordschleife. Đoạn đường này hiện có chiều dài 21 km với trên 150 khúc cua. Chính bản thân đường đua này cũng tương đối hẹp và có nhiều thay đổi rõ rệt về độ cao. Với ít chỗ thoát hiểm, nếu các tay đua mất kiểm soát tay lái sẽ rất dễ va phải các chướng ngại vật và thiệt mạng ngay lập tức. Tuy nhiên, ngày nay đường đua ít nhiều đã an toàn hơn so với giải đua Formula One trước năm 1976.
3. Indianapolis Speedway:
Kể từ năm 1909, đã có 56 vận động viên thiệt mạng tại đường đua Indianapolis Speedway. Đường đua có chiều dài chỉ vỏn vẹn 4 km này có cấu trúc hình bầu dục dài với hai đường đua thẳng ngắn và hai đường đua thẳng dài. Ngoài ra, đường đua được xây thêm một đoạn 1 km để các xe tăng tốc cực đại. Vận tốc trung bình của các xe đua vào khoảng 160 - 230 mph (257 - 370 km/h), tùy thuộc vào mỗi cuộc thi.
Trước đây, vận tốc của các tay đua thường thấp hơn song vẫn đủ để gây ra những vụ tai nạn kinh hoàng. Báo cáo cho thấy nhiều xe bị lăn bánh trong suốt những năm đầu tổ chức giải đua tại Indianapolis Speedway, nhiều tay lái và thậm chí thợ sửa xe đã thiệt mạng. Khi các tay đua tăng tốc, tình trạng xe đâm vào nhau rất khó tránh khỏi do mất độ bám đường, đặc biệt tại các khúc cua. Các xe thi đấu thường đâm sầm vào tường hoặc đâm vào xe khác, gây nên thương tích và thậm chí tử vong. Ghi nhận về thương vong mới đây là vào năm 2003, khi tay đua Tony Renna mất lái và va phải rào chắn.
4. Autodroma Nazionale Monza:
Nằm ở phía Bắc Milan (Italy), Monza được xây vào năm 1922. Đường đua có chiều dài 5,8 km này nổi tiếng bởi tốc độ do sở hữu nhiều đoạn đường thẳng, cho phép các tay đua "thả ga" hết cỡ. Điều này đã được chứng minh bởi loạt xe của giải đua F1 với vận tốc lên tới 230 mph (370 km/h) trước khi áp dụng quy định động cơ giới hạn vận tốc chỉ vượt quá 200 mph (322 km/h). Và tất nhiên, vận tốc "khủng" này cũng dẫn tới rất nhiều vụ đụng xe. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã có 52 tay đua, 1 quan chức và 35 khán giả bị tử vong tại đường đua này. Sau cái chết của tay đua Ayrton Senna, người ta bắt đầu thắt chặt các quy định về an toàn và từ đó làm giảm đáng kể tỷ lệ thương vong.
5. Circuit de Spa-Francorchamps:
Là nơi đăng cai tổ chức giải đua Formula One Belgian Grand Prix và giải đua đường dài Spa 24 Hours, Circuit de Spa-Francorchamps là "trận địa" thử thách lòng can đảm của mọi tay đua. Trước đây đường đua này có chiều dài 15 km khi được hoàn thiện vào năm 1921, sau đó tiếp tục được nối dài thêm 7 km. Tuy có chiều dài không quá ấn tượng song đây được xem là một trong những đường đua thách thức nhất tại Châu Âu bởi nhiều khúc lượn quanh co, nhiều đồi dốc và đoạn tăng tốc. Kể từ khi đi vào hoạt động, 47 tay đua ôtô và môtô đã tử nạn quanh đường đua này. Những thay đổi gần đây đã phần nào tăng độ an toàn cho Spa sau khi có thêm hai vụ tử vong kể từ sau năm 2000.
6. Daytona Speedway:
Daytona Speedway là nơi đăng cai tổ chức giải đua Daytona 500, giải đua nổi tiếng nhất trong loạt giải NASCAR Sprint Cup series. Đây là một trong hai vòng đua Sprint Car trong đó yêu cầu sử dụng restrictor plate để giới hạn tốc độ (restrictor plate là thiết bị gắn trên xe để giới hạn lượng khí nạp đầu vào của xe). Chính sách này được áp dụng rộng rãi sau khi xảy ra vụ đâm xe trầm trọng của tay đua Bobby Allison tại Talladega vào năm 1987. Trên thực tế, ngay cả khi các quy định mới được thi hành thì số vụ đụng xe và tử vong vẫn tiếp tục xuất hiện tại Daytona. Đường đua huyền thoại này đã lấy đi sinh mạng của 36 vận động viên suốt nhiều năm qua. Các sự cố bao gồm những vụ đâm xe "như cơm bữa", tai nạn do bị bệnh tim và thậm chí các thành viên đâm vào nhau. Đáng kể nhất là cái chết trên đường đua của vận động viên Dale Earnhardt Sr. trong vòng đua cuối cùng của giải đua Daytona 500 năm 2001.
