(Autovina) - Bạn cần một lý do thỏa đáng cho việc mua một chiếc xe với giá trên ngưỡng 1,5 tỷ đồng mà chỉ có 5 chỗ ngồi? Dễ thôi, khả năng vận hành mạnh mẽ và đa dạng cùng sự rộng rãi, thoáng đãng của khoang nội thất là những đặc tính mà chỉ Outback 2015 mới sở hữu. Chưa kể, các công nghệ hỗ trợ và trang bị tiện ích cũng rất xứng tầm.
Đi ngược xu hướng
Không phải ngẫu nhiên mà Subaru được mệnh danh là "Porsche châu Á". Giữa 2 thương hiệu này có một sự đồng điệu đáng kinh ngạc ở nhiều khía cạnh, từ sự vượt trội về khả năng vận hành so với các đối thủ đồng hương, triết lý phục vụ toàn vẹn cho người lái, và cả nét cá tính bảo thủ làm nên đặc trưng. Tuy nhiên, nếu như Porsche đã bắt đầu phổ thông hóa các sản phẩm của họ trong hơn chục năm trở lại đây, thì một số dòng xe Subaru vẫn bất biến trước trào lưu, như Outback chẳng hạn.
Vốn có xuất phát điểm là biến thể dạng wagon của dòng sedan Legacy từ thập niên 90 thế kỷ trước, dần dần Outback đã quy tụ được lượng khách hàng trung thành đủ lớn để Subaru tách nó ra như một dòng xe riêng biệt. Tuy nhiên, Outback vẫn không quên đi gốc gác, bằng chứng là nó luôn được phát triển từ cùng một nền tảng khung gầm với Legacy. Mối quan hệ mật thiết đó tiếp diễn đến ngày nay, thể hiện đầy đủ qua nét tương đồng về ngôn ngữ thiết kế ở cả Legacy lẫn Outback 2015 mới nhất. Lưới tản nhiệt hình lục giác với 3 thanh ngang, cụm đèn pha vừa sắc sảo vừa mềm mại, đèn sương mù cỡ lớn...
Tuy nhiên, dù là thương hiệu Nhật, các dòng xe Subaru thường thể hiện triết lý Tây phương rất đậm nét. Động cơ phải khỏe, cabin phải rộng rãi, kiểu dáng cứng cáp nam tính... hầu như không có chỗ cho những cắt giảm để phù hợp với người Á Đông như cách các thương hiệu phổ thông khác hay làm. Đây là ưu điểm gây ấn tượng với một số người, nhưng chưa hẳn đã có sức thuyết phục tại những thị trường đang phát triển như Việt Nam, nơi phần lớn khách hàng cân nhắc dựa trên các yếu tố thực tế và không phải ai cũng để suy nghĩ cảm tính lấn át trước khi đưa ra quyết định.
Với trường hợp của Outback, sẽ có không ít người chau mày trước hình ảnh thuôn dài theo phong cách wagon, vốn xa lạ với phần đông khách hàng châu Á. Thực tế là trên thế giới, số lượng xe dạng wagon đã và đang liên tục giảm sút, thậm chí một số còn "biến mất", trước sự nổi lên dữ dội của crossover SUV. Những chiếc xe từng một thời rất "hot" như Toyota Venza hay Honda Crosstour đã bị khai tử ở Mỹ, và chỉ còn tồn tại lác đác ở một vài quốc gia châu Âu... Đó là hệ quả của việc bị mắc kẹt giữa 2 đầu thái cực sedan và crossover SUV, trở nên nửa vời và thừa thãi dù đã có những nỗ lực trong vô vọng nhằm đổi mới cho hợp thời.
Outback thì khác, nó vẫn phát triển mạnh. Trong tổng số hơn 500.000 xe Subaru bán ra tại Mỹ năm 2014, Outback và Forester đóng góp nhiều gấp 4 lần so với các dòng sedan. Forester bán chạy còn dễ hiểu bởi đây luôn là dòng xe chủ lực của Subaru, nhưng việc Outback thành công có thể xem là kỳ tích.
