'Kiến nghị Thủ tướng xóa nhiều trạm thu phí'

Admin
Trước tình trạng nhiều trạm đặt sai vị trí, lạm thu phí cầu đường, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô VN, Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ kiến nghị Thủ tướng xóa bỏ một số trạm.

- Dưới góc nhìn của chuyên gia giao thông, ông đánh giá thế nào về mạng lưới thu phí đường bộ hiện nay?

- Thông tư 90 năm 2004 của Bộ Tài chính đã quy định khoảng cách các trạm thu phí tối thiểu là 70km, song theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải ôtô VN, khoảng cách giữa các trạm thu phí hiện nay 30-40 km. Tuyến đường từ Hà Nội đi Hải Hậu (Nam Định) dài 130km song có tới 4 trạm thu phí, tuyến quốc lộ 18 chưa đến 100 km cũng có 4 trạm, từ TP HCM đi Buôn Ma Thuột dài 350km có 7 trạm.

Cá biệt, quãng đường thị xã Thủ Dầu Một đến Vĩnh Phú (thị trấn Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương) dài 16 km cũng có trạm thu phí Suối Giữa. Hay từ Vĩnh Phú đi Bình Triệu (tỉnh Bình Dương) dài 8km cũng có một trạm thu phí.

Theo tôi, chủ trương thu phí giao thông trên đường bộ là đúng vì phải tăng chi cho bảo trì đường bộ, hiện vốn ngân sách chỉ có khoảng 40% nên phải huy động xã hội hóa. Tuy nhiên, cự ly đặt ra không phù hợp gây bức xúc cho người tham gia giao thông, nhất là các doanh nghiệp vận tải.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Đoàn Loan.

- Ông nghĩ sao về việc các trạm thu phí lập thêm các trạm phụ để chống thất thu, như tại tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài?

- Hiện cũng có nhiều tuyến đường đã đặt trạm phụ song vấn đề là bố trí thế nào cho hợp lý và phải chắc chắn là người ta đi vào tuyến đường đó. Trạm phụ cũng phải được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tôi được biết các trạm phụ ở tuyến Bắc Thăng Long không được phép của cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ, trạm thu phí tại xã Hải Bối thì phải đặt sát đường lên cầu Thăng Long, không để người dân đi từ phía Hải Bối vào khu công nghiệp Bắc Thăng Long (không lên cầu, đường) mà vẫn chịu mất phí.

- Trong quá trình hoạt động, ông có nhận thấy các trạm thu phí nào bất cập giống khu vực Bắc Thăng Long?

- Tôi thấy nhiều doanh nghiệp đầu tư BOT đang đặt trạm thu ở vị trí không hợp lý để tận thu. Ví dụ trạm Tam Kỳ ở Quảng Nam, mục đích là thu phí của tuyến đường tránh qua thị xã song đặt trạm trên quốc lộ 1, cách tuyến tránh tới 1km, nên đã thu tiền cả phương tiện trên quốc lộ 1. Trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội (TP HCM) cũng vậy, mục đích thu phí đường Điện Biên Phủ thì lại đặt trạm trên xa lộ và thu phí các xe trên tuyến này, gây bức xúc cho lái xe.

Trạm phí phí phụ trên tuyến Bắc Thăng Long. Ảnh: Xuân Tùng.

- Có ý kiến cho rằng, tình trạng lạm thu là do cơ chế đầu tư BOT - giao cho doanh nghiệp đầu tư và quản lý trạm thu phí. Quan điểm của ông thế nào?

- Mục đích loại hình BOT là huy động nhiều thành phần tham gia đầu tư mạng lưới đường giao thông, đây là chủ trương đúng. Song các cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát chặt chẽ việc lập trạm thu, không thể để cho doanh nghiệp lạm thu trên nhiều tuyến đường, như trường hợp tại trạm thu tại xa lộ Hà Nội.

Chi phí vận tải chiếm khoảng 10% doanh thu nên nếu thu nhiều sẽ thiệt hại tới vận tải hàng hóa... Ngoài ra, khi phải dừng lại mua vé, trả vé gây chậm trễ, chi phí nguyên liệu tăng lên khi xe khởi động.

- Trước những bức xúc như vậy, tại sao Hiệp hội Vận tải VN không có ý kiến tới các cơ quan chính quyền?

- Chúng tôi đã gửi nhiều ý kiến đến các Sở Giao thông Vận tải các địa phương bởi những trạm này thường do địa phương quản lý. Tuy nhiên, sắp tới Hiệp hội sẽ có văn bản gửi tới Thủ tướng kiến nghị giải quyết tình trạng này.

Tôi thấy rằng thu phí cầu đường là để hoàn vốn hoặc để bảo trì những con đường vừa được cải tạo nâng cấp. Tuy nhiên, một số tuyến đường vẫn thu qua nhiều năm mà không có sự sửa chữa gì.

Đoàn Loan thực hiện

autovina