Thực hư về thiết bị tiết kiệm xăng

Svetlauz
Giá xăng tăng đã khiến nhiều người tìm mua các bộ tiết kiệm xăng, bộ siêu áp điện tử... gắn vào xe gắn máy với mong muốn giảm tối đa chi phí đổ xăng. Nhưng hầu hết các thiết bị này không đạt hiệu quả như lời quảng cáo, lại còn làm hỏng máy móc.    

“Cục tiết kiệm xăng”, sản phẩm của một tiệm sửa xe gắn máy trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM 
 

Dây nối bugi siêu áp được quảng cáo là giúp tiết kiệm xăng
 
Bộ tiết kiệm nhiên liệu được quảng cáo tiết kiệm 20-30% nhiên liệu 
 
Gần đây, nhiều nơi thi nhau tiếp thị rầm rộ hàng chục loại thiết bị tiết kiệm xăng được “phát minh” từ các cơ sở, tiệm sửa xe, nhập từ nước ngoài như bộ tăng áp đánh lửa, chụp bugi siêu dẫn điện... kèm lời quảng cáo rất kêu: “Đảm bảo tiết kiệm 20-30% lượng xăng khi sử dụng”. Bà chủ một cửa hàng bán phụ tùng xe máy trên đường Ký Con (Q.1, TP.HCM) mang ra một đoạn dây điện cũ rích, một đầu là ống nhựa dẻo ở giữa có gắn thanh kim loại bằng đồng, đon đả giới thiệu đây là loại thiết bị siêu tiết kiệm xăng, với tên gọi “dây nối bugi siêu áp”. Thiết bị này được bán với giá rất “mềm”, chỉ 70.000 đồng/cái.
 
Chạy 5 ngày vẫn còn xăng?
 
Bà chủ cho biết: “Hàng xịn nhập từ Đài Loan đấy, gắn cái này vào xe thì độ đánh điện sẽ mạnh hơn, nhạy hơn, tiết kiệm xăng rất nhiều”. Tuy vậy, trên sản phẩm này chỉ in dòng chữ to tướng: “Technology of Taiwan” (công nghệ của Đài Loan), còn sản xuất ở đâu thì... khi hỏi lại bà chủ cũng đành chịu. Thấy chưa thuyết phục được khách, bà ta chỉ những chiếc xe gắn máy trong nhà, nói: “Tất cả xe gắn máy của nhà tôi đều gắn loại này. Trước đây mỗi lần đổ xăng xe chỉ chạy được ba ngày, sau này gắn thiết bị vào thì chạy được năm ngày mà xăng trong bình vẫn còn”(?!). Nhưng khi đề nghị bảo hành thiết bị thì bà chủ lắc đầu: “Hàng giá bèo mà đòi bảo hành gì”.
 
Tại cửa hàng gần đó, anh thợ sửa xe của cửa hàng này đưa cho chúng tôi một nắp chụp bugi siêu dẫn điện, bán với giá 70.000 đồng/cái, giới thiệu là hàng VN, do một công ty TNHH sản xuất. Xe gắn máy gắn thiết bị nắp chụp bugi siêu dẫn điện này sẽ tiết kiệm 20-25% lượng xăng so với bình thường. Bà chủ tiệm cho biết mấy hôm nay khách đến hỏi mua nhiều, hàng bán rất chạy. Chất lượng sản phẩm và chế độ bảo hành ra sao, bà chủ nói bâng quơ: “Cứ gắn vào dùng thì sẽ biết hiệu quả ngay. Chị chỉ biết bán thôi, còn tùy... cách sử dụng nữa”.
 
Tương tự tại khu vực chợ phụ tùng xe gắn máy Tân Thành, Q.5, chúng tôi ghé vào một cửa hàng, người bán hàng cho xem “bộ siêu áp điện tử”, gắn trực tiếp vào môbin lửa, được bán với giá 40.000 đồng/cái. “Bộ siêu áp điện tử” gồm một khúc ống nhựa dẻo, hai đầu được bịt hai nắp nhựa và một con ốc nhựa màu đen. Công dụng ghi trên tờ quảng cáo của thiết bị này là tăng áp cho dòng điện giúp máy nổ nhạy hơn, tiết kiệm xăng từ 15-30%, sạch máy và đèn... sáng hơn (?!). Tuy vậy, khi hỏi chi tiết, người bán hàng chỉ ậm ờ giải thích: “Công dụng hiệu quả cỡ nào thiệt tình tui cũng không rõ. Người ta ghi sao thì biết vậy thôi. Nhiều người mua lắm, chắc họ không nói sai đâu”.
 
Nhiều tiệm sửa xe gắn máy ở TP.HCM cũng tự chế những bộ tiết kiệm xăng với công dụng và chất lượng được khẳng định chỉ bằng... miệng. Tại một tiệm sửa xe máy trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, chủ tiệm mang ra một thiết bị gọi là “cục tiết kiệm xăng” có tên gọi P.. Giá của “cục” này 180.000 đồng, gồm hai ống nhựa gắn vào một khối kim loại được tiện bằng nhôm thô sơ và một khối nhựa hình chữ nhật màu đen, bên trong có miếng mút. Không có bất cứ thông số kỹ thuật, tem bảo đảm hay dòng hướng dẫn sử dụng nào được gắn với sản phẩm, ngoại trừ trên ống nhựa có chữ “Alfaoomma Italy”. Một người thợ tại đây cho biết nhiều người hỏi mua thứ này lắm nên “cơ sở phải làm sáng đêm mới đủ hàng bán vì nó giúp xe mạnh hơn, tiết kiệm xăng hơn”.
 