Nền tảng vững chắc
Một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của Outback là việc sử dụng chung nền tảng khung gầm với Legacy. Nếu như các dòng crossover SUV phổ biến ngày nay luôn cố gắng để có cảm giác lái nhẹ nhàng, linh hoạt giống sedan thì đối với Outback, điều này lại đạt được một cách hết sức tự nhiên. Mặc dù xe khá dài (4.815 mm), nhưng lại không hề cồng kềnh. Cộng với vô-lăng trợ lực khá nhiều, khi gặp trường hợp cần vượt xe khác, bạn chỉ cần lách nhẹ là chiếc Outback to lớn đã có thể chuyển đổi xong làn đường, ngay ngắn và êm ái.
So với thế hệ trước, kính chắn gió của Outback 2015 được kéo ra trước thêm 5 cm nên nghiêng hơn, đem lại tầm quan sát rộng thoáng từ vị trí lái. Dĩ nhiên ở thiết lập ghế mặc định, tầm nhìn của Outback chưa thể sánh được với những chiếc SUV thực thụ, nhưng sự khác biệt so với sedan (mà cụ thể là Legacy) thì rất rõ ràng, đủ để chúng tôi hài lòng. Lúc ôm cua, xe cân bằng rất tốt và độ nghiêng không bao giờ đạt đến mức lớn như SUV. Một phần cũng nhờ vào độ bám đường tuyệt vời của hệ dẫn động Symmetrical-AWD (S-AWD) danh tiếng của Subaru.
Bản 2.5i-S sử dụng máy xăng boxer 4 xy lanh, công suất 175 mã lực và mô-men xoắn cực đại 235 Nm. Đặc trưng của những chiếc Subaru luôn là độ vọt ngay từ dải tốc độ thấp. Bạn sẽ cảm nhận điều này từ lúc xuất phát cho đến cả khi xe đã có trớn. Mỗi một cú đạp ga đòi hỏi bạn phải có đôi chút thận trọng, bởi xe luôn chực chờ chồm lên rất nhanh! Đừng tưởng rằng khối động cơ này sẽ gặp khó khăn gì khi phải kéo cỗ xe nặng gần 1,7 tấn đi, nó dư sức.
Chúng tôi có phần bất ngờ với điều này, khi Outback sử dụng hộp số vô cấp CVT Lineartronic. Xe không tăng/giảm tốc theo một cường độ đều đều như thường thấy với loại hộp số này, mà cho thấy một độ giật nhất định, dù nhẹ nhưng vẫn đủ nhận ra nếu bạn để ý kỹ. Có lẽ các kỹ sư Subaru muốn giả lập cảm giác của hộp số tự động để người lái đỡ buồn tẻ. Nếu muốn kiểm soát chặt chẽ hơn, bạn vẫn có thể sử dụng cặp lẫy chuyển số gắn sau vô-lăng, lúc này xe sẽ vận hành với 6 cấp số ảo.
Tự tin off-road
Không khó để bắt gặp nút X-Mode nằm phía dưới cần số, một dấu hiệu chứng tỏ khả năng đi địa hình chuyên biệt mà không phải dòng xe Subaru nào cũng sở hữu. Đến nay, ngoài Outback ra, chỉ có một model nữa cũng được trang bị X-Mode là dòng Forester. Như vậy, có thể hiểu rằng nếu như Forester thường được tin dùng cho các chuyến dã ngoại đến những vùng đất khó đặt chân tới, thì Outback cũng làm được điều tương tự.
Nguyên tắc hoạt động của X-Mode dựa trên sự phối hợp của nhiều thành phần, từ hệ dẫn động S-AWD cho đến hệ thống phanh và kiểm soát lực kéo. Cụ thể, khi nhận thấy có dấu hiệu trơn trượt, xe Subaru được kích hoạt X-Mode sẽ tự động đưa ra mức phân phối lực, cũng như điều chỉnh độ đáp ứng của động cơ và các hệ thống liên quan để gia tăng độ bám đường. Nếu xe đang lên dốc, chức năng này sẽ "hỗ trợ" thêm cho người lái một lượng sức kéo vừa đủ; còn ngược lại, tính năng kiểm soát xuống dốc sẽ được bật để đảm bảo an toàn.
