Xe máy, ôtô sẽ nộp phí bảo trì đường?

Svetlauz
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang nghiêng về phương án thu phí bảo trì đường bộ trực tiếp trên đầu xe cộ lưu thông. Nếu theo cách này, mỗi ôtô sẽ phải chịu mức phí từ 180.000 đồng đến 1,44 triệu đồng/tháng, còn xe máy phải chịu phí từ 80.000-150.000 đồng/tháng.

Báo cáo bổ sung việc xây dựng nghị định quỹ bảo trì đường bộ lên Thủ tướng, Bộ GTVT đề xuất hai phương án thu phí tạo quỹ bảo trì đường bộ gồm: thu phí sử dụng đường bộ qua giá xăng, diesel tiêu thụ và thu trực tiếp theo đầu phương tiện ôtô, xe gắn máy theo tháng. Trên cơ sở phân tích hai phương án, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng lựa chọn phương án thu phí trực tiếp theo đầu phương tiện sử dụng đường bộ thay cho cách thu qua xăng dầu và qua trạm thu phí như hiện nay.
 
“Không nhầm đối tượng”
 
Theo phương án thu phí trực tiếp theo đầu phương tiện mà Bộ GTVT kiến nghị, ôtô sẽ chịu mức phí từ 180.000-1,44 triệu đồng/tháng (tùy loại xe), môtô, xe máy chịu phí từ 80.000-150.000 đồng/tháng (tùy loại xe)
 
Bộ GTVT thừa nhận ôtô ở VN đang gánh nhiều loại thuế, lệ phí, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với ôtô tuy có tạo thêm chi phí cho người sử dụng nhưng tỉ trọng tăng so với chi phí hiện tại cho người sử dụng ôtô đang phải trả là không lớn. Nếu thực hiện thu phí với ôtô thì sẽ thu theo tháng và kiểm soát thông qua công tác kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
 
Đến hết tháng 11-2010 cả nước có 1.256.488 ôtô được kiểm định. Nếu thực hiện mức thu tương đương 1.000 đồng/lít xăng, dầu thì mức thu phí sử dụng đường bộ qua ôtô là 4.535 tỉ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí tổ chức thu (1,5%, tương đương 68 tỉ đồng/năm), số tiền quỹ thu được từ ôtô là 4.467 tỉ đồng/năm.
 
Đối với môtô, xe máy các loại, Bộ GTVT ước tính nếu thu tương đương 1.000 đồng/lít xăng, với 31.155.154 môtô, xe máy hiện nay sẽ đạt khoảng 3.243 tỉ đồng/năm. Trong giai đoạn đầu mới hình thành, dự kiến số thu cho quỹ đạt khoảng 1.600 tỉ đồng/năm (tương đương 50% số phải thu).
 
Để thu phí sử dụng đường bộ theo đầu môtô, xe máy, chủ phương tiện sẽ phải trả phí sử dụng đường bộ theo năm cùng với năm mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
 
Việc tổ chức thu phí đường bộ kết hợp khi bán bảo hiểm, đơn vị thu sẽ được hưởng tỉ lệ dự kiến khoảng 5% kinh phí thu được (khoảng 80 tỉ/năm). Số tiền còn lại sau khi trừ chi phí tổ chức thu sẽ được chuyển vào quỹ bảo trì đường bộ. Khi có quy định về kiểm định khí thải với môtô, xe máy thì công tác thu phí sẽ thực hiện cả ở các trạm kiểm định khí thải.
 
Bộ GTVT cho rằng ưu điểm của phương án thu phí theo đầu phương tiện là không bị nhầm đối tượng, chỉ có phương tiện giao thông đường bộ mới phải chịu phí, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng chịu phí, đồng thời ít gây áp lực với việc tăng giá cả hàng hóa và phù hợp trong điều kiện cụ thể của VN.
 
