Đã từng có thời kỳ, hãng độ Hungary Jakusa Design chỉ chú tâm vào những “cỗ máy hư ảo”. Nhưng nay thì mọi chuyện đã khác khi họ trình làng tác phẩm Yamaha VMAX độ để tưởng nhớ mẫu môtô từng vang bóng một thời Pannonia P5.
Pannonia là hãng mô tô quốc gia của Hungary và là thương hiệu mới thay thế nhà sản xuất Csepel trước đây, với sứ mệnh tạo nên mẫu Pannonia P5 đầy hấp dẫn với các thị trường khác tại Châu Âu. Bắt đầu đi vào sản xuất tại Budapest năm 1954, nhà máy Pannonia đã bắt tay thiết kế gần 1 triệu mẫu xe trong giai đoạn vận hành.
Công việc sản xuất bị đình trệ vào năm 1975 sau khi Xô Viết – với sự bành trướng thế lực sang nhiều nước thuộc khối Cộng sản cũ – đã ra lệnh đóng cửa nhà máy trong chiến dịch triển khai các chương trình đối với Hungary. Tuy nhiên, những mẫu xe của Pannonia vẫn đặt dấu mốc quan trọng trong thời kỳ này, đặc biệt khi một chiếc môtô của hãng từng giành ngôi vô địch của giải đua Bol d’Or race 24 giờ vào năm 1956.
Với quá khứ lẫy lừng của Pannonia thuở nào, hẳn bạn sẽ khó quên khi diện kiến mẫu Yamaha VMAX độ, phiên bản thời hiện đại của chiếc Pannonia P5 xưa kia và là tác phẩm của nhà thiết kế người Hungary Tamas Jakus thuộc hãng độ Jakusa Design.
Phiên bản mới này được thực hiện với sự hỗ trợ của hãng chế tạo Life Motors. Jakusa Design đã kết hợp hai thế giới khác nhau trong cùng một mẫu môtô, mang xu hướng hiện đại mà vẫn phảng phất hơi hướng hoài cổ, vinh quang thuở xưa của Pannonia. Và mặc dù bạn có thể không phải fan hâm mộ của xu hướng thiết kế theo phong cách retro, cũng rất dễ ngẩn ngơ trước mẫu xe độc đáo này.
Yamaha VMAX phiên bản độ được “chế tác” từ những linh kiện cũ gồm đèn pha cổ điển, bộ ngắt đánh lửa thú vị, đồng hồ công tơ một mặt số. Chụp sườn xe cũng được thiết kế phù hợp với phong cách của Pannonia, với 3 vạch ngang màu đỏ gợi liên tưởng mẫu P5 thuở nào và dấu ấn của các giải đua xe sôi động.
Động cơ VMAX đặt tại khung sườn Yamaha được điều chỉnh đôi chút để phù hợp hơn với xu thế hiện đại ngày nay, trong khi nắp chụp của bộ giảm xóc sau vẫn gợi ánh nhìn hoài cổ. Yên xe bọc da được thiết kế dạng phẳng, đủ rộng rãi cho cả hai người và bình xăng cũng được đặt thấp hơn.
Chiếc xe cũng gây chú ý với tay lái drag được giữ cố định chắc chắn theo phong cách cổ điển trong khi vẫn bảo đảm tính linh hoạt và cơ động của “mãnh thú” 200 mã lực. Ngoài ra, điểm nhấn của VMAX còn nằm ở bộ đèn pha LED nhỏ nhắn, kết hợp hài hòa với thiết kế tổng thể để làm nên phong cách đậm chất retro.
Cuối cùng, nhà thiết kế đã điều chỉnh hệ thống pô xả 4 ống thành hệ thống 2 ống gọn nhẹ và thể thao hơn, được đặt tại bên phải của xe.
Điều đáng tiếc là chúng ta sẽ không còn được chứng kiến sự xuất hiện của Yamaha VMAX trên thị trường trong thời gian sắp tới, bởi hãng môtô Nhật Bản không có ý định xây dựng một thế hệ kế tiếp đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4, hay thiết kế lại phiên bản động cơ hiện nay.