Xe máy điện 'đổ bộ' vào Sài Gòn

Admin
iá xăng tăng, đội mũ bảo hiểm nóng bức, thị trường xe chạy điện nhanh chóng lên cơn sốt ở TP HCM. Kiểu dáng giống xe tay ga Attila, Nouvo với tốc độ 40 km một giờ, xe máy điện đang gây nhiều băn khoăn về tính an toàn trên đường phố.

Thời gian gần đây, người Sài Gòn đang đổ xô đi săn lùng phương tiện tiện lợi này, đặc biệt là giới học sinh. Với tốc độ tương đương loại gắn máy 50 phân khối, xe chạy điện nhanh chóng được cải tiến từ kiểu dáng của xe đạp sang môtô; nên nhiều người gọi luôn là xe máy điện.

Tại các trường phổ thông trung học trên địa bàn thành phố như Hùng Vương (quận 5), Lê Quý Đôn, quận 3... xe máy điện xuất hiện khá nhiều và đang nhận được sự hưởng ứng của giới trẻ vì nhiều tiện lợi lại không phải đăng ký, không cần đội mũ bảo hiểm.

Với thiết kế bộ khung gồ ghề, có đèn xi nhan, phuộc nhún, gương chiếu hậu, vành đúc, xe có thể chở gần 170 kg. Đặc biệt tốc độ có thể lên hơn 40 km một giờ (cao hơn 10 km/h so với xe đạp điện). Kiểu dáng được chuyển thành nhiều dạng giống với xe tay ga Attila, Nouvo... là những biến tướng của xe chạy bằng điện không có bàn đạp này.

Chủ cửa hàng xe đạp 107 đường Võ Thị Sáu, Q.3 cho biết, tiệm luôn trong tình trạng “cháy” hàng xe máy điện, dù mỗi tháng nhập về gần 500 chiếc. Hầu hết đều nhập thiết bị nước ngoài như động cơ của Đài Loan, một số phụ tùng Trung Quốc... về lắp ráp trong nước. Giá 6-7 triệu đồng một xe, tùy loại.

Theo ông Vũ Tiến Hảo, Giám đốc công ty TNHH Cơ điện Delta - nhập khẩu xe máy điện, đã có hơn 10.000 xe loại này được công ty bán ra. Trên khắp các tỉnh thành đều có đại lý phân phối và hiện công ty không đáp ứng nổi nhu cầu ngày một tăng cao.

Anh Quang, nhà ở quận 3, vừa mua cho con chiếc xe máy điện giả giống Attila hiệu Delta cũng nói: "Chiếc xe rất đẹp, lại tiện lợi, vừa nhìn tôi đã thấy ưng ngay, giá cả cũng hợp với túi tiền người dân". Còn Thảo nữ sinh lớp 11 cũng "kết" một chiếc xe máy điện thời trang để tiện đi ôn thi.

Tuy nhiên, bên cạnh các tiện ích, chất lượng cũng như quy định lưu hành xe máy điện đang được các cơ quan quản lý thả nổi. Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an TP HCM cho biết, căn cứ thông tư 01 của Bộ Công an, xe máy điện không nằm trong phạm vi quy định đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Vì vậy lực lượng CGST không cấp biển số đăng ký cho loại phương tiện này".

ông Trịnh Đức Chinh, Phó Cục đăng kiểm Việt Nam khẳng định hiện vẫn chưa có thống kê chính thức về số lượng xe máy điện đã được nhập. "Dù không phải đăng ký nhưng việc xe máy điện xuất hiện tràn lan trên đường phố cộng thêm đối tượng sử dụng là những học sinh, trong khi tốc độ khá cao lại không đội mũ bảo hiểm là những vấn đề các cơ quan chức năng cần phải lưu ý để quản lý chặt hơn", ông Chinh nhấn mạnh.

Chưa tiếp nhận trường hợp nào bị tai nạn do xe máy điện nhưng trao đổi với báo chí, bác sĩ Trương Văn Việt, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, khẳng định: "40 km giờ là tốc độ đủ để gây tử vong hoặc thương tật suốt đời cho người điều khiển phương tiện nếu xảy ra té ngã".

Theo bác sĩ, ở một số nước, kể cả người đi xe đạp cũng phải đội mũ bảo hiểm. Loại mũ dành cho người đi xe đạp có thể nhẹ hơn, có khả năng chống va đập phù hợp với tốc độ của phương tiện. Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê cụ thể số ca bị thương khi đang điều khiển xe máy điện nhưng theo ông Việt, để tránh tai nạn, đã điều khiển phương tiện có tốc độ cao thì nên đội mũ bảo hiểm.

Đại diện Phòng cảnh sát giao thông đường bộ TP HCM cũng tỏ ra e ngại khi thành phố đang rộ lên phong trào đi xe máy điện nhưng tất cả người ngồi trên xe đều không đội mũ bảo hiểm. Vị này cho rằng, hiện nay dù không có quy định bắt buộc nhưng tốt nhất khi tham gia giao thông bằng xe máy điện, người lái nên tự nguyện đội mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn.

Cường Chương Quang
autovina