Có tác dụng chống trượt cho cho lốp xe và giúp người lái kiểm soát xe tốt hơn, tuy nhiên sẽ không nhiều khách hàng sử dụng có thể phân biệt được điểm khác nhau giữa TCS với các hệ thống như EBD và ESP cũng như sự hỗ trợ của hệ thống TSC trong các tình huống thực tế khi lái xe.
TCS (Traction Control System) là tên gọi thường được dùng nhất của hệ thống này, ngoài ra nó còn có các tên khác như TRC, ASR, DSC tùy theo từng hãng. Khi nghe từ “hệ thống” ắt hẳn bạn sẽ liên tưởng đến các bộ phận thủy lực, dây tín hiệu, cảm biến, máy tính điều khiển. Tuy nhiên trên thực tế TCS lại có cấu trúc hoàn toàn khác hẳn, trước tiên chúng ta sẽ xem xét vai trò ảnh hưởng của hệ thống này lên hoạt động của xe.
Vai trò của TCS
TCS đóng vai trò chống trượt và giúp xe có độ bám với mặt đường, nó có khả năng tác động vào hệ thống phanh ABS, hệ thống bướm ga và tăng giảm công suất máy để điều chỉnh lực kéo. Để làm được những yêu cầu trên, TCS sẽ nhận tín hiệu từ cảm biến trọng lực, cảm biến gia tốc ngang, cảm biến tốc độ, vòng quay bánh xe, chân ga, góc tay lái, và cảm biến bướm ga. Sau đó, ECU sẽ tổng hợp thông tin và “ra lệnh” cho hệ thống phanh ABS hãm tốc độ các bánh xe thông qua van thủy lực, đồng thời bướm ga sẽ nhận được tín hiệu đóng hoặc mở để điều chỉnh công suất động cơ, nếu cần thiết thời gian đánh lửa giữa các kỳ và số lượng xăng được phun vào buồng đốt, sẽ được ECU can thiệp để thay đổi sức kéo của xe.
Bạn có thể thấy nhiệm vụ của TCS gần như là tương đương với ESP, tuy nhiên, ESP chỉ đảm nhiệm việc cân bằng xe ở tốc độ cao, như khi qua các góc cua hoặc trường hợp tài xế đánh lái bất ngờ. Mặt khác, TCS sẽ xử lý tình trạng bánh bị trượt khi tăng tốc hoặc lốp xe mất độ bám trên đường trơn trượt ở tốc độ thấp.
Tình huống thực tế
Nếu đã xem các bộ phim hành động, bạn sẽ thường xuyên bắt gặp cảnh quay xe tăng tốc, bánh xoay tít và khói bốc lên rất nhiều ở phần lốp tiếp xúc với mặt đường, tuy nhiên xe lại từ từ lướt đi chứ không “phóng” nhanh như tưởng tượng. Đó là hiện tượng mất ma sát giữa bánh xe và mặt đường, xảy ra khi xe tăng tốc, tốc độ của xe không tương thích với vòng xoay của bánh và công suất động cơ. Trong trường hợp này, hệ thống TCS sẽ can thiệp bằng việc ra lệnh cho phanh ABS giảm tốc độ những bánh đang bị trượt đồng thời giảm công suất máy để độ tiếp xúc giữa bánh xe và mặt đường đạt hiệu quả nhanh và tốt nhất.
Ở một tình huống khác, nếu bạn phải dừng lại khi xe đang leo dốc cao và đường trơn trượt do nước hoặc bùn, trường hợp xe không trang bị TCS, ô tô sẽ bị trượt bánh thậm chí các bánh mất độ bám và trôi ngược xuống dốc khi bạn nhấn ga đi tới. Với các xe được hỗ trợ TCS, hệ thống sẽ “ngắt – nhả” từng bánh liên tục và thực hiện cả 4 bánh cùng lúc (nếu xe dẫn động 2 cầu), nhằm mục đích đưa xe tiến tới mà không bánh nào bị mất độ bám đường.
Do được phát triển trên nền hệ thống phanh ABS và cân bằng điện tử ESP, nên hầu như tất cả “phần cứng” của hệ thống chống trượt TSC đều được “vay mượn” từ 2 hệ thống trên. Vì vậy TCS là một phần mềm được nhà sản xuất nạp vào ECU của xe để ngoài việc xử lý các tình huống nguy hiểm ở tốc độ cao của ESP thì TCS sẽ đảm nhận vai trò giữ an toàn cho xe khi ở tốc độ thấp. Chính vì lý do đó, khi đèn cảnh báo TCS sáng, đồng nghĩa với việc bạn phải kiểm tra kèm lỗi của cả hệ thống cân bằng điện tử ESP và phanh ABS.
Theo Tapchigiaothong