Giá đắt, bán chậm,... kinh doanh xe máy phân khối lớn đang gặp nhiều khó khăn, gây thất vọng thì nghịch lý là, nhiều thương hiệu xe phân khối lớn lại đua nhau gia nhập thị trường.
Đắt gấp đôi, gấp ba giá thế giới
Từ đầu năm đến nay doanh số bán của các thương hiệu xe phân khối lớn chỉ ở mức vài chục chiếc. Một số thương hiệu vốn được kỳ vọng nhưng lại gây thất vọng. Có thương hiệu với 6-7 mẫu xe, nhưng cả năm 2016 bán chưa nổi 400 chiếc. So với thị trường các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia,... thì con số này thấp hơn nhiều lần.
Doanh số nghèo nàn trên đã phản ánh rõ nhất về một thị trường xe phân khối lớn kém hấp dẫn của Việt Nam. Không ít người đã đưa ra nhận định sai lầm khi cho rằng, thị trường xe phân khối lớn sẽ bùng nổ khi người dân được thi bằng A2. Nhưng bằng không phải là yếu tố quyết định, vấn đề mấu chốt ở đây chính là giá bán vẫn còn cao.
Giá xe bán ra tại Việt Nam cao, là do thuế phí cao. Thuế suất thuế nhập khẩu xe máy phân khối lớn hiện từ 65-75%, tùy loại; cùng với đó là thuế tiêu thụ đặc biệt 20% và thuế GTGT 10%. Đó là chưa kể các mẫu xe còn chịu thêm phí vận chuyển, phí lưu kho, phí đăng kiểm,...
Tính ra, trung bình một chiếc xe được nhập về thị trường Việt Nam có giá cao gấp 2-3 lần so với giá xe thế giới. Chẳng hạn, mẫu xe Kawasaki Z1000 hay Honda CB bán ở thị trường Mỹ khoảng 11.000-12.000 USD, về Việt Nam, sau khi đóng các khoản thuế phí giá đội lên tới khoảng 25.000-28.000 USD.
Giá bán cao, trong khi thu nhập của người dân vẫn còn thấp, đã trở thành rào cản, khiến cho thị trường không phát triển.
Thời gian qua, giá bán các loại xe máy phân khối lớn có giảm, nhưng mức giảm không nhiều, chỉ khoảng 2-5%, mẫu nào giảm mạnh nhất cũng chỉ ở mức 10%. Với những chiếc xe có giá từ 500 triệu đến hơn1 tỷ đồng mà giảm chỉ vài chục triệu đồng thì không thấm vào đâu, chưa đủ để kích cầu tiêu dùng.
Không những thế, những chiếc xe phân khối lớn giảm giá đa số là xe đời cũ, tồn kho do ế ẩm kéo dài, cũng không được khách hàng ưa chuộng.
Sẽ bùng nổ?
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cho hay, thị trường xe phân khối lớn Việt Nam sắp bước vào giai đoạn phát triển.
Theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do đã ký, thời gian tới thuế nhập khẩu với những dòng xe này sẽ giảm dần. Cụ thể, thuế nhập khẩu xe máy phân khối lớn từ khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, EU, Mỹ,... sẽ giảm dần và bãi bỏ trong vòng 7 năm nữa, khiến dòng xe này có cơ hội giảm giá. Khi đó, giá một chiếc xe phân khối lớn sẽ chỉ còn bằng nửa hiện nay.
Giá xe giảm mạnh, trong khi thu nhập người dân tăng lên, đó chính là cơ hội để nhiều người tìm đến xe phân khối lớn, giải tỏa "cơn khát" lâu nay.
Không chỉ các DN xe máy mà những DN cung cấp linh kiện cũng tin tưởng vào điều này. Đại diện thương hiệu lốp xe Michelin cho biết, tới năm 2020, doanh số bán lốp xe máy phân khối lớn của Michelin sẽ tăng trưởng dự kiến là 25%. Trong khi đó, ở hạng mục xe phổ thông thì khiêm tốn, chỉ ở mức 5%.
Vào năm 2020, ngành công nghiệp xe máy Việt Nam sẽ có một sự chuyển dịch lớn đối với các dòng xe phân khối lớn bởi sự phát triển về chất lượng của những người chơi xe tại Việt Nam. Một số thương hiệu cho biết đang tính tới mở nhà máy sản xuất lắp ráp xe phân khối lớn tại Việt Nam.
Cụ thể, Honda Việt Nam vừa công bố chính thức tham gia vào mảng kinh doanh xe phân khối lớn với việc cung cấp nhiều mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc cùng cùng mạng lưới cửa hàng chuyên biệt. Công ty này dự kiến phân phối các mẫu xe Rebel 300, CB400SF, CB500F, CBR từ 250cc đến 1.000cc, Gold Wing và Africa Twin.
Còn Piaggio Việt Nam cũng cho biết, trong năm nay sẽ chính thức mở chuỗi đại lí mới với sự góp mặt của thương hiệu xe phân khối lớn là Aprilia và Moto Guzzi. Trong đó, đáng quan tâm có mẫu Aprilia RSV4 RF 2017 và Moto Guzzi V9 Bobber.
Như vậy, thị trường xe máy phân khối lớn Việt Nam đến nay đã tề tựu khá đầy đủ những tên tuổi nổi tiếng thế giới như Benelli, KTM, Ducati, Harley-Davidson, Kawasaki, BMW Motorrad, Honda, Aprilia và MotoGuzzi. Thậm chí, cả thương hiệu Hyosung của Hàn Quốc cũng đã góp mặt.
Mặc dù hiện vẫn khó khăn, nhưng nhiều DN xe máy phân khối lớn cho biết vẫn coi Việt Nam là thị trường trọng điểm và đang nhanh chóng đa dạng hóa danh mục sản phẩm và xây dựng mức giá hợp lý để chinh phục khách hàng.
Theo Vietnamnet (tên tiêu đề do Autovina đặt lại)