7. Paris-Dakar Rally:
Thường được biết tới với tên gọi Dakar Rally, sự kiện này thử thách lòng kiên nhẫn của cả chủ nhân và chiếc xe đua. Ở các chặng đua 800+ km, các tay đua phải vượt qua nhiều dạng địa hình phức tạp như cát, bùn, đá, nước và cỏ. Tiền thân của giải đua này được tổ chức tại Châu Phi và ngày nay là Nam Phi do những bất ổn về quân sự và chính trị. Trải qua nhiều năm, giải đua sức bền này đã làm 28 tay đua và ít nhất 40 khán giả, nhà báo và quan chức tử vong. Khó có thể thống kê con số chính xác bởi số vụ tai nạn chết người của khán giả vẫn tiếp tục tăng lên. Không chỉ đâm xe, nổ mìn, nổi loạn mà ngay cả động vật cũng bị chết theo trong số các vụ tử vong và thương tích. Có lẽ "mầm mống" chết chóc tại Dakar Rally bắt nguồn từ khi Thierry Sabine, nhà sáng lập cuộc đua, bị thiệt mạng khi đang thám hiểm hành trình này vào năm 1986.
8. Circuit de la Sarthe:
Bất kỳ fan hâm mộ nào của trò chơi video Gran Turismo đều biết đường đua này là một cung đường dài, thẳng với hai chặng phức tạp ở giữa hành trình. Đây là vòng đua nổi tiếng của giải 24 Hours of Le Mans. Nằm tại Le Mans (Pháp), Circuit de la Sarthe được xây vào năm 1923 với các đoạn đua được xây phục vụ việc thi đấu và đường công cộng. Trong những năm đầu tổ chức giải đua, tình trạng va chạm trên các trục đường công cộng vẫn thường xuyên diễn ra. Và bởi các xe ôtô đều có công suất lớn, nên số vụ tai nạn và tử vong liên quan tới tốc độ không ngừng gia tăng.
Tốc độ trung bình thường vào khoảng trên 200 mph (322 km/h). Tổng số vụ tử vong của vận động viên lên tới 22 vụ và gần đây nhất là vào năm 2013. Vụ tai nạn thảm khốc nhất xảy ra vào năm 1955 khi một xe đua mất lái và đâm vào đám đông, làm 85 khán giả thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Từ đó đến nay, người ta liên tục áp dụng các chính sách thay đổi để hạn chế tốc độ tối đa cũng như bảo vệ người hâm mộ.
9. Baja 1000:
Nếu như ở hầu hết các giải đua, bạn có thể an tâm mình không bao giờ bị cướp, bị bắn hay bị bắt cóc, thì tại đường đua Baja 1000, ngay cả khi sự kiện này không giết chết nhiều tay đua thì nó vẫn là một trong những giải đua nguy hiểm nhất trên thế giới. Baja 1000 là một đại hội thường niên với sự quy tụ của nhiều tay đua môtô, ôtô, xe tải và xe buggy cùng chinh phục thử thách khó khăn tại bán đảo Baja (Mexico). Dù có tên gọi Baja 1000 song cuộc đua này có chiều dài chưa tới 1000 dặm (1.609 km). Song các tay đua dường như không mấy để tâm bởi còn đang mải mê tìm kiếm các chướng ngại vật và phấn khích tận hưởng đám đông đang cổ vũ hò reo. Nếu bạn nghĩ Baja 1000 chưa đủ thử thách, hãy suy nghĩ lại bởi nơi đây còn có sự tham gia của nhiều băng nhóm, băng đảng ma túy và các cựu sỹ quan cảnh sát bắt cóc các tay đua hoặc thậm chí đột nhập nhà xác địa phương để lấy cắp thi thể các nạn nhân bị giết trong khi thi đấu. Vào năm 2007, một máy bay trực thăng chở trùm ma túy đã va vào cuộc đua và cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Trong khi hàng chục khán giả và tay đua tử vong và thương tích bởi sự kiện này, người ta vẫn không quên sự tham gia của nhiều ngôi sao nổi tiếng như tay đua Jimmie Johnson của giải NASCAR, diễn viên Paul Newman và huyền thoại tốc độ Steve McQueen, có lẽ chính bởi thế mà Baja 1000 vẫn thu hút hàng trăm ngàn khán giả tới đây mỗi năm, bất chấp những rủi ro và nguy hiểm.
10. Targa Florio:
Targa Florio là giải đua sức bền tổ chức trên hòn đảo Sicily mộng mơ của Italy từ năm 1906 - 1977. Hành trình này đã chứng kiến nhiều đổi thay từ những ngày đầu đi vào hoạt động cho tới chặng đua cuối cùng dài 72 km trên các tuyến đường giao thông công cộng. Vào thời gian đó, đây được xem là một trong những đường đua chết chóc nhất Châu Âu.
Đây là vòng đua trong đó giải đường trường World Rally Championship được xem là quá nguy hiểm để thực hiện vào giữa những năm 70. Bởi ở giải này, người ta sử dụng các xe đua có công suất trên 300 mã lực, dẫn động cầu sau (RWD) và chạy tốc độ cao trên địa hình sỏi và tuyết. Trên thực tế, Targa Florio không phải một giải đua có tốc độ nhanh nhất hay khiến hầu hết các tay đua tử vong. Vận tốc trung bình chỉ vào khoảng 120 km/h và có duy nhất 9 tay đua bị hi sinh. Điều đáng nói ở đây là giải đua này chạy xuyên qua nhiều dãy núi và đoạn đường nhưng không hề có rào chắn bảo vệ. Vào năm 1978, giải đua này được chuyển đổi từ đua sức bền sang loạt đua đường trường và được tiếp tục cho tới ngày nay.
Theo Therichest