Trời mưa, cẩn thận thủy kích trên ô tô

Igorpok
Chi phí sửa chữa một chiếc xe bị thủy kích có thể lên tới hàng trăm triệu đồng!

Thủy kích – kẻ thù số một của xe hơi

Thủy kích là hiện tượng nước tràn vào đường hút gió của máy, khiến xe bị chết máy đột ngột. Trong trường hợp này, nếu người lái xe cố tình đề máy, nước sẽ bị hút sâu vào động cơ.
 
Do đặc tính không chịu nén của nướ, dưới tác động của áp suất sẽ xảy ra tình trạng: nhẹ thì bị cong tay biên, nặng thì hỏng trục cơ, vỡ block máy, hư hỏng toàn bộ phần máy.
 
 
Nguyên lý của hiện tượng thủy kích.
 
Hậu quả của thủy kích thường rất nặng nề do hư hỏng nằm ở động cơ – trái tim của xe. Chi phí sửa chữa trong trường hợp bị thủy kích thường rất lớn, ít cũng vài chục triệu đồng (nếu chỉ phải thay tay biên), nhiều có thể lên tới vài trăm triệu đồng (nếu chẳng may phải thay cả cụm động cơ mới và toàn bộ hệ thống điện).
 
Đối với các dòng xe cao cấp, ngoài chi phí sửa chữa tốn kém ra, thì thủy kích còn làm giảm đáng kể giá trị chiếc xe.
 
 
Các dạng hỏng hóc của tay biên. Chiếc thứ 4 sắp gãy, nếu lái xe tiếp tục đề máy thì nó có thể phá hủy khoang động cơ.
 
Với khả năng ngập lụt có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại những thành phố lớn, để phòng xa cho những rủi ro này, tốt nhất nên tìm mua loại bảo hiểm có bao gồm gói bảo hiểm thủy kích.
 
Mức phí cho khoản bảo hiểm phụ này dao động trong khoảng 0,3 – 0,5% giá trị xe tùy theo mỗi nhà cung cấp bảo hiểm. Trước khi mua, bạn nên hỏi rõ nhân viên bảo hiểm về điều khoản thủy kích.
 
Những điểm cần lưu ý
 
Đối với các trường hợp khi xe đã bị ngập nước, chết máy nhưng khách hàng vẫn cố gắng nổ máy xe gây nên hiện tượng thủy kích, làm trầm trọng hơn tình trạng hư hỏng của chiếc xe thì các công ty bảo hiểm có quyền miễn trừ bồi thường. Chính vì thế đã có không ít trường hợp rắc rối xung quanh việc bồi thường về vấn đề thủy kích giữa khách hàng và các công ty bảo hiểm.
 
Vì vậy, các chủ xe hãy hạn chế đi vào đường ngập nước. Tuy nhiên, trong những trường hợp bất đắc dĩ xe phải lưu thông vào vùng ngập nước, theo các chuyên gia kỹ thuật, khi có dấu hiệu giật tắt máy hoặc tắt máy đột ngột thì chủ xe nên ngừng vận hành xe và gọi ngay cho cứu hộ để kéo xe về hãng.
 
Khi động cơ tắt máy, chủ xe nên bình tĩnh và để giảm thiểu hư hỏng cho xe, chủ xe tuyệt đối không thử đề máy trở lại để cố cho xe vận hành qua khu vực ngập nước (việc này nhằm hạn chế những thiệt hại hư hỏng đáng tiếc do máy hút nước vào buồng đốt).
 
Đồng thời, gọi điện thoại cho đường dây nóng của bảo hiểm để được hướng dẫn những bước cần thiết. Đây là cách nhanh nhất và tiện lợi nhất để có thể tiết kiệm thời gian cũng như công sức, tiền bạc cho khách hàng và cũng để tránh những hiểu lầm, phiền phức không đáng có.

Theo Datviet

Bùi Yến