Vệ sinh khoang động cơ, cần lưu ý điều gì?

Admin
Khoang động cơ của ô tô bao gồm nhiều bộ phận quan trọng, do đó, việc vệ sinh khu vực này cần được thực hiện đúng cách để tránh ảnh hưởng đến máy móc, hệ thống điện cũng như các chi tiết khác.
Theo thời gian sử dụng, dù dược che chắn bởi nắp capô nhưng có nhiều yếu tố tác động khiến khoang máy ô tô bị bám bụi, dầu mỡ... làm ảnh hưởng đến khả năng tản nhiệt của động cơ cũng như giảm tuổi thọ của bình điện, hệ thống ống dẫn.
 
Bên cạnh đó, việc khoang động cơ của ô tô bị bẩn có thể tạo ra môi trường cho chuột vào làm tổ. Ngoài ra, nếu khoang máy quá bẩn còn khiến quá trình kiểm tra phát hiện các sự cố bất thường trong khoang máy gặp khó khăn.
 
Việc tốt nhất để khắc phục điều này chính là thường xuyên vệ sinh khoang động cơ.
 
Tuy nhiên, việc vệ sinh khoang động cơ ô tô sao cho đúng cách cũng khiến nhiều người phải đau đầu.
Mở nắp capô, dọn dẹp khoang máy trước 30 phút
 
Khu vực khoang máy thường rất nóng, nhiệt độ cao ở một số chi tiết sau khi xe hoạt động. Vì vậy, trước khi vệ sinh cần mở nắp capô từ 20 phút -30 phút để giải nhiệt. Điều này góp phần giúp các bộ phận trong khoang máy như các van, đường ống bằng cao su, dây đai… không bị giảm tuổi thọ do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
 
Che chắn các mạch điện, cổ hút gió động cơ cẩn thận
 
Sau khi dọn sạch rác lọt vào khoang động cơ, nên dùng bọc nilon hoặc băng keo chống nước chuyên dụng để che chắn các mạch điện, các thiết bị điện tử. Kiểm tra nắp che chắn các cực ắc quy, nếu không đảm bảo an toàn nên tạm thời ngắt kết nối.
 
Đồng thời, bạn nên dùng khăn sạch hoặc túi nilon bịt cổ hút gió, máy phát điện để tránh nước xâm nhập có thể gây hư hỏng.
 
Sử dụng hóa chất gì? Bột giặt hay nước rửa bát được không?
 
Lưu ý khi vệ sinh khoang động cơ ô tô, chỉ sử dụng hóa chất chuyên dùng, được sản xuất bởi các thương hiệu uy tín. Các hóa chất chuyên dùng luôn có công thức đặc biệt để làm sạch các cặn bẩn mà không làm ăn mòn hay gây hại cho các chi tiết máy.
Sau khi vệ sinh khoang động cơ cần lau khô các chi tiết
 
Dùng khăn vải mềm kết hợp với vòi xịt khí nén để lau khô các bộ phận trong khoang máy. Chú ý lau khô các giắc cắm, dây bugi, các bộ phận điện tử. Sau đó hãy bảo dưỡng khoang máy bằng dung dịch chuyên dụng nhằm bảo vệ các thành phần kim loại, nhựa, cao su lâu bị bám bẩn, ăn mòn đồng thời góp phần thêm bóng đẹp và chống chuột bọ phá hoại.
 
Kiểm tra lại khoang máy sau khi vệ sinh
 
Sau khi đã hoàn thành việc vệ sinh khoang máy, bắt đầu tháo gỡ băng keo, bọc nilon đã bao bọc các mạch điện, cổ hút gió động cơ, máy phát điện. Kiểm tra xem có vật dụng nào còn xót lại trong khoang máy sau đó đậy nắp che chắn động cơ, nắp capô và khởi động xe để kiểm tra các chi tiết có hoạt động bình thường hay không.
 
Nên vệ sinh khoang động cơ định kỳ?
 
Mỗi lần rửa xe hay bảo dưỡng định kỳ, bạn có thể mở nắp máy và tiến hành xịt bụi bẩn bằng vòi khí nén. Không có lời khuyên cụ thể nào về thời gian bạn cần vệ sinh khoang máy, mà hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định hay điều kiện sử dụng của bạn. Bất cứ khi nào thấy khoang máy bẩn là có thể đi rửa.