Trên đường tiến ra bờ biển, chúng tôi đã phải chững lại trước chướng ngại vật là một đoạn đường ngập trong bùn đất đặc quánh lại sau những cơn mưa nặng hạt. Điều này hoàn toàn không có trong hành trình dự kiến! Nhưng đây cũng là dịp để Outback và X-Mode chứng tỏ khả năng.
Một cách thận trọng, chúng tôi chỉ nhấn ga cho đến rìa con đường, rồi thả chân, mặc cho xe tự đối phó. Kết quả tốt hơn mong đợi, chiếc Outback lướt đi nhẹ nhàng với cảm giác như đang... trượt băng, lạ lẫm mà lại thú vị, kích thích. Thậm chí chẳng cần phải ép số 1 hay bước xuống đẩy từ phía sau. Đường trơn thật, chúng tôi cố gắng đánh tay lái hạn chế trong tầm kiểm soát như một thói quen, dù biết rằng đã đi được đến đây thì năng lực xe đủ giải quyết hết. Tò mò nhấn thêm chút ga, vừa sẵn sàng đối phó với tình trạng trượt bánh văng đuôi, chúng tôi bất ngờ khi Outback hoàn toàn không cho thấy chút dấu hiệu nào của việc mất độ bám.
Để tận dụng sự hiệu quả của X-Mode, cần lưu ý rằng nút này chỉ có thể được kích hoạt (bật sáng) khi xe đang di chuyển dưới 40 km/h. Tuy nhiên, tất cả các chức năng X-Mode sẽ chỉ hoạt động đầy đủ ở dưới mốc 29 km/h - quá mốc này, mọi tác dụng hỗ trợ sẽ không phát huy. Bên cạnh đó, chức năng kiểm soát xuống dốc chỉ có hiệu lực dưới 19 km/h.
Tất nhiên, Subaru không tạo ra Outback để cạnh tranh với những huyền thoại off-road thực thụ kiểu Land Rover, ngay cả Forester còn chưa có vinh dự đấy. Do bản chất của hệ dẫn động S-AWD với khóa vi sai ở dạng điện tử và thiếu đi hộp số phụ (không có chế độ cầu chậm) khiến tính năng off-road Outback chỉ dừng lại ở mức "softroader", dù rằng nó rất xuất sắc. Nên nhớ rằng khoảng sáng gầm của Outback ở mức 220 mm đã là khá tốt so với hầu hết crossover SUV trên thị trường và chỉ cần đừng ép nó lên những con dốc quá khó, bạn sẽ nhận được sự phục vụ tương xứng.
Hiện đại hóa
Trước sự thay đổi chóng mặt về các triết lý thiết kế xe hơi trên thế giới, Subaru cũng không thể đứng ngoài xu hướng. Khác với trước đây, khi hãng xe Nhật tỏ ra thiếu chú trọng đến yếu tố ngoại hình (do quá tập trung vào phần cảm giác lái và vận hành), Outback thế hệ mới đã có kiểu dáng bắt mắt và thời thượng hơn rất nhiều. Có vẻ Subaru đã biết cách hòa trộn những ưu điểm của cả wagon lẫn SUV vào Outback 2015, khiến nó tiệm cận với crossover SUV hơn là wagon truyền thống.
Với chiều dài cơ sở 2.745mm, Outback 2015 mang đến cho người sử dụng một không gian nội thất vô cùng rộng rãi. Lẽ ra với kích thước xe to và dài thế này, hoàn toàn có đủ chỗ để trang bị 3 hàng ghế, nhưng Subaru vẫn trung thành với cấu trúc 2 hàng ghế-5 chỗ ngồi và chỗ nào cũng... "mênh mông". Người lái lẫn hành khách có thể thoải mái tận hưởng vùng không gian của riêng mình, ngả lưng hay duỗi chân vô tư. Outback còn sở hữu khoang hành lý có thể tích lên đến 1005 lít hoặc thậm chí 2075 lít nếu gập hàng ghế thứ 2, tức là đủ tạo ra một chiếc giường, đáp ứng nhu cầu cho những gia đình thích đi picnic. Cửa sau đóng/mở điện lại càng thêm phần tiện lợi.
