Tù mù yếu tố cấu thành giá xăng

Admin
Một số DN đề nghị tăng chi phí định mức kinh doanh để… bù phần hao hụt xăng dầu.

Giá xăng thế giới đang tăng trở lại, kỳ vọng giá xăng giảm thêm (sau khi đã giảm 500 đồng/lít từ 8.6) khó thành hiện thực.

Xin tăng chi phí định mức lên 100 đồng
 
Theo cách tính giá cơ sở của Tổng Cty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), với giá xăng, dầu thành phẩm tại thị trường Singapore bình quân của 30 ngày qua, giá xăng dầu đang ở mức trên 80 USD/thùng, mỗi lít xăng về tới cảng của Việt Nam có giá 9.887 đồng.
 
Sau khi cộng 17% thuế nhập khẩu, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế VAT, phí xăng dầu 1.000 đồng/lít, giá gốc của mỗi lít xăng sẽ là 16.235 đồng. So với mức giá bán hiện tại 15.990 đồng, mỗi lít xăng bán ra, doanh nghiệp bị lỗ 245 đồng. Mức lỗ với diesel 0.05S là 41 đồng, dầu hỏa 205 đồng. Riêng dầu madút lãi 346 đồng.
 
Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu lớn có trụ sở ở TPHCM cũng xác nhận xăng và dầu bán ra gần như không có lãi. Giá xăng, dầu thế giới tăng thời gian tới giá xăng dầu bán lẻ trong nước doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại. Các doanh nghiệp cũng đã có kiến nghị gửi liên bộ Tài chính- Công Thương về việc tăng chi phí định mức kinh doanh của doanh nghiệp đang áp dụng hiện nay lên mức hợp lý hơn.
 
Theo một doanh nghiệp, chi phí định mức kinh doanh của mặt hàng xăng và dầu phải tăng thêm 100 đồng, lên lần lượt 700 đồng và 600 đồng/lít mới phù hợp.
 
Việc phải tăng định mức chi phí này xuất phát chủ yếu từ sự hao hụt trong quá trình nhập, xuất xăng dầu. Mức đề xuất tăng này chưa tính tới biến động tỉ giá giữa USD và VND, chưa tính tới việc các doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh phải vay ngân hàng. Các doanh nghiệp kiến nghị tăng mức phí từ tháng 4-2010, nhưng các cơ quan chức năng chưa ra quyết định cuối cùng về việc này”.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đề nghị không nêu tên cho rằng, người dân thắc mắc về giá xăng thế giới giảm trong tháng 5, nhưng không thấy doanh nghiệp giảm giá là đúng. Tuy nhiên, giá xăng thế giới có xu hướng tăng trở lại nên việc hạ giá như mong muốn của người tiêu dùng doanh nghiệp phải cân nhắc.
 
Trong 30 ngày (tính đến hết 18-6), đối với mặt hàng xăng giá trung bình là 79,49 USD/thùng. Đến 21-6, giá xăng vọt lên 85 USD. Đến 22-6, giá xăng ở mức 86,01 USD/thùng. Nếu giá xăng, dầu thế giới nhích thêm tí nữa thì doanh nghiệp trong nước bán ra với giá như hiện nay chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ”.
 
Tám yếu tố cấu thành giá đều tù mù
 
Một chuyên gia kinh tế cho biết, cách tính toán giá xăng dầu của doanh nghiệp hiện nay có nhiều khoản vẫn chưa rõ. “Họ chưa nêu ra lý do phải trả lãi vay ngân hàng để nhập khẩu xăng dầu, tăng mức chiết khấu hoa hồng cho đại lý... Cứ vin theo các khoản chi phí này thì giá xăng sẽ chỉ tăng chứ không thể giảm”.
 
Về cách tính chi phí của doanh nghiệp xăng dầu, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, giá xăng Việt Nam phụ thuộc vào 8 yếu tố (gồm giá mua tại gốc; chi phí tối thiểu của doanh nghiệp trong vận chuyển đến người tiêu dùng; thuế thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt...), nhưng cả tám yếu tố này đều tù mù. Nhà nước cũng nên yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải công khai tất cả chi phí vận tải, lưu kho bãi, giá đầu vào... ở mức tối thiểu.
 
Một chuyên gia thuộc Viện Khoa học Thị trường Giá cả so sánh việc xăng dầu lừng khừng giảm giá giống như trường hợp của ngành viễn thông trước đây. Với ngành xăng dầu, có thời điểm giá xăng, dầu thế giới giảm, doanh nghiệp có lãi nhưng thay vì giảm giá bán trong nước, doanh nghiệp lại thực hiện tăng chiết khấu cho đại lý và vin vào đó để lần khân giảm giá.
 
Trong biểu tính giá xăng dầu, có khoảng 10 cấu phần khác nhau nhưng nhiều cái không được giải thích rõ. Như việc hao hụt xăng dầu. Căn cứ để tính tỉ lệ hao hụt thế nào không ai biết. Hơn nữa việc doanh nghiệp tăng giảm giá xăng, dầu hiện vẫn do nhà nước quyết định chứ chưa theo đúng tinh thần Nghị định 84 của Chính phủ. Tóm lại câu chuyện ở đây là phải thay đổi toàn bộ cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Theo TPO

lien