Việt Nam xuất khẩu ôtô: Tin được không?

Svetlanauhn
Mức thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ hạ xuống 0% vào năm 2018, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam không được lợi gì bởi không thể xuất khẩu ô tô. Thực tế không hẳn là như vậy.

Để được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu xe sang các nước trong khu vực, ôtô sản xuất tại Việt Nam phải đạt hàm lượng nội địa hóa 40% trở lên. Tỷ lệ này đang gây khó cho DN nhưng không phải là không làm được.

Xuất khẩu ô tô: Không quá khó

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn ô tô Trường Hải, cho biết Trường Hải đang hợp tác với 3 nhà sản xuất ô tô nước ngoài lớn, tên tuổi là Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản) và Peugeot (Pháp) lắp ráp xe ô tô dạng CKD tại 2 nhà máy ở Chu Lai (Quảng Nam).

Với Kia, hiện tập đoàn này chỉ có 2 nhà máy, một tại Malaysia và một tại Việt Nam (hợp tác với Trường Hải mang tên Kia Thaco đặt tại Chu Lai, Quảng Nam).

Theo phân công của Kia Hàn Quốc thì Kia Malaysia sẽ lắp ráp xe tay lái nghịch vừa tiêu thụ tại Malaysia, vừa hướng tới xuất khẩu sang các nước sử dụng xe tay lái nghịch trong khu vực. Kia Thaco lắp ráp xe tay lái thuận, tiêu thụ tại Việt Nam và hướng tới xuất khẩu sang các nước sử dụng tay lái thuận tại Đông Nam Á.

Như vậy, thị trường của xe Kia thời gian tới sẽ không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã có kế hoạch xuất khẩu. Cho dù thời gian đầu, tỷ lệ nội địa hóa chưa đạt 40% nhưng vẫn có thể xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng yêu thích xe Kia, qua đó giúp mở rộng thị trường. Quy mô thị trường lớn, sản lượng tăng sẽ có điều kiện đẩy mạnh sản xuất linh kiện, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Không chỉ xuất khẩu xe, năm 2014 này Trường Hải cũng xuất khẩu linh kiện ô tô, sang Malaysia và nhập khẩu linh kiện từ Kia Malaysia để tăng tỷ lệ nội địa hóa nội khối. Các linh kiện Trường Hải sản xuất là bộ cản trước, cụm dây điện, ghế ngồi, sau nữa có thể là kính.

Với nhà máy Vina Mazda, công ty Mazda Nhật Bản đang cho phép xuất khẩu xe sang Lào, chấp nhận đắt hơn 70 USD/chiếc so với xuất khẩu từ Nhật Bản sang. Thời gian tới, xe Mazda lắp ráp tại Việt Nam có thể còn xuất sang thị trường Myanmar.

Dù có nhà máy lớn tại Thái Lan, nhưng với sự điều phối của công ty mẹ, Vina Mazda tại Việt Nam vẫn có thể sẽ là trung tâm lắp ráp xe tay lái thuận, ngoài bán trong nước sẽ xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á có sử dụng xe tay lái thuận. Cũng giống như Kia, cách làm này sẽ giúp thị trường của Vina Mazda được mở rộng, sản lượng tăng. Khi sản lượng tăng sẽ có điều kiện để đẩy mạnh sản xuất linh kiện, tăng nội địa hóa.

"Với xe Peugeot hướng đi trong tương lai cũng sẽ như vậy", ông Dương tiết lộ.

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), với việc sản xuất được toàn bộ khung xe ô tô con và một số linh kiện trong nước, Vinaxuki đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40% và hoàn toàn có lợi thế để xuất khẩu ô tô sang các nước Đông Nam Á.

Sau khi xuất thử một số xe nhỏ giá rẻ sang Myanmar và Campuchia, Vinaxuki thấy hoàn toàn có thể tiêu thụ được sản phẩm tại đây. Chỉ cần lắp động cơ tốt mang thương hiệu Nhật Bản là bán được. Người dân tại đây có thu nhập thấp, rất cần xe giá rẻ và khá dễ tính trong việc mua xe, chứ không khó tính như tại Việt Nam, ông Huyên cho hay.

Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu ô tô khi thuế suất cắt giảm về 0% vào năm 2018, cần có những chuẩn bị từ bây giờ. Với Nhà nước, cần có chính sách khuyến khích DN xuất khẩu ô tô, còn với DN như Vinaxuki phải đẩy mạnh làm thương hiệu và dịch vụ hậu mãi. Không như các thương hiệu tên tuổi khác được nhiều người biết đến, có thuận lợi sẵn, Vinaxuki là thương hiệu mới lạ, cần được khuyếch trương để tạo chỗ đứng vững chắc cho cạnh tranh với xe giá rẻ sản xuất tại Đông Nam Á đổ vào sau này.

"Vấn đề của chúng tôi hiện nay là thiếu vốn để đẩy mạnh sản xuất và mở thị trường, các ngân hàng không cho vay vì cho rằng đầu tư sản xuất ô tô có nhiều rủi ro", ông Huyên nói.

Ô tô ASEAN có dễ thâm nhập Việt Nam?

Ở chiều ngược lại, các DN cho biết, khi thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm về 0% vào 2018 thì xe nguyên chiếc chưa hẳn dễ vào Việt Nam.

Giám đốc một DN ô tô lý giải các dòng xe phổ biến và bình dân đang bán chạy tại thị trường Việt Nam đều được lắp ráp trong nước. Thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, vì vậy, không ít DN vẫn muốn bám trụ ở Việt Nam. Khi các DN ô tô tên tuổi vẫn bám trụ lại thì xe nguyên chiếc khó thâm nhập bởi sẽ có sự điều phối của công ty mẹ để các nhà máy của họ tại Việt Nam sống tốt.

Hơn thế nữa, DN thương mại hiện không được quyền nhập khẩu xe, chỉ có DN được ủy quyền từ chính hãng mới được phép. Các thương hiệu xe tên tuổi đều ủy quyền cho công ty con của họ tại Việt Nam nhập khẩu. Vì vậy, chỉ những xe không lắp ráp tại Việt Nam hay xe ít người sử dụng, chẳng hạn như dòng pick-up, mới nhập khẩu. Còn những mẫu xe đang lắp ráp và bán tốt sẽ khó có cơ hội được nhập về.

Không những thế, sắp tới hàng loạt các hàng rào phi thuế quan có thể sẽ được dựng lên, chẳng hạn: xe 9 chỗ trở xuống nhập chỉ được thông quan tại 2 cảng biển là Hải Phòng và TP.HCM; quy định cao với đại lý nhập khẩu về tài chính, kho bãi, bảo trì; thực hiện quy trình đăng kiểm nghiêm ngặt. Cùng với đó là nâng giá tính thuế thì xe nhập khẩu không phải dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam.

(theo VEF)

kynam