Bảng điều khiển trung tâm khá đơn giản, không màu mè nhưng có đầy đủ những công nghệ tiên tiến. Màn hình 7 inch hỗ trợ cảm ứng hiển thị thông tin chi tiết và rõ ràng, trực quan. Hệ thống camera lùi cũng được hiện ra ở đây mỗi khi chuyển số về mức "R". Cụm chỉnh điều hòa tự động 2 vùng, nút bấm khởi động động cơ Start/Stop... đều có khu vực của riêng mình nên rất dễ để nắm bắt, cho dù bạn chưa từng trải nghiệm Subaru bao giờ. Toàn bộ ghế đều bọc da sang trọng. Trên vô-lăng có đầy đủ nút điều khiển âm thanh lẫn nút kích hoạt chế độ ra lệnh bằng giọng nói.
Ở Việt Nam, nhà phân phối Motor Image tách biệt Outback phiên bản 2.5i với bản 3.6R cao cấp hơn bằng cách chỉ trang bị cho bản 2.5i bộ loa "no-name", thay vì loại hàng hiệu Harman Kardon. Do đó, mặc dù chất lượng phát nhạc của Outback ở mức tạm chấp nhận được, thì những đôi tai khó tính vẫn sẽ phải nghĩ cách nâng cấp hệ thống này. Ngoài ra, hệ thống cảm biến Eyesight không được áp dụng cho xe bán ra tại Việt Nam. Nếu muốn, bạn phải đặt riêng, đồng thời bỏ thêm tiền so với giá tiêu chuẩn.
Về khía cạnh an toàn, Outback 2015 sở hữu hệ thống cân bằng điện tử VDC, hỗ trợ đỗ xe khởi hành ngang dốc, hệ thống chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, hỗ trợ phanh khẩn cấp BA, phanh tay điện tử và ga tự động Cruise Control. Đó đều là những trang bị xứng tầm với một chiếc xe ở phân khúc này.
Giá trị bất biến
Liệu Outback có đơn giản chỉ là một chiếc Legacy được nâng gầm, kéo dài, thêm thắt ba-ga mui và những miếng ốp cho thêm phần hầm hố, rồi gắn tên riêng? Đó là thắc mắc của không ít người khi lần đầu tiếp xúc với dòng xe này. Tuy nhiên, đúng là không phải ngẫu nhiên mà Subaru quyết định tách Outback khỏi Legacy để trở thành một sản phẩm riêng biệt. Nó đang là một trong những hiện thân cuối cùng còn sót lại (và vẫn sống tốt) của triết lý wagon, nhưng khác với các đối thủ đã "tuyệt chủng", Outback đã đổi mới kịp thời.
Trong thời đại hiện nay, khi một lượng lớn người tiêu dùng có nhu cầu sở hữu crossover SUV 5 hoặc 7 chỗ, chắc chắn họ sẽ thấy lạ lẫm với Outback - chiếc xe có kích cỡ của "7 chỗ" nhưng lại chỉ sở hữu 2 hàng ghế. Bù lại, Outback có không gian thoáng đãng, không phải chịu những hạn chế mà crossover SUV thông thường hay gặp phải. Bên cạnh đó, khả năng vận hành đúng chất thể thao của thương hiệu Subaru lại là một món đặc sản tuyệt vời, mang lại lợi thế to lớn cho Outback.
Mức giá 1,627 tỷ đồng cho bản 2.5i-S và 1,785 tỷ đồng cho bản 3.6R tại Việt Nam đặt Outback cao hơn đáng kể so với phân khúc crossover SUV 5 và 7 chỗ truyền thống. Bạn sẽ không phải lo về chất lượng, khi toàn bộ xe Outback 2015 đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản. Chỉ cần cân nhắc: có đáng đánh đổi khả năng chuyên chở nhiều người (mà đôi khi lại thành nhồi nhét chật chội) để được không gian rộng rãi thoải mái và tiện nghi nhất có thể không? Nhiều khi, nghĩ khác đi một chút có thể sẽ tốt hơn!