Nhược điểm của phương án này là việc thu phí với môtô, xe máy đang lưu hành có khó khăn nên khả năng sẽ có thất thu với đối tượng này; nếu thu phí ôtô thì những ôtô đăng ký mới phải nộp phí lần đầu cho từ 2,5-3 năm lưu hành theo chu kỳ cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
 
 
Xử lý trạm thu phí để tránh phí chồng phí
 
Trong báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cũng đề xuất giải pháp xử lý các trạm thu phí sử dụng đường bộ hiện nay để tránh hiện tượng phí chồng phí khi triển khai thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện.
 
Bộ GTVT cho biết đến hết năm 2010 trên hệ thống quốc lộ cả nước có 59 trạm thu phí. Trong đó có 17 trạm thu nộp ngân sách nhà nước để cấp lại cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, 6 trạm thu để trả nợ, 6 trạm bán quyền thu phí, 30 trạm BOT. Để tránh hiện tượng phí chồng phí, Bộ GTVT đề nghị quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-7-2012 để có đủ thời gian cần thiết cho việc xử lý các trạm thu phí hiện nay.
 
Theo đó, hướng giải quyết đối với các trạm thu phí theo hình thức BOT là tiếp tục thu để hoàn vốn đầu tư và bảo trì công trình đường bộ cho nhà đầu tư. Với các trạm thu phí đã bán quyền thu phí, đề nghị cho tiếp tục thu đến khi thực hiện xong hợp đồng chuyển giao quyền thu phí (tối đa đến hết năm 2015). Đối với các trạm thu phí để trả nợ vay đầu tư thì trước ngày 30-6-2012 Bộ GTVT sẽ chuyển giao 5-6 trạm sang thực hiện thu phí hoàn vốn dự án BOT, 18 trạm còn lại sẽ xóa bỏ.
 
Do còn duy trì hoạt động của các trạm thu phí đã bán quyền thu phí đến hết năm 2015, Bộ GTVT đề nghị chiết giảm giá trị phí đã thu ở các trạm này trong số thu trực tiếp theo đầu phương tiện để tránh phí chồng phí. Theo tính toán, số thu của các trạm thu phí đã bán quyền thu phí hiện nay khoảng 220 tỉ đồng/năm. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị giảm 5% số thu trực tiếp theo đầu phương tiện so với phương án đã tính toán ở trên (mức thu này được khôi phục dần khi có trạm thu phí bị xóa bỏ hằng năm).
 
Cần 12.000 tỉ đồng/năm
 
Theo Bộ GTVT, việc thành lập quỹ bảo trì đường bộ được Luật giao thông đường bộ 2008 quy định tại điều 49 giao Chính phủ quy định việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ ở trung ương và địa phương. Hiện nay nhu cầu kinh phí bảo trì đường bộ cần khoảng 12.200 tỉ đồng/năm.
 
Thực tế nguồn vốn cấp cho bảo trì đường bộ chưa đạt 50% nhu cầu đối với quốc lộ, đối với đường địa phương tỉ lệ thấp hơn nhiều. Hiện nay mức thu phí của 17 trạm thu phí đường bộ nộp ngân sách nhà nước để cấp lại cho bảo trì đường bộ chỉ đạt khoảng 310,2 tỉ đồng/năm.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có 54 nước thành lập quỹ bảo trì đường bộ qua xăng dầu, tải trọng xe, xe quá cảnh, phí đăng ký sử dụng, phí sử dụng đường bộ, cầu phà, phí đăng kiểm xe, thuế đăng ký trước bạ, phí đỗ xe và phạt vi phạm Luật giao thông.
 
Nếu VN lập quỹ bảo trì đường bộ thì sẽ thành lập ở trung ương và địa phương. Trong đó quỹ địa phương cơ bản tiếp nhận số tiền phân bổ từ quỹ trung ương, của ngân sách địa phương cấp cho bảo trì đường địa phương và các khoản thu liên quan đến sử dụng đường bộ theo quy định.
 
 
Theo TT
buiyen