Nhộn nhịp kẻ bán người mua, nhu cầu mua ô tô trả góp tăng nhanh cận Tết

Admin
Như mọi năm, càng gần Tết Nguyên đán, thị trường ô tô trong nước càng trở nên sôi động. Với hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá kịch sàn từ các nhà sản xuất ô tô, nhiều khách hàng cũng phát “sốt” với mong muốn có một chiếc ô tô để cả nhà đi chơi Tết. Đây cũng là thời gian mà nhu cầu mua ô tô trả góp bùng nổ.
Thị trường ô tô cận Tết Nguyên đán sôi động với hàng loạt chương trình giảm giá sâu chưa từng có.
Cụ thể, tại thời điểm đầu năm 2020, cận Tết Nguyên đán Canh Tý, giá xe ô tô giảm sâu chưa từng có, thậm chí nhiều mẫu giảm giá sâu ngay từ những ngày đầu tháng 1 như Toyota Innova 2.0E MT được giảm tới 100 triệu đồng, chỉ còn 671 triệu đồng- rẻ chưa từng có từ trước đến nay, hay Mazda Cx-8 Premium và Premium AWD cũng được giảm tới 100 triệu đồng, Honda HR-V 1.8G được giảm giá tiền mặt 95 triệu đồng, Mazda 2 được ư đãi 60 triệu đồng và Mazda 6 ưu đãi giảm từ 41-61 triệu đồng, Ford Explorer giảm tới 75 triệu đồng….
 
Giảm giá đi kèm với các gói quà, phụ kiện khiến cho nhiều người không khỏi nôn nóng muốn xuống tay mua xe vì sợ qua thời điểm này, giá xe lại cao lên.
 
Nắm bắt tâm lý người mua, hàng loạt các đại lý đã liên kết với các ngân hàng để thực hiện chương trình mua xe ưu đãi trả góp. Mức lãi suất trả góp được chào tại các đại lý cũng khá hấp dẫn, phổ biến dao động từ 6,9-9% năm trong năm đầu tiên, áp dụng cho các gói vay từ 3-8 năm. Các năm sau, mức lãi suất trở lại với mức thị trường. Có thể kể đến một số ngân hàng đang áp dụng như: VPBank áp dụng lãi vay từ 7,49%/năm, TPBank từ 7,6%/năm, BIDV từ 8%/ năm, Techcombank từ 8,29%/năm,…
 
Mua ô tô trả góp giúp nhiều người có cơ hội sở hữu một chiếc xe "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu"
 
Thủ tục thanh toán thông thoáng, hạn mức cho vay cao, lên đến 70-80, thậm chí 90% giá trị xe. Một vài ngân hàng còn tài trợ trên cả mức chi phí đăng ký nữa, tức là tổng giá xe ô tô lăn bánh. Một chiếc xe Hyundai I10 khách hàng chỉ phải bỏ ra chưa đến 100 triệu là có thể có xe để chạy. Không những vậy, thời gian xét duyệt hồ sơ vay cũng khá nhanh, có nơi chỉ trong vài giờ đồng hồ khiến khách hàng không kịp trở tay, đặt bút ký hợp đồng khi thậm chí vẫn còn đang lưỡng lự.
 
Dường như, tất cả các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đều đang hết sức hỗ trợ cho những người đang có ý định/đang muốn mua ô tô. Tuy nhiên, đằng sau những thuận lợi đó, những gì khách hàng nhận lại được có tương xứng?
 
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Thiêm (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, với mức thu nhập của hai vợ chồng anh, tổng cũng chỉ được khoảng 20 triệu đồng/tháng, với mức sống đắt đỏ như ở Hà Nội, chi tiêu sinh hoạt cho gia đình 4 người cũng không dư được bao nhiêu, nếu không tận dụng cơ hội giảm giá sâu sản phẩm cũng như ưu đãi mua trả góp từ phía ngân hàng, rất khó có thể mua được chiếc xe để che nắng che mưa, đưa đón con cái đi học. Anh thậm chí đã phải tham khảo nhiều đại lý trước khi đặt bút để mua xe trong tháng 1 này. Anh Thiêm cũng lưu ý, khi tìm hiểu tại các đại lý ô tô, khách hàng thường được “ép” khéo bằng các chiêu của nhân viên bán hàng như nếu không mua trong tuần này thì sẽ không được mức giá ưu đãi như vậy, chương trình ưu đãi riêng của đại lý sắp kết thúc, không mua ngay sẽ không kịp…. nên nếu tâm lý không vững, sẽ khó có được mức giá tốt nhất.
 
Một số kinh nghiệm "thương đau" khi mua xe trả góp khác cũng được các khách hàng chia sẻ như việc, khi tìm hiểu mức vay, nhiều người chỉ quan tâm tới lãi suất năm đầu, đến những năm sau, mức chi trả lãi và gốc tăng vọt (do trở lại mức vay thị trường) khiến họ không khỏi "choáng". Với mức vay càng nhiều, thời gian càng lâu thì số tiền phải trả cho chiếc xe càng lớn, nếu tài chính không ổn định, không vững, thậm chí có thể bị ngân hàng tịch thu xe, đấu giá khi không trả lãi kịp thời hạn. Bên cạnh đó, người mua còn phải đối diện với "án" nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
 
Anh Hà Văn Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chia sẻ, năm ngoái, anh có đặt mua một chiếc ô tô Toyota Vios theo hình thức trả góp, số tiền vay chỉ 200 triệu, lãi suất ngân hàng 8%/năm. Tại thời điểm mua, cả gia đình khá hồ hởi với chiếc xe mới, Tết nhất, cả nhà có xe để đi lại thuận tiện hơn nhiều. Tuy nhiên, sau thời điểm Tết năm ngoái đến giờ, số lần đánh xe ra khỏi hầm gửi xe lại quá ít, trong khoảng chục lần. Trong khi đó, chi phí “nuôi” xe như gửi xe hàng tháng, phí đường bộ, rồi trừ đi khấu hao xe… so sánh với việc đi thuê xe mỗi lần nhà có việc như trước thì cũng không khỏi giật mình. “Quả thực là việc mua xe như vậy không cần thiết lắm nên rẻ tự nhiên lại hóa đắt”, anh Minh chia sẻ.