Tự “lăng - xê”
 
Để kiểm định chất lượng của một sản phẩm tiết kiệm xăng có thật như lời nhân viên bán hàng không, chúng tôi theo chân anh Huy, ngụ Q.10, lắp một bộ tiết kiệm xăng tại một điểm bán trên đường Âu Cơ, Q.Tân Phú. Người bán huyên thuyên về tác dụng của sản phẩm, đảm bảo xe sẽ chạy êm hơn, tự động điều tiết gió, giảm lượng hao xăng cho xe, tăng công suất, xe chạy bốc hơn và không ảnh hưởng gì đến máy móc... nên tiết kiệm và lợi xăng rất nhiều. Sau gần một tuần “trải nghiệm” với thiết bị tiết kiệm xăng, anh Huy ngán ngẩm quay lại nơi này đề nghị tháo ra. Anh phân trần: “Xe tôi bình thường đổ 1 lít xăng chạy được gần 50km, lắp cái này vào chẳng thấy tiết kiệm gì, xăng uống còn dữ hơn, 1 lít giờ chỉ còn chừng 45km”.
 
Giải thích với khách, một người thợ lắp ráp nói: “Do thợ canh chỉnh chưa đúng, để em chỉnh lại, anh chạy thêm vài ngày nữa xem sao” (?!).
 
Chị Hồng, người từng gắn một loại thiết bị tiết kiệm xăng có giá trên 200.000 đồng, nói mình như “thoát được cục nợ” sau khi tháo bộ tiết kiệm xăng ra. Chị bảo nhiều lúc đang chạy thì xe chồm lên phía trước do gas không đều, xe hay bị tắt máy giữa đường, chị sợ bị tai nạn nên phải tháo thiết bị ra.
 
Nhiều thợ sửa xe gắn máy kinh nghiệm lâu năm tư vấn: “Không nên gắn các thiết bị tiết kiệm xăng vì chẳng có tác dụng gì”. Theo anh Nhân - tiệm sửa xe Nhân Hùng, Q.10, những bộ tiết kiệm xăng này chỉ hoạt động tốt vài ngày đầu, sau đó nó sẽ bắt đầu giở chứng. Cụ thể là buồng nổ bị gió vô nhiều sẽ bị khô hay còn gọi là “rốc đầu”, lâu ngày máy sẽ xuống (hỏng) rất nhanh. Sử dụng các thiết bị này một thời gian thì bụi theo đường lấy gió vào máy sẽ bít lỗ thông hơi của bình xăng con khiến chúng bị nghẹt. Phải mang ra tiệm thông lại. Đó cũng là nguyên nhân tạo ra hiện tượng xe giật, chết máy bất tử...
 
Ông Thành, thợ sửa xe gắn máy khá có tiếng tại tiệm sửa xe Đức Thành, Q.Gò Vấp, khẳng định: “Tui từng là đại lý cho một cơ sở phân phối bộ tiết kiệm xăng bán khá nhiều nơi ở TP, quảng cáo xe chạy ít nhất từ 60km trở lên mới hết 1 lít xăng. Thực tế bộ tiết kiệm này chẳng có tác dụng, ngược lại dùng một thời gian máy bị rốc đầu nhanh phải làm máy lại”.
 
Phải kiểm định mới đánh giá chính xác
 
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hường (trưởng khoa kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết, nhiều thiết bị được quảng cáo có thể tiết kiệm xăng trên thị trường hiện nay hoàn toàn không có cơ sở khoa học chứng minh có thể tiết kiệm xăng.
 
Để chứng minh một thiết bị có tiết kiệm xăng hay không, phải đưa thiết bị đó lên băng thử động cơ, đo công suất, mức tiêu hao nhiên liệu... trước và sau khi được gắn thiết bị lên máy xe. Khi đó mới có thể kết luận và đánh giá chính xác.
 
Theo chuyên môn, người bán quảng cáo “ráp bộ tiết kiệm xăng vào bình xăng con để chỉnh lượng gió tăng, giảm...từ đó sẽ tiết kiệm lượng xăng” là hoàn toàn không đúng. Nếu bộ tiết kiệm có tác dụng lọc sạch xăng trước khi xuống bình xăng con, lúc đó xăng đã được làm sạch và sẽ cháy hết trong buồng đốt thì mới tiết kiệm được lượng xăng chút ít. Một số thiết bị “quảng cáo” giúp hệ thống đốt cháy nhiên liệu nhanh hơn, thực tế chỉ làm giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường, công suất máy sẽ tăng nhưng không có tác dụng tiết kiệm xăng.
 
 

Theo TTOL
buiyen